Thế hệ Y, trong tiếng Anh được đề cập với thuật ngữ “Millennials”, là những người được sinh ra trong giai đoạn 1982 - 1993. Ở Việt Nam, họ thường được gọi là thế hệ 8X, nửa đầu 9X. Họ chính là phân khúc khách hàng chiếm thị phần và sức mua khá lớn.

Họ là những người sống trong môi trường công nghệ và có thể dễ dàng mua một tách cà phê qua chiếc điện thoại thông minh, và ngay lập tức đăng lên Instagram hay Facebook nếu chẳng may nhân viên Starbucks viết sai tên họ trên cốc café, hay dễ dàng trả lời tin nhắn của bạn bè, trò truyện với đồng nghiệp mọi lúc mọi nơi trên internet.

Rất nhiều doanh nghiệp đã và đang đau đầu để tìm ra những chiêu thức hiệu quả nhất nhằm tiếp thị đến nhóm khách hàng này.

Trong khi việc tiếp cận với những khách hàng thuộc thế hệ Y còn là một câu hỏi lớn đối với các nhà tiếp thị, thì kỷ nguyên của chúng ta tiếp tục chứng kiến sự lớn lên của một thế hệ mới là những người sinh ra từ năm 1994 trở về sau - có thể gọi tên là “thế hệ Z”.

Họ là các bạn trẻ lớn lên cùng với chiếc điện thoại thông minh. Cũng giống như thế hệ Y, thế hệ Z, còn được gọi là thế hệ “iGen” luôn luôn kết nối với thế giới qua các thiết bị số.

Theo nghiên cứu mang tên “iGen đi học” do Công ty Schneider Associates (SA) kết hợp với Tập đoàn truyền thông Pollack (PPMG) triển khai nhằm khám phá những tính cách đặc biệt và xu hướng của thế hệ này, iGen tiếp cận thông tin một cách chủ động theo nhu cầu cá nhân của mình.

Những người thuộc độ tuổi này tin tưởng lời khuyên của bạn bè hay những người xa lạ, hơn là tin vào những nhân vật có tiếng nói, các tổ chức, hay các nhãn hàng trên mạng xã hội.

iGen là thế hệ của “cái tôi” cá nhân. Điều này không hẳn là một điều tiêu cực, nhưng nó có nghĩa rằng các thương hiệu và các tổ chức cần làm việc chăm chỉ hơn để hiểu rõ thế hệ iGen này quan tâm đến điều gì, sở thích của họ, mục tiêu của họ, từ đó, cung cấp trải nghiệm khách hàng hấp dẫn họ.

Vậy làm sao để tiếp cận được nhóm đối tượng người tiêu dùng này? Hãy cùng khám phá những chiến lược dưới đây.

thế hệ z

1. Cá nhân hóa mọi thứ

Các khách hàng thuộc thế hệ Z ưa thích cách giao tiếp mang tính cá nhân. Họ muốn các nhãn hàng coi mình là một cá thể riêng biệt thay vì chỉ là một cái tên trong danh sách khách hàng. Vì vậy những email chào hàng chung chung như “Kính gửi khách hàng/anh/chị” ngay lập tức gây mất thiện cảm.

Vậy làm sao để tiếp cận họ một cách cá nhân và hiệu quả? Những khách hàng thế hệ này có thói quen chia sẻ mọi thứ trên mạng và đây là thông tin mà các doanh nghiệp có thể khai thác.

Hãy nghĩ tới những dữ liệu thông tin họ chia sẻ trên mạng xã hội từ các mối quan tâm, sở thích cho đến âm nhạc, thể thao... Hãy tận dụng triệt để những “mỏ vàng” thông tin này để có thể chạm đến trái tim nhóm người tiêu dùng thuộc thế hệ này.

2. Tương tác với khách hàng qua mạng xã hội

Thế hệ iGen sử dụng mạng xã hội nhiều hơn là gặp gỡ bạn bè. Những mạng xã hội như như Facebook, Twitter, YouTube, Instagram, Pinterest hay Snapchat không chỉ phục vụ nhu cầu giải trí mà còn là nơi họ cập nhật thông tin mỗi ngày.

Theo một nghiên cứu năm 2014, khi tìm kiếm thông tin về một sản phẩm mới, 81% số người thuộc iGen sử dụng mạng xã hội. Họ cũng tương tác với các nhãn hàng thông qua mạng xã hội và kết nối với những khách hàng khác.

Nếu như không tận dụng triệt để tính tương tác thời gian thực của mạng xã hội, thì các nhãn hàng đang lãng phí một kênh tiếp cận hiệu quả đối với những khách hàng thế hệ số này.

