16859-cover-ncdt-333-2-1 641bdHai đại gia Openasia Group và IPP đang so kè kịch liệt trong cuộc chiến phân phối hàng hiệu. Thú vị ở chỗ, người ngoài nhìn vào chỉ thấy một sự chung sống êm đềm hòa thuận đến lạ kỳ.

Vừa qua, nhiều doanh nhân cùng các tên tuổi trong làng showbiz Việt Nam đã được mời tham gia khai trương cửa hàng Louis Vuitton tại Tràng Tiền Plaza, địa điểm đắc địa bậc nhất Hà Nội. Sự kiện mới nhất này là minh chứng cho tiềm năng của thị trường hàng hiệu trong nước.

Năm 2012, riêng ngành kinh doanh hàng hiệu đã "đóng góp" gần 10 tỉ USD vào tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công Thương. Chưa hết, sự kiện này là diễn biến mới nhất cho thấy một phần rất thú vị của cuộc đua thầm lặng mà không kém phần quyết liệt giữa 2 cái tên đẳng cấp ở Việt Nam.

Thuyết phục đầu vào

Để buôn hàng hiệu, thuyết phục được các thương hiệu cao cấp nhất thế giới để làm nhà phân phối hay phân phối độc quyền tại Việt Nam là cửa ải lớn nhất mà các công ty kinh doanh hàng hiệu Việt Nam phải vượt qua. Các tiêu chí cơ bản nhất đối với các nhà phân phối là phải có tiềm lực tài chính dồi dào, kinh nghiệm làm ăn với các thương hiệu quốc tế, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, khả năng tiếp cận với các mặt bằng đắc địa nhất. Đặc biệt, làm lĩnh vực này, họ phải cam kết về lộ trình doanh thu, lợi nhuận, mức độ quảng bá thương hiệu tại nước sở tại trong khoảng thời gian nhất định đối với nhà sản xuất hàng hiệu.

Nói tới hàng hiệu, đầu tiên không thể không nhắc tới Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPP), đơn vị phân phối hàng hiệu lớn nhất nước hiện nay (thông tin từ IPP) với thị phần chiếm 70% thị trường. Với kinh nghiệm kinh doanh hàng miễn thuế trong hơn 20 năm qua, IPP thừa khả năng lọt vào mắt xanh của các thương hiệu cao cấp.

Đầu thập niên 1990, trong vai trò là Trưởng Đại diện Hãng hàng không Philippines tại Việt Nam, doanh nhân Johnathan Hanh Nguyen đã làm cầu nối để Tập đoàn DFS (Hồng Kông) chuyên kinh doanh hàng trăm cửa hàng miễn thuế tại các sân bay quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lần đầu tiên đưa hàng hiệu cao cấp vào Việt Nam. Tới nay, gần 50% hàng cao cấp của LVMH đã lần lượt vào Việt Nam thông qua IPP.

Điểm qua các đơn vị phân phối hàng hiệu trong nước hiện chưa tới con số 10, sẽ không khó nhận ra đối thủ nặng ký nhất của IPP chính là Openasia. Khá kín kẽ và hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong nước là điều có thể nhận thấy từ Tập đoàn Openasia. Đây là doanh nghiệp được một Việt kiều Pháp sáng lập từ năm 1998.

Lĩnh vực hoạt động cốt lõi của Openasia là dịch vụ ngân hàng đầu tư và tư vấn tài chính cho hơn 600 khách hàng là các công ty trong nước và quốc tế như Vinamilk, Metro Cash & Carry, Satra trong gần 2 thập niên qua. Nhưng những năm gần đây, tập đoàn này đã dần đa dạng hóa chiến lược đầu tư trong 7 lĩnh vực khác nhau gồm phân phối hàng cao cấp, kinh doanh thiết bị hàng không, công nghệ, du lịch, thủ công mỹ nghệ, thẻ tiêu dùng thông minh và tư vấn đầu tư. Trong đó, phân phối hàng hiệu chiếm hơn 60% danh mục đầu tư và tổng doanh thu hàng năm của Openasia.

Hiện mảng phân phối các sản phẩm hàng hiệu và chuỗi bán lẻ ẩm thực của Openasia có tới 7 thương hiệu thời trang cao cấp là Hermes, Hugo Boss, Kenzo, Atelier, Korloff, Chopard , B&O, hợp cùng xe hơi Audi và Starbucks Coffee.

Nếu khả năng tiếp cận các thương hiệu toàn cầu của IPP là trong tầm tay thì Openasia cũng có mối quan hệ hợp tác với Tập đoàn Artemis của Pháp trong nhiều năm qua. Theo thông tin từ trang web của tập đoàn này, tổng doanh thu năm 2010 đạt mức 15,5 tỉ euro chủ yếu từ mảng phân phối hàng hiệu cao cấp và đấu giá.

Chinh phục đầu ra

Cả Openasia và IPP đều có quan hệ quốc tế tốt, song điều đó là chưa đủ. Vấn đề mặt bằng luôn là thử thách lớn nhất đối với các chuỗi bán lẻ, nhất là các cửa hàng thời trang cao cấp tại Việt Nam vì yêu cầu đầu tiên của các nhãn hàng này là phải xuất hiện tại những vị trí đắc địa nhất ở TP.HCM và Hà Nội. Nguồn tin của CBRE Việt Nam cho hay, giá thuê tại các vị trí này hiện dao động từ 150-200 USD/m2 là một trong những mức giá cao nhất trong khu vực. Với tiềm lực tài chính của mình, 2 đại gia Openasia và IPP vẫn có thể chiều lòng các đối tác của mình.

