Thương mại điện tử đang trở thành phương thức mua bán tiện dụng và có tiềm năng phát triển lớn, thúc đẩy các giao dịch thương mại, tạo cơ hội sản xuất, mua sắm và kinh doanh. Những năm qua, lĩnh vực này đã thâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực hàng hoá ở các đô thị lớn, điển hình là Hà Nội và TP.HCM với nhiều ưu thế vượt trội là nhanh, tiện, tiết kiệm thời gian cho cả bên mua và bán.

thương mại điện tử

Thanh toán online, giao hàng, giá bán và lòng tin là bốn vấn đề lớn, được ví như những hòn đá tảng ngáng đường ngành thương mại điện tử Việt Nam phát triển. 

Không chỉ phụ nữ được mệnh danh là "tín đồ mua sắm" ưa thích mua hàng qua mạng. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, trong ngày mua sắm trực tuyến 5/12, lượng đấng mày râu truy cập vào trang web của chương trình nhiều hơn số chị em phụ nữ với tỷ lệ 54,15% và 45,18%.

Tuy nhiên, theo Jack Ma - Chủ tịch tập đoàn Alibaba, doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất tại châu Á, thương mại điện tử chưa thể giết chết và cũng không thể giết chết doanh nghiệp truyền thống, mà nó chỉ loại bỏ tư duy kinh doanh kiểu truyền thống. Làn sóng đấu tranh giữa loại hình doanh nghiệp cũ và mới này ngày một trở nên gay gắt và đã tràn vào Việt Nam.

Tuy nhiên, thương mại điện tử Việt Nam chưa thực sự phát triển vẫn là câu chuyện dài. Trong nhiều lĩnh vực, chúng ta vẫn lúng túng và phải nhường chỗ cho các doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà do thiếu một "tư duy thương mại điện tử" so với các đối thủ.

Để hiểu rõ hơn những khó khăn này của thương mại điện tử Việt Nam, chúng tôi xin trích đăng chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Khối Thương mại Điện tử VCCorp để bạn đọc tham khảo.

Hồi đầu tháng 12/2014, tôi có dự một cuộc toạ đàm với IFC (International Finance Corporation - thuộc World Bank) về các vấn đề xoay quanh thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, trong đó có sự tham gia của các "ông lớn" trong ngành như: Cục Thương mại điện tử - Bộ Công thương, Zamba (VCCorp), Peacesoft, IDG Ventures, Onepay, Smartlink, Giaohangnhanh.vn,... IFC có thực hiện một cuộc khảo sát thực tế với các đối tượng là người mua và bán hàng online, các đơn vị giao nhận và thanh toán thì thấy nổi cộm lên 4 vấn đề lớn, đó là: vấn đề thanh toán online, giao hàng, giá bán và lòng tin.

1. Hạ tầng thanh toán

Nếu như cách đây 5 năm, ai cũng nhắc đến chuyện do HẠ TẦNG THANH TOÁN online tại Việt Nam chưa tốt, người dùng chưa có phương tiện để thanh toán online nên thương mại điện tử khó phát triển. Thế nhưng thực tế không phải vậy. Tại Việt Nam hiện nay có hơn 10 đơn vị cổng thanh toán lớn nhỏ, sẵn sàng cho việc thanh toán online, đó là chưa kể lượng thẻ ATM và Visa/Master đang tăng trưởng khá nhanh. Nói cho cùng, chẳng cần thanh toán online, thương mại điện tử vẫn phát triển tốt vì hầu hết các đơn vị bán hàng đều chấp nhận phương án nhận hàng rồi mới thanh toán mà không thu thêm bất kỳ khoản phí nào (COD - Cash On Delivery).

2. Giao hàng

Tương tự như vậy với vấn đề GIAO HÀNG, cứ cho là việc giao hàng đi các vùng ngoại thành và ngoại tỉnh khó khăn, nhưng thực chất sức mua ở các vùng đó chưa lớn, lượng người mua hàng vẫn tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Và tại những nơi này, lượng nhân lực sẵn sàng cho việc giao hàng rất lớn, từ các công ty giao hàng như Giaohangnhanh, VNPTPost, ViettelPost, Tinthanh, Vnexpress,... đến các đội ngũ tự tổ chức, tự thuê như xe ôm, nhân viên chuyên trách giao nhận luôn sẵn sàng giao hàng đi nhanh nhất có thể.

