Đợt bùng phát thứ hai ở Đà Nẵng đã làm gia tăng tính bất định về khoảng thời gian kéo dài của đại dịch.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế trên thế giới nhưng có một vài dấu hiệu khả quan hơn tại Việt Nam. Kể từ khi công bố dịch hồi tháng hai, chính phủ đã thi hành nhiều chính sách hiệu quả và hành động sớm để giảm thiểu tác động của đại dịch. Đến nay Việt Nam đã thành công trong việc duy trì số ca lây nhiễm và tử vong ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác.

Việt Nam thực hiện cách ly xã hội lần đầu vào ngày 1/4 trên phạm vi cả nước và kéo dài trong 15 ngày. Một số tỉnh thành kéo dài thời hạn cách ly hơn 15 ngày, sau đó chuyển sang các biện pháp giãn cách xã hội.

Tới giữa tháng 5, các biện pháp giãn cách xã hội đã được tạm dừng. Đến cuối Quý II, nền kinh tế Việt Nam cho thấy khả năng kháng cự tốt với mức tăng trưởng GDP năm 2020 kỳ vọng ở mức 2%, trong khi nhiều nền kinh tế ASEAN khác được dự báo tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, đợt bùng phát thứ hai ở Đà Nẵng đã làm gia tăng tính bất định về khoảng thời gian kéo dài của đại dịch. Trong thời gian đại dịch vẫn còn tiếp diễn, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ chịu nhiều sức ép, trong khi không biết các đợt bùng phát tiếp theo sẽ diễn ra khi nào. Mặc dù Việt Nam đã chống dịch tốt trong giai đoạn đầu nhưng còn nhiều bất định về những tác động dài hạn và việc Việt Nam sẽ hồi phục như thế nào sau đại dịch.

T1

Ảnh: Internet

Do đó, điều quan trọng là cần tiếp tục thực hiện giám sát và đánh giá tình hình có nhiều biến động này nhằm hỗ trợ ra các quyết định chính sách hiệu quả hơn về cách thức giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, đồng thời hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Để hiểu được tác động của đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thiết kế Khảo sát Tình hình doanh nghiệp (BPS) nhằm đánh giá các kênh tác động khác nhau của đại dịch đối với doanh nghiệp, chiến lược điều chỉnh của doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Mới đây, WB đã công bố một số phát hiện chính:

- Các biện pháp phong toả có tác động lớn nhưng mang tính ngắn hạn tới tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Khoảng ½ số doanh nghiệp đã đóng cửa trong tháng 4 do yêu cầu của Chính phủ hoặc do quyết định của doanh nghiệp. Trên 80% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại vào tháng 6, song có khoảng 20% số doanh nghiệp chỉ hoạt động một phần hoặc vẫn phải đóng cửa.

- Mặc dù các quy định giãn cách xã hội đã nới lỏng, cầu vẫn ở mức thấp, 81% doanh nghiệp vẫn bị giảm doanh số trong tháng 6/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng chồng chất bởi nhiều khía cạnh khác nhau. Hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát bị tác động bởi sụt giảm đầu vào. Cùng với việc giảm cầu, các doanh nghiệp phải hứng chịu tình trạng sụt giảm dòng tiền.

- Dù phải gánh chịu những cú sốc tiêu cực như vậy, khối doanh nghiệp đã lựa chọn duy trì nhân viên/ người lao động thông qua các biện pháp điều chỉnh tạm thời. Rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn giảm giờ làm và tiền công, trong khi một số khác cho phép người lao động nghỉ phép có hoặc không trả công. 15% số doanh nghiệp cho biết đã sa thải người lao động, song 8% số doanh nghiệp cũng đã tuyển dụng thêm lao động.

- Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các nền tảng số hoá để thích ứng với các cú sốc tiêu cực, trong đó một số ít đầu tư vào các giải pháp số hoá hoặc làm mới/ nâng cấp danh mục sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp trong ngành dịch vụ và doanh nghiệp tại địa bàn Hà Nội có tỷ lệ áp dụng nền tảng số cao hơn.

- Bình quân, các doanh nghiệp dự kiến có tỷ lệ tăng trưởng doanh số bán là -27% và tăng việc làm -20%. Tốc độ tăng trưởng doanh số và việc làm cũng có nhiều bất định, và điều này có thể làm giảm mạnh đầu tư, việc làm và tăng trưởng trong tương lai. Dự báo tăng trưởng âm cho thấy các hoạt động kinh doanh có thể đã đình trệ trong thời gian dài.

- Khoảng 20-30% doanh nghiệp nhỏ, vừa và doanh nghiệp lớn đã tiếp cận được với hỗ trợ của Chính phủ. Có hai nguyên nhân chính cản trở doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ này, một là họ không đủ điều kiện (45% số doanh nghiệp) và hai là họ không biết về chính sách hỗ trợ (34% số doanh nghiệp).

T2

Tác động đối với doanh nghiệp

Việt Nam đã có phản ứng sớm trước sự lây lan của COVID-19 thông qua áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, đỉnh điểm là phong toả toàn quốc vào tháng 4/2020. Toàn quốc bước vào đợt cách ly toàn xã hội từ 1/4/2020, ban đầu là 15 ngày, sau đó kéo dài thành 21 ngày tại 12 tỉnh thành có nguy cơ cao.