3. Quảng cáo có chiến thuật

Ngành công nghiệp quảng cáo đã có một bước tiến dài kể từ thời mà tờ rơi và truyền hình là những phương tiện duy nhất để tiếp thị một sản phẩm. Ngày nay, chúng ta đã chứng kiến các mạng xã hội trở thành nền tảng quảng cáo khổng lồ với những dịch vụ quảng cáo trả tiền đa dạng như thế nào.

Điều này không có nghĩa rằng, các thương hiệu nên từ bỏ các kênh quảng cáo truyền thống, tuy nhiên, để tiếp cận được tới thế hệ iGens này, tạo ra một cách tiếp cận mới chính là chìa khoá để thành công.

Qua nghiên cứu “iGen đi học”, Schneider Associates thấy rằng các khách hàng thuộc thế hệ này thường không xem các quảng cáo trên tivi. Bài học rút ra ở đây là gì?

Các doanh nghiệp cần hiểu rõ các nền tảng truyền thông mà thế hệ iGen thường sử dụng để thu thập thông tin về những sản phẩm họ quan tâm và các doanh nghiệp cần đảm bảo “test” hay kiểm tra thử nhu cầu của iGen với các sản phẩm của họ trên các kênh này trước khi chính thức tung sản phẩm ra thị trường.

4. Sử dụng nội dung khiến iGen hứng thú

Thế hệ iGen luôn ngập trong những biển thông tin tới từ nhiều nguồn khác nhau. Họ lướt Facebook, họ xem ảnh, video với tốc độ chóng mặt. Vì vậy các doanh nghiệp, khi tiếp thị, cần mang đến nội dung thực sự hấp dẫn và kích thích sự tương tác để tiếp cận với những tín đồ công nghệ số này.

Các cuộc nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thế hệ này ưa thích thông tin có tính giật gân và bị hấp dẫn bởi các website có thiết kế đẹp mắt. Họ rất đề cao tính trực quan.

Đó cũng là lý do có tới 50% những người tham gia cuộc khảo sát “Sản phẩm mới đáng nhớ nhất” (MMNPL) năm 2014 do Schneider Associates tiến hành tại Mỹ, đã sử dụng YouTube để tìm hiểu về các sản phẩm mới, so với chỉ 25% số người tra cứu email để tìm kiếm thông tin.

Có thể nói, họ là thế hệ luôn sống trên những kênh thông tin trực tuyến, vì vậy nội dung hấp dẫn hay thiết kế website bắt mắt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tiếp cận nhóm đối tượng khách hàng này.

5. Tận dụng điện thoại để tiếp cận iGen

Thế hệ các bạn trẻ iGen hiếm khi rời mắt khỏi chiếc điện thoại thông minh của mình, và họ đưa ra quyết định dựa vào chúng hầu như mỗi ngày. Theo một nghiên cứu, nhóm đối tượng khách hàng này tại Mỹ có sức mua lên tới 43 tỷ đô la hàng năm, và sẽ còn tăng cùng với sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử.

Hiện nay ứng dụng Instagram đã trở thành một kênh mua hàng gián tiếp đối với nhiều mặt hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, các ứng dụng điện thoại đang tạo ra nhiều lựa chọn đa dạng về các nguồn thông tin xoay quanh sản phẩm, dịch vụ và giáo dục cho các khách hàng tiềm năng iGen. Sẽ là một sai lầm nếu các thương hiệu bỏ lỡ cơ hội tận dụng mảnh đất màu mỡ này.

Thế hệ iGen đang rời ghế trường học và tham gia vào lực lượng lao động trên toàn thế giới. Họ bắt đầu đi làm, tìm kiếm một vị trí trong xã hội và đóng góp cho nền kinh tế các quốc gia với sức mua rất lớn.

Để tiếp cận nhóm đối tượng khách hàng này, các thương hiệu cần giao tiếp với khách hàng một cách minh bạch, cởi mở, chú trọng sự cá nhân hóa và không ngừng cập nhật các xu hướng xã hội.

Để thu hút và lôi kéo nhóm khách hàng này, các nhà tiếp thị cần thay đổi những cách tiếp cận truyền thống và nghĩ ra những cách thức mới để giao tiếp và tương tác với thế hệ “tín đồ” công nghệ số này.

TRẦN HUYÊN (theo Harvard Business Review)/DNSG

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Mọi họat động trong bảng kế họach marketing của bạn phải được thiết kế để gia tăng lợi nhuận chứ không chỉ doanh số"

User Menu