17713 Huynh-Minh-Quan f10db

Dù chưa nổi như các hãng nước ngoài, vẫn có đơn vị tư vấn của Việt Nam được chọn mặt gửi vàng nhờ có thế mạnh riêng và cung cấp được giải pháp quản trị nhân lực hiệu quả.

Sau gần 30 năm mở cửa và hơn 5 năm gia nhập WTO, doanh nghiệp Việt Nam tuy đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng nếu so với các quốc gia trong khu vực thì vẫn còn khá non trẻ. Bên cạnh việc thu hút một lượng lớn đầu tư từ nước ngoài, các doanh nghiệp nội cũng gặp phải không ít khó khăn bởi áp lực cạnh tranh từ các đối thủ cũng như những thách thức khi tham gia vào thị trường quốc tế. Đợt khủng hoảng kinh tế thời gian qua cũng làm lộ ra những yếu điểm trong quản trị của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, buộc họ phải rà soát lại cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực, tăng hiệu quả hoạt động để tồn tại.

Từ đây nảy sinh nhiều vấn đề từ hệ thống quản trị đến chất lượng nguồn nhân lực, chưa kể đến tỉ lệ chảy máu chất xám ở mức cao cộng với văn hóa công ty chưa phù hợp khiến người lao động chưa phát huy được hết khả năng. Khi đó, dịch vụ tư vấn nói chung và tư vấn nhân sự nói riêng chính là cánh tay nối dài trợ giúp cho các doanh nghiệp. Nhìn lại sự tăng trưởng của ngành tư vấn nhân sự ở các nước phát triển và những đóng góp của hoạt động này đến cộng đồng doanh nghiệp, rõ ràng nhu cầu cho dịch vụ này ở Việt Nam tăng mạnh là tất yếu.

Theo xu thế chung, Việt Nam đã bắt đầu đón nhận sự góp mặt ngày càng đông đảo của cả các hãng tư vấn ngoại, Việt kiều lẫn nhiều đơn vị tư vấn trong nước. Với các hãng tư vấn nước ngoài, họ đã có bề dày kinh nghiệm để xây dựng các mô hình quản lý và vận hành chuẩn mực. Tuy nhiên, cốt lõi của thành công trong hoạt động tư vấn nói chung, đặc biệt với tư vấn quản trị nhân sự là sự thấu hiểu những nhu cầu, tập quán của doanh nghiệp cũng như nhu cầu của người lao động Việt để giải quyết vấn đề, mà điều này thì chưa chắc tư vấn ngoại hơn tư vấn nội được.

Ông Huỳnh Minh Quân, Tổng Giám đốc Nhân Việt Management Group (NVM Group), một đơn vị tư vấn có thâm niên hơn 10 năm trong ngành nhận định rằng các ông chủ Việt thường gặp phải 3 vấn đề lớn nhất khi cộng tác với bên tư vấn.

Đầu tiên là chia sẻ yêu cầu của doanh nghiệp với đơn vị tư vấn. Theo đó, cái nhìn của doanh nghiệp Việt Nam về vai trò nhà tư vấn vẫn là ngắn hạn, kỳ vọng đơn vị tư vấn như chiếc đũa thần giúp giải quyết ngay những vấn đề trước mắt, liên quan trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh chứ chưa nhận ra những điểm yếu về mặt hệ thống phía sau nên không thể chia sẻ đầy đủ yêu cầu và thực trạng của doanh nghiệp. Vấn đề này còn phức tạp hơn đối với các nhà tư vấn ngoại vì rào cản ngôn ngữ và văn hóa.

Kế đến, do phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều có xuất phát điểm từ kinh tế nhỏ, gia đình hoặc tăng trưởng quá nóng trong một khoảng thời gian ngắn nên thường thiếu những quy chuẩn quản trị cần thiết khi mở rộng thành mô hình doanh nghiệp lớn. Do vậy khi đến với nhà tư vấn, các doanh nghiệp Việt thường mong muốn được áp dụng ngay những chuẩn mực quốc tế, toàn cầu nhưng khi áp dụng thì hệ thống quá cồng kềnh, không phù hợp trong doanh nghiệp dù lớn nhưng vẫn còn đang loay hoay ở thị trường nội địa.

Và cuối cùng là chất lượng nguồn lực bên trong của doanh nghiệp không đủ để triển khai thực hiện dự án với nhà tư vấn và kế thừa để vận hành. Trong các nguồn lực thì nguồn nhân lực vẫn là vấn đề then chốt. Hầu hết các doanh nghiệp Việt đều rơi vào trạng thái khủng hoảng thừa mà thiếu nhân lực. Rất nhiều doanh nghiệp nếu nhìn vào quy mô nhân sự sẽ thấy rất lớn nhưng lại vẫn thiếu người khi cần đến việc.