Chỉ có các hoạt động kinh tế thiết yếu và doanh nghiệp được phép mở cửa mới được tiếp tục hoạt động. Đến tháng 5, các quy định hạn chế đi lại đã được nới lỏng đáng kể, song di chuyển qua biên giới vào Việt Nam chủ yếu vẫn bị giới hạn.

Nhằm hiểu rõ tác động của COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam, một cuộc Khảo sát doanh nghiệp (BPS) đã được thực hiện để đánh giá các khía cạnh tác động khác nhau của đại dịch đối với doanh nghiệp, chiến lược điều chỉnh của họ và các hồi đáp chính sách công. Vòng khảo sát đầu tiên được tiến hành vào tháng 6/2020, thu thập phản hồi của 499 doanh nghiệp qua hình thức phỏng vấn qua điện thoại và trực tiếp. Các doanh nghiệp được khảo sát hoạt động tại 15 tỉnh thành, đại diện cho ba loại quy mô doanh nghiệp và bốn lĩnh vực lớn – nông nghiệp, sản xuất chế tạo, bán buôn và bán lẻ, và các dịch vụ khác.

Các kết quả khảo sát cho thấy đợt phong toả đã có ảnh hưởng tạm thời đối với tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Một phần lớn doanh nghiệp (khoảng ½) phải đóng cửa trong tháng 4 do chỉ đạo của Chính phủ hoặc do quyết định của chính doanh nghiệp. 35% doanh nghiệp đóng cửa theo chỉ thị của Chính phủ và 14% ngừng hoạt động do quyết định của doanh nghiệp, trong khi 50% số doanh nghiệp tiếp tục mở cửa hoặc mở cửa một phần bởi đó là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu hoặc được phép tiếp tục hoạt động.

T3

Ảnh: Internet

Hơn 80% doanh nghiệp đã mở cửa trong tháng 6, tuy nhiên COVID-19 vẫn gây ra ảnh hưởng tiêu cực nặng nề khi khoảng 20% số doanh nghiệp chỉ hoạt động một phần hoặc vẫn phải đóng cửa. Một kết quả đáng khích lệ là khảo sát cho thấy số doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường do phong toả là không đáng kể.

Doanh thu của doanh nghiệp giảm mạnh, và mặc dù các quy định giãn cách xã hội đã nới lỏng, 81% doanh nghiệp vẫn cho biết doanh số bị sụt giảm trong tháng 6/2020. Trong khi doanh số đã phục hồi nhẹ vào tháng 6, đại đa số doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng doanh số âm so với cùng kỳ năm ngoái.

2/3 số doanh nghiệp đã xác nhận bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhu cầu. Tính bình quân, doanh thu giảm gần 50% trong tháng 4 và trên mức 40% vào tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Cả doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và doanh nghiệp lớn đều bị ảnh hưởng tương tự, song những cú sốc về cầu dường như trầm trọng hơn đối với các ngành sản xuất chế tạo và dịch vụ khác hơn là ngành thương mại.

Những cú sốc đồng biến từ đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm và mô hình hoạt động của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí thông qua giảm giờ làm của nhân viên, cắt giảm lương, cho nhân viên nghỉ việc, cũng như điều chỉnh mô hình kinh doanh để ứng dụng nhiều hơn các nền tảng và giải pháp số hoá.

Đại dịch đã có tác động lớn đến việc làm. Phần lớn doanh nghiệp cho biết số việc làm giảm. Trên cơ sở thông tin về tổng số việc làm được báo cáo từ ngày 5/1 đến 15/4/2020, ước tính chỉ riêng với các doanh nghiệp đang hoạt động thì số việc làm đã giảm đi 1 triệu.

T4

Ảnh: Internet

Con số việc làm mất đi trên thực tế còn nhiều hơn nếu tính đến các trường hợp đóng cửa và mất việc làm của doanh nghiệp siêu nhỏ và phi chính thức (không bao gồm tại khảo sát này). Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp đã giữ chân người lao động bằng cách áp dụng các biện pháp tạm thời.

Tính đến tháng 6, 15% số doanh nghiệp cho biết đã sa thải lao động, song khoảng 1/5 số doanh nghiệp đã lựa chọn giảm thời giờ lao động (23%) và/hoặc giảm lương (20%).

Các doanh nghiệp khác hoặc cho phép nghỉ phép có trả lương (14%) hoặc không trả lương (12%). Đồng thời, không phải tất cả các doanh nghiệp đều chịu tác động tiêu cực. Một bộ phận nhỏ nhưng đáng kể doanh nghiệp (8%) cũng đã tuyển dụng thêm lao động.

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang các nền tảng số nhằm thích ứng với các cú sốc tiêu cực do COVID-19. 47% doanh nghiệp đã tăng cường áp dụng các nền tảng số để ứng phó với COVID-19, so với tỷ lệ ít hơn đáng kể các doanh nghiệp đầu tư vào giải pháp số hoá (5%) hoặc làm mới/ nâng cấp danh mục sản phẩm (7%). Các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp trong ngành dịch vụ và doanh nghiệp tại địa bàn Hà Nội ứng dụng nền tảng số nhiều hơn.

Hiện tại, hầu hết ứng dụng nền tảng số tập trung vào các tính năng đầu-cuối như doanh số và phương thức thanh toán, ít phức tạp hơn và rẻ hơn so với những thay đổi về tính năng nghiệp vụ khác.

Trung Mến
* Nguồn: BizLive

Pin It
John W. Teets

"Việc của người quản lý doanh nghiệp không chỉ để quan tâm đến hiện tại, mà là tương lai của của doanh nghiệp."

User Menu