Năm 2011, ông Johnathan Hanh Nguyen đã làm cầu nối để DFS bắt tay với Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước cải tạo toàn bộ mặt tiền và nội thất của Tràng Tiền Plaza để biến nơi này thành trung tâm thương mại sang trọng và hiện đại nhất Việt Nam. IPP đã chi hơn 400 tỉ đồng để nâng cấp Tràng Tiền Plaza. Kinh phí đầu tư một gian hàng đạt chuẩn hạng sang tại đây vào khoảng 4-12 triệu USD do các thương hiệu cao cấp chi trả. Đại diện IPP cho biết, không tính 400 tỉ đồng của IPP để cải tạo Tràng Tiền Plaza, tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và hàng hóa lên đến 150 triệu USD, tương đương hơn 3.000 tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng IPP đã có tới 20 gian hàng gồm những thương hiệu cao cấp như Chanel, Burberry, Cartier, Salvatore Ferragamo, Rolex, Ralph Laurent...

Năm 2011, IPP cùng các thương hiệu cao cấp cũng đã rót hơn 40 triệu USD vào trung tâm mua sắm Rex Arcade tại TP.HCM. Sau đó, IPP tiếp tục tiến quân vào Vincom A với hàng chục gian hàng chuyên phân phối các sản phẩm hàng hiệu cao cấp. Chính lợi thế về kinh nghiệm kinh doanh hàng miễn thuế trong hơn 20 năm qua, IPP đã tiếp cận được tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH (Pháp) để phân phối các nhãn hiệu cao cấp. Hiện 22/48 thương hiệu cao cấp của LVMH đã có mặt tại Việt Nam thông qua IPP.

Trong khi đó, Openasia đã tự thuê mặt bằng ở vị trí đắc địa, thiết kế cửa hàng, tuyển chọn nhân sự chất lượng, sau đó tự nhập khẩu và phân phối. Đến nay, Openasia đã đầu tư 9 cửa hàng phân phối hàng hiệu tại Hà Nội và TP.HCM với vốn đầu tư, theo giới bán lẻ hàng hiệu trong nước, có thể lên tới 70 triệu USD. Vì vậy, tuy chủ động kín tiếng nhưng Openasia đang dần trở thành cái tên có số má trong lĩnh vực phân phối hàng hiệu tại Việt Nam.

Hiện tất cả các thương hiệu cao cấp do IPP phân phối đều tọa lạc tại 3 vị trí "kim cương" là Rex Arcade, Vincom A (TP.HCM) và Tràng Tiền Plaza (Hà Nội). Điều thú vị là, cả 3 tụ điểm đó cũng là nơi Openasia đang phân phối 7 thương hiệu thời trang.

Hiện mô hình kinh doanh hàng hiệu của Openasia và IPP là nhập khẩu và phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng từ chính hãng qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ cao cấp do chính họ đầu tư. Thông tin từ 2 nhà phân phối này cho hay, chi phí đầu tư ban đầu cho một cửa hàng bán lẻ hàng hiệu cao cấp thường dao động từ 2-4 triệu USD, cá biệt có thể lên tới 6 triệu gồm phí thuê mặt bằng trong 1-2 năm đầu, thiết kế nội ngoại thất, thuê nhân sự, quảng bá tiếp thị... Trong đó, riêng tiền mặt bằng có thể ngốn của Openasia và IPP hàng triệu USD mỗi tháng.

Bản chất của mô hình kinh doanh hàng hiệu cao cấp là hướng tới đối tượng khách hàng có mức thu nhập cao nhất trong xã hội, kể cả khách du lịch quốc tế. Đối với khách trong nước, hiện IPP có tới hàng chục đơn vị thành viên với tổng doanh thu hàng năm xấp xỉ nửa tỉ USD, còn Openasia có bộ máy hoạt động gồm hơn 1.000 nhân viên trong cả nước, kinh doanh trong 7 lĩnh vực khác nhau nên mối quan hệ giữa 2 đại gia phân phối này với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế là khá rộng. Đây chính là nền tảng để họ thu hút khách hàng. Một nguồn tin của NCĐT cho hay, hiện tỉ lệ khách nội địa và quốc tế đến mua sắm tại các cửa hàng cao cấp của Openasia và IPP là 60-40%.

Tuy nhiên, IPP và Openasia không chỉ phải cạnh tranh với nhau. Các thiên đường mua sắm trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Hồng Kông, nơi mức thuế nhập khẩu vẫn là 0%, sẽ gián tiếp chia miếng bánh Việt Nam khi người Việt đang có xu hướng ra nước ngoài mua sắm. Chưa kể, kinh tế trong nước suy giảm kéo dài cũng làm giảm đáng kể nguồn cầu với hàng xa xỉ.

Nguồn: NCĐT

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Marketing là một trận chiến về ý tưởng. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải có một ý tưởng hoặc là một thuộc tính của chính bạn để mà tập trung vào."

User Menu