Lĩnh vực kinh doanh chuỗi cà phê vẫn còn nhiều tiềm năng, nhưng các doanh nghiệp trong ngành phải hiểu rõ câu ngạn ngữ: “Đường dài mới biết ngựa hay”.
Khi mở chuỗi, hầu như doanh nghiệp nào cũng cho rằng, mình đang thực hiện một sứ mệnh lớn lao kiểu như “giấc mơ cà phê”. Nhưng khi quá nhiều người có cùng một giấc mơ, nhiều nguy cơ sẽ xuất hiện và có khả năng khiến họ phải vỡ mộng. Mức độ an toàn cho sự phát triển dài hơi của các chuỗi vẫn đang là nỗi băn khoăn lớn, không phải quỹ đầu tư nào cũng sẵn sàng mạo hiểm cùng họ.
Tham vọng hay liều lĩnh?
Theo quan sát của người viết, số lượng chuỗi cà phê trên thị trường TP.HCM không còn dễ dàng tổng hợp như cách đây vài năm nữa. Trước hiện tượng “trăm hoa đua nở” này, không ít người vội cho rằng, đây là một trong những động thái tất yếu trước thềm hội nhập. Nhưng cũng có một luồng ý kiến khác lại giữ quan điểm rằng, việc đầu tư rầm rộ các chuỗi cà phê từ những ông chủ trẻ tuổi có mục đích lớn là mong đợi lọt mắt xanh của các quỹ đầu tư, nhằm phát triển dài hơi hơn.
Các quỹ luôn tìm kiếm những đối tượng đang ở giai đoạn lớn lên, chứ không phải doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ
Câu chuyện của Đinh Nhật Nam với chuỗi cà phê Urban Station đã được dư luận nhắc đến nhiều khi nhân vật này lọt vào danh sách 30 Under 30 của Tạp chí Forbes Việt Nam gần đây. Với chiến lược mở rộng, chuỗi quán cà phê này từ lúc khai sinh vào năm 2011 đến nay đã có 36 cửa hàng trên khắp cả nước. Dù xuất hiện chưa lâu, nhưng chuỗi cà phê này đang đứng trước cơ hội bán bớt cổ phần cho các quỹ đầu tư, với mức định giá được cho là khoảng 2 triệu USD cho toàn chuỗi. Nhiều bạn trẻ cũng có tham vọng tương tự, do giá trị nhượng quyền cao là chất xúc tác để giấc mơ cà phê tiếp tục được nhen nhóm. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của Urban Station cũng khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi, liệu mô hình này có phát triển bền vững hay lại rơi vào cảnh sớm nở chóng tàn?
Một nhân vật mới đang tạo ấn tượng mạnh trong giới trẻ cũng như các nhà đầu tư là chuỗi cà phê mang tên The Coffee House với sự gia tăng nhanh các cửa hàng. Mặc dù đây là chuỗi mới, nhưng người sở hữu Nguyễn Hải Ninh lại là “người quen” trong giới kinh doanh chuỗi cà phê, nguyên đồng sáng lập Urban Station. Kinh nghiệm có được từ thời còn làm quản trị cho Urban Station là lý do giúp Ninh nhanh chóng mở rộng được chuỗi The Coffee House. Đến nay, chuỗi quán này đã mở được 8 cửa hàng và theo chia sẻ của Hải Ninh, mục tiêu sẽ là 20 cửa hàng cho đến cuối năm nay.
Dù ra sau nhưng The Coffee House không ngần ngại đứng cạnh Starbucks, Phúc Long, NYDC, Trung Nguyên... quanh khu vực Phù Đổng Thiên Vương (quận 1). Tuy nhiên, sự “liều lĩnh” này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi: sách lược của The Coffee House có thực sự là tìm kiếm doanh thu tại điểm nóng này hay còn có ý đồ nào khác?
