Thế hệ Z, những người sinh năm từ 1996 đến 2000, không quan tâm nhiều đến việc lựa chọn vàng như một món trang sức để tạo phong cách cho bản thân hoặc như một kênh đầu tư dài hạn giống như các thế hệ lớn tuổi hơn, theo một báo cáo nghiên cứu mới công bố của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), có trụ sở tại London (Anh).

Báo cáo của WGC được thực hiện dựa trên cuộc khảo sát 18.000 người ở Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Nga, Canada và Mỹ. Cuộc khảo sát được chia cho hai nhóm bao gồm nhóm nhà đầu tư vàng ở 6 nước trên và nhóm người mua sắm vàng nữ trang ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Về tổng quan, những người tham gia cuộc khảo sát của WGC có cái nhìn tích cực đối với vàng khi họ xem nó như là nơi trú ẩn tài sản toàn. 67% trong số họ cho rằng vàng giúp chống lại lạm phát và các biến động giá trị tiền tệ, 65% tin rằng vàng sẽ không mất giá trị trong dài hạn và 61% tin tưởng vàng hơn các loại tiền tệ pháp định.

 

Nữ trang được bày bán tại một tiệm vàng ở TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các vấn đề thiếu niềm tin về chất lượng vàng có thể cản trở nhu cầu đầu tư vàng hoặc mua sắm vàng làm đồ trang sức.

Cuộc khảo sát của WGC cho thấy 48% trong số người chưa mua vàng để đầu tư trước đây nhưng đang có ý định này trong tương lai nói rằng họ lo ngại về vàng giả, độ tinh khiết của vàng hoặc không tin tưởng doanh nghiệp bán vàng cho họ.

Song điểm đáng chú ý hơn cả trong báo cáo của WGC là thế hệ Z đang có thái độ “hờ hững” với vàng. Báo cáo lưu ý thế hệ Z không có mức độ “kết nối cảm xúc” cao với vàng hoặc xem nó như là món đồ thời trang cao cấp ở mức độ giống như các thế hệ lớn tuổi hơn. Trong mắt thế hệ Z, vàng được xem như là thứ tài sản để khoe khoang, chứng tỏ giàu có và thế hệ này ít có xu hướng giữ vàng như là tài sản thừa kế giống thế hệ cha mẹ và ông bà.

Báo cáo của WGC cho biết mức độ “gắn kết cảm xúc” với vàng nữ trang ở thế hệ Z của Trung Quốc đặc biệt yếu ớt so với các nước khác.

 

Tỉ lệ thế hệ Z (màu vàng) và thế hệ thiên niên kỷ (màu hồng) và nhóm người khảo sát từ 39 tuổi trở lên (màu đen) ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ cho biết có ý định mua vàng nữ trang trong 12 tháng tới, theo khảo sát của WGC. Ảnh: Bloomberg

26% người khảo sát thuộc thế hệ Z ở 6 nước trên cho biết họ có mua vàng nữ trang trong năm vừa qua, riêng con số này ở Trung Quốc chỉ là 18%.

31% thế hệ Z ở Trung Quốc nói rằng mang vàng nữ trang giúp họ hòa nhập với bạn bè, thấp hơn con số trung bình 46% thế hệ Z của cả 6 nước trên có cùng câu trả lời như vậy.

Thế hệ Trung Quốc có thể “lánh xa” vàng vì từ lâu, hình ảnh kim loại quý gắn kết với các thế hệ lớn tuổi hơn. 40% ở thế hệ Z ở Trung Quốc tin rằng vàng có thể mang lại may mắn, thấp hơn rất nhiều so tỷ lệ 88% ở nhóm người khảo sát từ 55-65 tuổi của Trung Quốc tin như vậy.

Chỉ có 12% đối tượng khảo sát ở thế hệ Z (có độ tuổi 18-22) ở Trung Quốc bày tỏ ý định mua vàng nữ trang trong 12 tháng tới, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 37% ở thế hệ thiên nhiên kỷ (23-38 tuổi) và 42% ở những người từ 39 tuổi trở lên. Tại Ấn Độ, có 24% đối tượng khảo sát thuộc thế hệ Z nói sẽ mua vàng nữ trang trong 12 tháng tới, thấp hơn tỷ lệ 33% và 36% ở thế hệ thiên niên kỷ và nhóm người khảo sát từ 39 tuổi trở lên. Tại Mỹ, cũng chỉ có 10% những người thuộc thế hệ Z có ý định mua vàng nữ trang trong 12 tháng tới.

Một lý do khác khiến thế hệ Z “hờ hững” với vàng là vì họ có xu hướng muốn đạt tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng từ các khoản đầu tư ngắn hạn, chẳng hạn như tiền ảo và ít quan tâm đến nhu cầu đầu tư dài hạn. Họ cũng ít lo lắng hơn so với các thế hệ lớn tuổi về tác động của các cuộc khủng hoảng tài chính đối với các khoản tiết kiệm của họ.

Thị hiếu đang thay đổi của giới trẻ Trung Quốc đối với vàng nữ trang có thể là lời cảnh báo đối với ngành công nghiệp vàng, vốn dựa vào Trung Quốc như là khách hàng lớn nhất.

“Rõ ràng, thách thức của ngành kinh doanh nữ trang của Trung Quốc là kết nối với thế hệ trẻ”, Alistair Hewitt, Giám đốc thông tin thị trường của WGC, nói.

* Nguồn: Saigon Times

Pin It
Walter Landor

"Sản phẩm được làm ra trong nhà máy, nhưng thương hiệu thì được tạo ra trong tâm trí"

User Menu