"Ở trường Wharton, tôi dạy đàm phán cho một số bộ óc kinh doanh sáng dạ và giỏi nhất thế giới - cả sinh viên và giám đốc. Tôi cũng là giám đốc học thuật cho một chương trình đàm phán dài một tuần cho các quản lý cao cấp gọi là "Hội thảo Đàm phán cao cấp Wharton: Đàm phán để giành lợi thế".

Dù vậy, tôi phải nói thật là đàm phán vẫn luôn khiến tôi lo lắng ít nhiều. Thực tế, có những lúc tôi hoàn toàn không nhận ra là mình đang đàm phán cho đến lúc quá muộn".

Tác giả G. Richard Shell đã thú nhận điều đó trong phần mở đầu cuốn sách Bargaining for Advantage (bản tiếng Việt tái bản của NXB trẻ mang tên Đàm phán để giành lợi thế).

Đàm phán là gì mà đến một bậc thầy về thương lượng cũng phải lo lắng như vậy?

Hãy xem G. Richard Shell nói về đàm phán:

richard shell

"Hằng ngày chúng ta đều đàm phán nhiều lần. Khi còn trẻ con, chúng ta đàm phán để giành những gì ta muốn: sự chú ý, chăm sóc đặc biệt và tăng tiền tiêu vặt hằng tuần. Là người lớn, ta đàm phán cho những ao ước phức tạp hơn nhiều, nhưng xét kỹ mới thấy chúng cũng không khác gì những thứ ta muốn giành thuở nhỏ.

Đàm phán là một dạng giao tiếp con người đặc biệt và căn bản, nhưng không phải lúc nào ta cũng nhận thức được. Đàm phán là một quá trình giao tiếp qua lại có thể diễn ra bất cứ khi nào chúng ta muốn một cái gì đó từ người khác hay người khác muốn cái gì đó từ ta.

Không phải các đàm phán đều giống nhau. Thỏa thuận trong gia đình hay với bạn bè những chuyện như lịch trình, bữa ăn, chuyện bổn phận và nghĩa vụ thì bản chất giống với giải quyết vấn đề hơn là chuyện giao dịch làm ăn. Đó là vì thông thường cách ta đàm phán với người ta yêu thương sẽ khác với người lạ.
Đàm phán để giành lợi thế đã đạt giải thưởng "Tác phẩm xuất sắc về đề tài thương lượng" của Viện CPR (Hoa Kỳ)
Đẩy qua một bên lớp bình phong an toàn trong những mối quan hệ thân thiết của chúng ta, ta đối diện với một thế giới đàm phán phức tạp với ngân hàng, cửa hiệu, khách sạn, hàng không, công ty thẻ tín dụng, cơ sở chăm sóc y tế và dịch vụ khác liên quan đến cuộc sống thường nhật của ta. Quy tắc "sự hài lòng của khách hàng" thường có nghĩa là con số trên thẻ ghi giá được dành cho những ai sẵn lòng trả giá đó, và vẫn còn một giá khác hấp hơn dành cho những ai muốn đàm phán.

Mọi đàm phán đều bắt đầu từ bạn. Do đó, nền tảng đầu tiên của đàm phán là phong cách đàm phán của bạn. Thành công của bạn phụ thuộc vào đánh giá khách quan điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình trong giao tiếp.

Đàm phán để giành lợi thế bản tái bản có gì?

- Bài kiểm tra "IQ đàm phán" mới nhất của Richard Shell giúp khám phá những ưu điểm độc đáo của riêng bạn trong vai trò một nhà đàm phán.

- Những sách lược hay nhất của những chuyên gia thương lượng hàng đầu.

- Những biện pháp hữu dụng khi bạn thiếu lợi thế đàm phán.

- Phân tích cách phòng tránh những nguy cơ và cạm bẫy của đàm phán trực tuyến, trong đó có cả email và tin nhắn trực tuyến.

- Nghiên cứu về cách những khác biệt giới tính và văn hóa có thể làm chệch hướng của đàm phán ra sao, và những lời khuyên nhằm đưa mọi việc trở lại đúng hướng.

Một vài nhận xét về Đàm phán để giành lợi thế:

Giáo sư Max H. Bazerman của Đại học North Western: "Richard Shell được coi là ngôi sao trong ngành đàm phán. Và trình độ siêu đẳng đó được truyền đạt qua tập sách này - một tập hợp tuyệt diệu những lời khuyên thiết thực bổ ích cho tất cả độc giả".

Tổng biên tập The Money Book Club Laurie Calkhoven: "Dù bạn mua xe, cố gắng cho trẻ đi ngủ, hay môi giới một thương vụ quan trọng, Đàm phán để giành lợi thế đều có thể dạy bạn suy nghĩ tường tận và khám phá ra những cách sáng tạo để đạt được thỏa thuận với bất kỳ ai"...

KIM NGỌC/DNSG

Pin It
Vinnie Jones

"Thắng không phải lúc nào cũng thực sự quan trọng miễn sao là bạn thắng."

User Menu