Câu chuyện về Urban Station và The Coffee House chỉ là một vài nét phác họa hiếm hoi tương đối sáng sủa trong bức tranh lớn của lĩnh vực chuỗi quán cà phê. Mức độ an toàn cho sự phát triển dài hơi vẫn đang là nỗi băn khoăn lớn, khiến cho không nhiều quỹ đầu tư sẵn sàng mạo hiểm cùng họ.
Chưa an toàn
Thực tế là không ít chuỗi cà phê sau thời gian phát triển nóng đã phải thu hẹp lại. Cách đây khoảng 3 năm, khi chuỗi cà phê hùng mạnh mang thương hiệu quốc tế Starbucks đổ bộ vào Việt Nam cũng là lúc giấc mơ cà phê chuỗi đang trỗi dậy. Các kế hoạch mở chuỗi được giới doanh nhân trẻ ấp ủ và nuôi “mộng lớn” với ý đồ kinh doanh nhượng quyền. Tại thời điểm đó, chuỗi cửa hàng cà phê Startup của ông chủ trẻ Mai Trường Giang đã tham gia thị trường. Ấn tượng bước đầu tương đối tốt với 7 cửa hàng được mở ngay trong năm đầu tiên.
Dù vậy sau hơn 2 năm kinh doanh, Startup vẫn chưa thể phát triển thêm mà thậm chí còn bó hẹp chuỗi cửa hàng hơn trước đây. Cụ thể, Startup mới có 5 cửa hàng và chỉ nhượng quyền được 1 quán. Trường Giang buộc phải đóng 1 cửa hàng vì kinh doanh không hiệu quả. Theo chia sẻ của Giang, việc gia tăng cửa hàng tương đối khó khăn vì nguồn vốn vẫn chủ yếu là tự có của bản thân, trong khi đó để quản trị hiệu quả chuỗi này anh vẫn chưa tìm được cộng sự nào có kinh nghiệm.
Mới đây, một “tay chơi” trẻ tuổi khác là Caffé Bene với chiến lược sử dụng “sao Hàn” để hút giới trẻ Việt cũng tham gia thị trường. Ban đầu, Caffé Bene có kế hoạch trong vòng 5 năm sẽ mở khoảng 300 cửa hàng tại Việt Nam. Nhưng chưa đầy một năm, con số dự kiến đó đã giảm xuống còn 100 cửa hàng. Theo CEO Trương Tuấn Anh, thị trường cà phê Việt Nam không đồng nhất về khẩu vị và đang có nhiều ông lớn cạnh tranh trong cùng một phân khúc. Cuộc chiến mặt bằng cũng là một vấn đề khá nan giải cho các nhà điều hành của Caffé Bene nên kế hoạch này đã được điều chỉnh lại cho hợp lý hơn.
Theo doanh nhân Hoàng Tùng – người kinh doanh chuỗi quán pizza tại Hà Nội và đã từng gặp nhiều thất bại – thì việc mở quá nhiều quán trong thời gian ngắn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việc tiếp cận với các quỹ đầu tư đang là đích đến của nhiều nhà khởi nghiệp, nhưng không phải quỹ đầu tư nào cũng hào hứng hỗ trợ khi nhìn nhận về chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp trẻ. Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư DFJ VinaCapital (DFJV), chia sẻ: “Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang ngày một mạnh mẽ và gây được nhều ấn tượng. Nhưng phần lớn các quỹ luôn tìm kiếm những đối tượng đang ở giai đoạn lớn lên, chứ không phải những doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ với những ý tưởng kinh doanh mơ hồ”.
Thị trường cà phê ở Việt Nam đang đủ rộng để các bạn trẻ thử sức. Nhưng để thiện thực hóa giấc mơ cà phê, người kinh doanh cần có những kế hoạch kinh doanh chắc chắn và sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Điều này đòi hỏi nhiệt huyết, đam mê, năng lượng dồi dào và cả kinh nghiệm quản trị cũng như khả năng huy động nguồn vốn.
Việt Dũng
Theo DNOL