Từ người "sính" mua hàng online vì ngại di chuyển đến các cửa hàng tìm đồ, chị Nguyệt luôn tranh thủ thời gian buổi trưa ở cơ quan để vào mạng mua sắm. Tuy nhiên, chị bắt đầu mất dần niềm tin vào mua sắm trực tuyến khi mua bộ vỏ chăn, ga, gối với giá 500.000 đồng, tuy nhiên bữa trước gặp một người bạn mua một bộ y hệt với giá 320.000 đồng. Chưa kể thời gian giao hàng chậm trễ, ga không cho kích thước mong muốn, trải bị nhăn nhúm lại, thậm chí rất dễ rách nhưng khi phản hồi về sản phẩm lại chỉ nhận được những lời "ậm ừ" cho qua.

3. Lòng tin

Vấn đề mà tôi thường nghe nhiều người nhắc đến nhất đó là vấn đề LÒNG TIN. Nhưng khi được hỏi lòng tin của khách hàng là gì thì chỉ nhận được các câu trả lời rất chung chung như: không tin vào người bán hàng, không tin vào chất lượng sản phẩm, sợ hình ảnh trên site một đằng, đến khi nhận lại một kiểu khác không đúng như kỳ vọng,... Công nhận rằng vấn đề này là có, nhưng không phải tất cả. Các thương hiệu và người bán hàng có uy tín sẵn sàng bảo hành cho sản phẩm bán ra, thậm chí chấp nhận đổi trả miễn phí nếu khách hàng không hài lòng. Vậy nhưng, khách vẫn cứ nói là không tin, không thích và hoài nghi.

4. Giá

Vấn đề thứ hai là GIÁ. Tôi cho rằng do thói quen mua hàng của người dùng Việt Nam chưa quen lắm với việc mua online (nhưng rồi sẽ được cải thiện sớm), nổi cộm nhất vẫn là vấn đề giá khiến thương mại điện tử Việt Nam chưa thể phát triển nhanh được. Có thể thấy, chẳng có lý do gì khách hàng phải mua online khi mà giá trên website bằng hoặc cao hơn giá của một cửa hàng đầu phố, như vậy họ ra mua luôn cho nhanh, ưng thì lấy luôn không thì thôi, có vấn đề gì có thể ra bắt đền cửa hàng đó luôn.

Sở dĩ giá là vấn đề lớn nhất là bởi trước khi mở Muachung.vn, ai cũng bảo do thanh toán chưa thuận tiện, do lòng tin chưa tốt, do giao hàng chưa ổn,... thế nhưng làn sóng website hàng giảm giá đã bùng nổ trong giai đoạn 2011-2012 bởi lẽ giá rẻ là yếu tố then chốt khiến cho khách hàng sẵn sàng quên hết mọi khó khăn, rủi ro khác để mua hàng.

Nếu chưa có hạ tầng thanh toán tốt thì tôi tự làm cổng thanh toán Sohapay.com hoặc cho COD, nếu giao nhận chưa ổn thì tôi tự tổ chức đội ngũ giao hàng riêng và tìm cách tối ưu nó, và chỉ cần dịch vụ tạm ổn nhưng giá rẻ thôi là khách hàng sẵn sàng gạt bỏ cái lòng tin để dùng thử, dùng vài ba lần thấy không kinh khủng như mình tưởng tượng, dần dần quen dần, thậm chí nghiện mua online luôn. Hay như tôi vẫn thấy các website bán hàng online có các đợt chạy giờ vàng, giảm giá 1 chiếc iPhone đến 2 triệu đồng so với giá hãng nhưng yêu cầu khách hàng phải thanh toán online, các bạn trong văn phòng tôi nhốn nháo mượn nhau thẻ tín dụng để săn mua bằng được.

Giá bán online tại Việt Nam chưa hạ thấp được là do chưa tối ưu được khâu vận hành, chưa có các dịch vụ phụ trợ với giá phải chăng và các sản phẩm bán online đang nhắm đến là các sản phẩm giá rẻ, do vậy margin thường tương đối thấp nên không thể giảm thêm do không đủ chi phí vận hành.

Vậy thực chất thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay là gì? Xin thưa, đó là việc dùng các công cụ điện tử như internet, smartphone để cải tiến các quy trình và hành vi trong thương mại truyền thống, từ đó nhằm mang lại tiện ích hơn cho người tiêu dùng, mở rộng phạm vi bán hàng, giảm bớt chi phí và gia tăng lợi nhuận. Qua đó, giá thành sản phẩm và dịch vụ phải được giảm xuống, đủ sức cạnh tranh với thương mại truyền thống thì thương mại điện tử Việt Nam mới phát triển được.

Theo marketingchienluoc.com

Không ghi tác giả

Pin It
Freeman Dyson

"Đừng bao giờ hy sinh lợi thế kinh tế về thời gian để đổi lấy lợi thế kinh tế về qui mô."

User Menu