Hãng xe lâu đời nhất của Ấn Độ là minh chứng cho thấy không phải cứ tốt nhất mới có thể giành chiến thắng. Xe máy do Royal Enfield sản xuất không phải là những chiếc tốt nhất hay rẻ nhất mà Ấn Độ sản xuất ra, nhưng không có thương hiệu nào có thể sánh ngang với hãng xe máy lâu đời nhất thế giới.
Gul Panag – một chính trị gia xuất thân từ diễn viên Bollywood – thường được nhớ đến với hình ảnh đang ngồi trên chiếc xe Enfield. Khi cô kết hôn năm 2011, thậm chí cặp đôi mới cưới đã dùng xe máy Royal Enfield để di chuyển trong suốt tuần trăng mật.
Không ngoa khi nói sở hữu một trong những chiếc xe máy Enfield có thể khiến triển vọng kết hôn của một chàng trai Ấn Độ trở nên sáng sủa hơn. Xe máy Enfield mang đến hình ảnh trái ngược với những chiếc mô tô thể thao hầm hố.
Những người chủ sở hữu chăm sóc chúng kỹ lưỡng, đánh bóng từng bộ phận của chiếc xe. Người dân Ấn Độ nói đùa rằng những bà mẹ vợ tương lai sẽ nhìn hình ảnh đó mà nghĩ rằng con rể của mình là người cẩn thận chu đáo.
Royal Enfield chính là công ty sản xuất xe máy lâu đời nhất thế giới với xuất phát điểm từ thời thuộc địa, khi nó chỉ là một cơ sở ở Ấn Độ của một công ty Anh quốc. Ấn Độ sở hữu hãng xe này từ những năm 1950.
Trong những ngày đầu độc lập và không còn dính dáng đến công ty mẹ, Royal Enfield vẫn tiếp tục sản xuất, phục vụ các đơn hàng đến từ quân đội và cảnh sát Ấn Độ. Những chiếc xe máy thường xuyên được sử dụng trong các cuộc tuần tra qua những cánh rừng biên giới.
Giờ đây, người tiêu dùng đang mang về doanh thu cho hãng. Trong tháng 2 vừa qua, hơn 49.000 chiếc Enfields được bán ra, tăng 63% so với 1 năm trước. Tháng 2 cũng đem đến một tin vui khi giá trị vốn hóa thị trường của công ty mẹ Eicher Motors vượt qua Harley-Davidson trong chốc lát.
Trong quá khứ Royal Enfield từng nhiều lần phải đối đầu với muôn vàn khó khăn. Đầu năm 2000, công ty mẹ đã có kế hoạch đóng cửa chi nhánh ở Ấn Độ. Những lỗi kỹ thuật như rò rỉ dầu, tắt máy đột ngột, lỗi hệ thống điện và dịch vụ tồi tệ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của hãng và “đốt” hàng núi tiền mặt của công ty mẹ. Có lúc số xe bán ra giảm xuống chỉ còn 2.000.
Là thế hệ thứ ba trong gia đình cai quản tập đoàn, Siddhartha Lal đã thuyết phục người cha trao cho một cơ hội để hồi sinh thương hiệu Royal Enfield. Bộ chế hòa khí cổ điển được thay thế bằng công nghệ phun xăng điện tử ở hầu hết các mẫu xe, giúp giảm trường hợp chết máy đột ngột.
Động cơ gang được thay thế bằng nhôm để giảm rò rỉ dầu. Những thay đổi này cũng ảnh hưởng đến tiếng gầm "huyền thoại" của những chiếc xe Royal Enfield nhưng hãng đã mời các chuyên gia cố vấn nước ngoài về sửa chữa. Tiếng gầm này chính là một trong những điểm hấp dẫn nhất giúp các sản phẩm của hãng bán chạy.
Royal Enfield đã mạnh tay đầu tư vào nhà máy ở Chennai để tăng sản lượng và giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên. Royal Enfield trở thành một huyền thoại, thậm chí người mua sẽ mua bánh kẹo chiêu đãi các đồng nghiệp của họ khi mới mua xe, giống hệt như họ vừa đón đứa con đầu lòng vậy.
Theo Thu Hương
Trí thức trẻ/CafeF