16768 mor-rong-cua 8a853Công ty Khôi Nguyên cuối tháng 4 đã mời gần 80 Việt kiều đi du lịch và tham quan Khu Nghỉ Dưỡng The Pavillons Phan Thiet Villas & Resort của mình.

Đó là một cụm các ngôi biệt thự nghỉ dưỡng nằm sát biển tại một địa danh nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ là mũi Kê Gà, thuộc giai đoạn 1 của dự án The Pavillons có vốn đầu tư 10 triệu USD. Ông Nguyễn Bá Hội, Giám đốc Công ty Khôi Nguyên, cho biết: "Việc kết hợp với Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều (OVBC) đưa khách Việt kiều đi xem sản phẩm là chương trình sẽ được thực hiện nhiều lần nữa. Đợt rồi chủ yếu là Việt kiều Úc, Mỹ, còn sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện một chuyến đi tương tự với kiều bào Đông Âu". Khách hàng Việt kiều mà công ty này muốn nhắm tới cho dự án The Pavillons chủ yếu là những người lớn tuổi có nhu cầu mua biệt thự nghỉ dưỡng, muốn về quê hương nghỉ dưỡng nhiều lần hoặc hồi hương hẳn khi về hưu.

Dám bỏ ra một số tiền không nhỏ để mời khách Việt kiều mục sở thị dự án của mình, không ít người cho rằng Công ty Khôi Nguyên quá chịu chơi trong giai đoạn thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng. Tuy nhiên, ông Hội cho biết Việt kiều là đối tượng khách hàng rất tiềm năng do sắp tới Chính phủ sẽ nới lỏng hơn luật sở hữu nhà ở đối với Việt kiều. "Trong số 80 người đi tham quan, tôi chỉ mong có 2, 3 khách hàng quyết định mua là đã thành công rồi", ông nói.

Gần đây, một số doanh nghiệp bất động sản cũng đã nhắm tới khách hàng Việt kiều cho các dự án chung cư và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp. Họ kỳ vọng, sắp tới Chính phủ mở rộng cửa hơn cho Việt kiều mua nhà, phân khúc bất động sản cao cấp sẽ sôi động hơn.

Cũng vì e ngại chính sách và các thủ tục quá nhiêu khê, nhiều Việt kiều còn đắn đo trong việc mua nhà tại Việt Nam mặc dù họ có nhu cầu để ở thật sự. Chị Hồng, Việt kiều Đức, cho biết: "Tôi muốn mua một căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Phan Thiết nhưng thủ tục giấy tờ khó khăn quá. Mất gần cả 6 tháng nay mà vẫn chưa đâu vào đâu cả. Nếu không có cách giải quyết chắc tôi đành phải nhờ người thân đứng tên giùm, mặc dù biết là rủi ro khá cao".

Liên quan tới vấn đề luật nhà ở cho người nước ngoài, cách đây hơn 1 tháng trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết Bộ đang xây dựng các quy định mới nhằm tạo sự dễ dàng hơn cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam như mở rộng đối tượng mua, giảm bớt các điều kiện bắt buộc. Các chính sách này sau đó được trình Chính phủ, Chính phủ cố gắng trong năm 2013 sẽ trình Quốc hội. Tín hiệu này cho thấy Chính phủ đã chú trọng hơn tới các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản bằng biện pháp phù hợp, trong đó có việc cởi trói các quy định cho người nước ngoài mua nhà. Động thái khác cho thấy cửa đã mở hơn khi từ ngày 4.5, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài khi mua căn hộ, nhà, đất ở Hà Nội sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà. Với quyết định này, Hà Nội là địa phương đầu tiên cấp sổ đỏ cho Việt Kiều và người nước ngoài.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia bất động sản, dòng tiền từ những người nước ngoài, trong đó có Việt kiều có nhu cầu thực về nhà ở tại Việt Nam là một nguồn lực tài chính cứu nguy hữu hiệu cho thị trường mà không cần dùng đến gói cứu trợ của Nhà nước. Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã thành công trong việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở, kích thích phát triển du lịch và bất động sản nội địa.

"Với 9 tỉ USD kiều hối năm 2012, chiếm gần 1/10 GDP của Việt Nam, đó là một trợ lực hữu hiệu cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực bất động sản. Mong rằng Nhà nước sẽ mở rộng cửa thật sự chứ đừng he hé", ông Hội, Công ty Khôi nguyên bày tỏ.

Còn bây giờ, trong khi chờ đợi, Việt kiều vẫn chưa thể hoàn thành giấc mơ an cư nơi quê nhà một cách dễ dàng. "Sở hữu bất động sản tại Việt Nam rất khó, nên tôi vẫn thường đùa với các hội viên nam của câu lạc bộ rằng, muốn mua nhà ở Việt Nam nhanh thì nên lấy một bà vợ 100% Việt Nam, ông Louis Ngọc, Phó Chủ nhiệm OVBC, nói.

Theo Nhịp cầu đầu tư.

Pin It
Arthur Schopenhauer - Triết gia Đức

"Người ta nhìn thấy một thế giới hạn hẹp bởi chính cái tầm nhìn hạn hẹp của mình."

User Menu