Do vậy mà theo ông Quân, các doanh nghiệp Việt Nam đã đến lúc cần phải xây dựng hệ thống quản trị quy chuẩn nhưng phù hợp, đặc biệt là hệ thống quản trị nguồn nhân lực nhằm tăng cường khả năng hấp thụ những tinh hoa trong mô hình quản lý mới và đủ sức đương đầu với các thay đổi cả từ bên trong doanh nghiệp và bên ngoài thị trường. Các hệ thống quản lý có tích hợp các giải pháp công nghệ mới nên được triển khai một cách có chọn lọc nhằm tăng hiệu quản quản lý và tiết kiệm khoản chi phí đầu tư cho chính bản thân doanh nghiệp.

Hiện nay, các doanh nghiệp tuy đều có bộ phận nhân sự riêng bên cạnh bộ phận tài chính - kế toán, kinh doanh - tiếp thị... nhưng với nhu cầu từ thị trường nên phần lớn các ông chủ Việt đều chỉ chú trọng vào khâu kinh doanh và sản xuất. Bộ phận nhân sự chỉ hoạt động để phục vụ cho một số nhu cầu cơ bản như tuyển dụng, trả lương, quản lý hồ sơ và bảo hiểm y tế. Trong nhiều trường hợp, bộ phận này còn được tích hợp chung với phòng hành chính kiêm nhiệm nhiều công việc khác dẫn đến thiếu chiều sâu và tính chuyên nghiệp trong việc tư vấn cho người quản lý doanh nghiệp về định hướng và chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Rõ ràng, doanh nghiệp cần phải sớm xây dựng được một hệ thống quản trị nhân sự hiệu quả bên cạnh các hệ thống quản lý khác đã và đang được triển khai nhằm có được công cụ và phương pháp quản lý phù hợp. Ông Quân cho biết, bên cạnh các dịch vụ quản lý tiền lương và tìm kiếm nhân sự cấp cao thì NVM Group cũng là đơn vị tiên phong trong ngành giúp cho nhiều doanh nghiệp trong nước xây dựng thành công các Giải pháp Nhân sự Tích hợp (HRMS). HRMS mà NVM Group xây dựng dựa trên 2 nền tảng cơ bản là quản trị hệ thống dữ liệu tài năng (Talent Management Solutions-TMS) và quản trị hệ thống nhân viên (Employee Management Solutions-EMS). TMS được hiểu là các giải pháp quản trị dữ liệu đầu vào và EMS là các giải pháp quản trị hệ thống nhân viên tích hợp bên trong. Các giải pháp được NVM Group module hóa và được bảo mật nhằm đáp ứng những nhu cầu linh hoạt trong sử dụng, triển khai theo quy mô và nhu cầu của từng doanh nghiệp cụ thể. Đồng thời, NVM Group cũng sẽ xây dựng các giải pháp trên nền tảng điện toán đám mây trong một thời gian ngắn sắp tới để tiết giảm tối đa chi phí đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp. Hơn nữa NVM Group cũng đã và đang tiếp tục đầu tư vào các giải pháp quản trị này hướng đến khả năng tích hợp dữ liệu với các hệ thống quản lý doanh nghiệp khác tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên công nghệ hay mô hình quản lý chuẩn mực chỉ đóng vai trò 50-60% trong các trường hợp triển khai thực tế. Phần còn lại đảm bảo cho sự thành công của dự án là khả năng tư vấn và chuẩn hóa giải pháp theo quy trình và thực trạng tại doanh nghiệp lẫn khả năng theo dõi và kiểm soát việc tuân thủ theo quy trình.

Có thể nói, trong lúc khó khăn thì vai trò của nhà tư vấn rất quan trọng trong việc hỗ trợ cũng như giúp doanh nghiệp định hướng, đưa ra chiến lược quản trị hiệu quả trong hiện tại và tương lai, nhưng thực tế thời gian qua nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được điều này. Hiển nhiên, nhà tư vấn nội hay ngoại đều có những ưu khuyết riêng. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần dựa trên đặc điểm, hoạt động kinh doanh cụ thể của mình để chọn lựa cho mình một dịch vụ tư vấn phù hợp.

Không thể phủ nhận những kinh nghiệm cũng như uy tín mà các hãng tư vấn nước ngoài đã gầy dựng được, nhưng ông Quân cho rằng trước hết các doanh nghiệp trong nước cần nhận thức rõ những ưu điểm từ việc sử dụng dịch vụ tư vấn nhân sự từ đơn vị trong nước có nhiều năm kinh nghiệm. Bởi vì so với khối ngoại, các đơn vị tư vấn trong nước có lợi thế lớn ở khả năng thấu hiểu nhu cầu tiềm ẩn của doanh nghiệp do cùng là công ty Việt Nam, qua đó đề xuất được những phương án giải quyết với chi phí thích hợp.

Theo Nhịp cầu đầu tư.

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Nếu không có đủ ngân sách thì một ý tưởng dù hay đến mấy cũng không thể cất cánh"

User Menu