Trong con mắt quản trị học hiện đại, chành vựa không chỉ là khâu trung gian phân phối – thu mua mà còn là hệ thống quản trị các mối quan hệ, nền tảng bảo đảm sự vận hành của các hệ thống này

Hiện nay, các doanh nghiệp chở gạo đóng bao 20kg, 30kg, 50kg lên TP.HCM, qua nhiều lần bốc xếp, giá đắt gấp đôi phí vận chuyển từ TP.HCM đi Singapore. Nếu từ Cần Thơ đi Singapore sẽ giảm 2/3 cước phí. Xuất hàng tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lợi thế không cần cập cầu cảng, chỉ cập mạn, sang mạn là được.

Kho vận cần chành

Ông Phan Thành Tiến, giám đốc cảng Cần Thơ cho biết, mở rộng cửa biển cho tàu lớn vào Cần Thơ cũng có nghĩa phải chuẩn bị để xuất hàng từ các cảng ở ĐBSCL.

Từng làm việc ở ngân hàng Mekong trước năm 1975, ông Lưu Kiến Minh nói: “Thời trước, chành Cái Răng phải chuyển hàng về Sài Gòn, nhưng các chành Quách Liên Kiều, Huỳnh Yến Chiền, Mã Phước… ở Bãi Xàu có thể chất hàng lên tàu rồi xuất thẳng Hong Kong”.

Thời đó, bốn ngân hàng hỗ trợ cho chành Sóc Trăng là Việt Nam Thương tín, ngân hàng Nông nghiệp, ngân hàng BFC (Pháp) và ngân hàng Mékong. Họ dự trữ lúa, vay vốn ngân hàng, cung ứng xuất khẩu và mua gạo cho tổng cục Thực phẩm (cũ). Lúc đó, trong học phần kinh – nông học, GS Châu Tam Luân, phân tích cặn kẽ mạng lưới chành của người Hoa. Chành có kho chứa lúa, kể cả lúa non và cung cấp tín dụng nhỏ, nhà máy xay gắn với chành và hệ thống chành vận tải làm ăn tuyến miền Tây – Sài Gòn, Chợ Lớn.

“Tại Cần Thơ, hồi xưa, tôi nhớ chành Tân Liên An, Đại Liên… có chành đối ứng ở bến Hàm Tử, Chợ Lớn. Ông ngoại tôi có hai xe tải chở hàng cho chành này. Sau ngày giải phóng, chành tan rã rồi khôi phục nhưng cũng không giống như chành ngày trước. Chành vận tải biến dạng, nhiều người ra ngoài chạy tự do, người ta gọi là xe mồ côi. Hiện nay, xe mồ côi cũng sắp chết vì nhiều khi có hàng đi nhưng không có hàng về, lên tới Sài Gòn không có chỗ cho xe tải lớn vô thành phố. Tôi nghĩ nên tạo điều kiện cho xe mồ côi vô chành. Chành sẽ quan hệ và tập kết hàng rồi xếp tài cho xe mồ côi có hàng đi – hàng về”, ông Minh nói.

Tái hiện chủ chành

Ông Dương Việt Trung, 77 tuổi, người gốc Cô Thum (Ninh Thạnh Lợi, Phước Long, Bạc Liêu), từng làm việc cho chành Vạn Nguyên ở Cái Răng nói: “Thời bao cấp, các tỉnh gom lúa nhưng không có chỗ chứa, riêng Cần Thơ hao hụt mỗi năm hơn 15%. Lúc đó tôi là đại biểu Quốc hội, một lần tôi đã phát biểu trước Quốc hội về cách làm ăn của chành. Thời mở cửa, Quốc hội bán lúa gạo thương phẩm xuất khẩu thu ngoại tệ. Lúc đó, cách gom lúa của các sở lương thực khiến hao hụt lớn lắm, tôi lại phát biểu một lần nữa về chành”.

Ông Trung nhớ lại: “Khi là giám đốc công ty nông sản thực phẩm xuất khẩu, tôi có vận dụng kinh nghiệm thương trường và mối quan hệ của chành, nhưng không được do cơ chế đã khác rồi. Ông chủ chành Vạn Nguyên nói chành là chỗ cho người ta làm lại. Có khi làm ăn ở công ty bị sập tiệm, họ có thể khởi sự lại từ chành, phải giúp họ. Bây giờ, nhiều người thấy chành có cái hay, nâng chành lên thành công ty cổ phần cũng được...”.

“Năm 1959, ông Sáu Dân điều tôi từ trong cứ ra thành, đưa vô chành Vạn Nguyên ở Cái Răng làm thủ quỹ. Vạn Nguyên có nhà máy xay gạo, kho gạo, hai bên có trại bằng lá cho những chủ chành khác thuê chỗ chứa lúa. Một nhà máy có nhiều chủ chành, ghe chở lúa lúc nào cũng tấp nập, vốn quay hàng ngày. Vạn Nguyên liên kết với hàng chục người mua bán ngoài chợ, cần tiền thì tôi ra tiệm vàng, tiệm vải đem tiền về mua lúa, giao lên Sài Gòn – Chợ Lớn. Lên tới trển thì chuyển tiền qua tiệm vải, tiệm vàng lấy hàng về Cần Thơ. Vấn đề là đồng vốn quay vòng chứ không phải vốn nhiều. Nhiều khi lấy tiền ngoài tiệm vàng, tiệm vải… chỉ có một tờ giấy nhỏ ghi mấy chữ. Chữ tín là quan trọng nhất”, ông Trung kể.

Mỗi chành một chủ, họ làm đủ cách để giữ phẩm chất lúa. Lúa phơi khô chất thành cây trong kho, không có thiết bị thông gió thì kỹ thuật chất là thông thoáng để không bị ẩm mốc, được giá thì xay chà, xuất đi. Chành kết toán vào cuối năm, bao giờ cũng dư 2 – 3% vì mua lúa theo ghe đổ xá, phần dưới thường bị ướt. Giá lúa ướt bằng phân nửa so lúa khô. Mỗi ghe vài cần xé lúa ướt, nhưng suốt năm thì số lượng lớn lắm. Nhân công lấy bao bố tời khâu thành một tấm đệm lớn phơi lúa cho khô, xay xát bán với giá cao hơn. Phần trấu thì giê lấy tấm làm thức ăn gia súc.

Ông Trung làm ở Vạn Nguyên hai năm, lợi nhuận cho chành mỗi năm 32%. Thời bao cấp các đơn vị thương nghiệp “mua tận gốc, bán tận ngọn” nên chành ngưng hoạt động.

SGTT- Hoàng Lan

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Nếu không có đủ ngân sách thì một ý tưởng dù hay đến mấy cũng không thể cất cánh"

User Menu