Kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam đang phát triển nóng. Ngược thời gian, năm 2016 quả là dấu ấn khó quên với các nhà bán lẻ.

Tháng 1/2016, Metro (Đức) bán hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam cho đối tác Berli Jucker - Thái Lan với giá 655 triệu USD. Tập đoàn trị giá 2,8 tỷ USD này của Thái quá hời vì đã chiếm trọn hệ thống siêu thị hàng đầu Việt Nam.

Tháng 7/2016, Central Group Thái Lan cũng đã sở hữu Big C Việt Nam với giá hơn một tỷ USD. Hệ thống siêu thị lớn nhất và thành công nhất trên thị trường Việt Nam thời điểm đó đã rơi vào tay người Thái.

Vượt qua sự chi phối của các “ông lớn” nước ngoài (Big C, Metro, Lotte, Aeon...), cùng với điểm sáng Saigon Co.op (Việt Nam), Vinmart (mua lại từ Ocean Mart, sau đó là Fivimart, Maximark, Zakka hay Shop & Go…) dựa trên sức mạnh của Vingroup (Việt Nam) dậy lên một tốc độ phát triển vũ bão.

 

Giá trị 3 tỷ USD của Vinmart sau ba năm hoạt động đã được nhiều tổ chức đầu tư quốc tế nhắc đến. Vinmart đứng đầu với số lượng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi lớn nhất Việt Nam và là chuỗi bán lẻ nội địa duy nhất có quy mô, tiềm lực đủ khả năng đối trọng với nước ngoài.

Cho đến cú hợp tác tỷ đô gần đây giữa Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan để hoán đổi cổ phần, chuyển giao VinCommerce và VinEco về Masan nắm quyền, quản lý vận hành thì hệ thống này đã có 2.600 cửa hàng Vinmart, Vinmart+. Sáng rỡ bên cạnh là VinEco sở hữu hàng ngàn ha đất nông nghiệp với thương hiệu rau an toàn, lớn nhất Việt Nam. Nhờ cú bắt tay ngoạn mục này, hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam đã không rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài.

Vinmart trong tương lai sẽ phát triển hơn 10.000 siêu thị, cửa hàng. Bên cạnh đó, Vinmart còn sở hữu công nghệ như ví điện tử VINID, siêu thị ảo Vinmart (Virtual Store) cùng với ứng dụng mua sắm Scan & Go. “Bà đỡ” của Vinmart là Masan - nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam. Masan là một trong 7 doanh nghiệp Việt vừa được Forbes Asia 2019 xếp trong danhsách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nếu Vinmart được bán cho một tập đoàn nước ngoài, một lần nữa, thế trận bán lẻ Việt Nam lại bị nước ngoài nuốt trọn. Và nỗi lo sợ sau mỗi lần Metro, Big C... đổi chủ lại trở thành nỗi ám ảnh với các nhà bán lẻ Việt Nam. Rõ ràng, Vingroup và Masan bắt tay nhau là một sự phối hợp đẹp để tạo nên sức mạnh cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Nếu Vingroup đã tạo dựng hệ thống đủ mạnh với Vinmart và Vinmart+ để người Việt có đối trọng trên thị trường bán lẻ, thì Masan với thế mạnh nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, khi tiếp nhận Vinmart và Vinmart+ chắc chắn sẽ xây dựng được một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ Việt Nam tầm cỡ quốc tế.

Ai nắm được quyền bán lẻ thì người đó sẽ quyết định quyền sản xuất. Chính điều các hệ thống bán lẻ lớn trong nước nhiều năm qua đều do các tập đoàn nước ngoài chi phối nên nhiều ngành hàng sản xuất của Việt Nam không có cơ hội phát triển.

Đến các cửa hàng của hệ thống siêu thị Aeon; các gian hàng từ đồ ăn, đặc sản cho đến xe đạp đều chiếm lĩnh và nổi bật giá trị “made in Japan”. Vào Lotte thì các sự kiện, nhãn hàng mang phong cách Korea. Tại Big C và Metro, sau chuyển giao thì hàng Thái chiếm lĩnh ngày càng nhiều hơn.

Thực tế này khiến lãnh đạo một tập đoàn hàng đầu trong nước đã cảnh báo với các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam rằng, nếu không cẩn thận trong việc chuyển nhượng thương hiệu, chỉ cần vài năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu có thể vẫn còn, khả năng sản xuất có thể vẫn còn, nhưng khả năng bán hàng sẽ mất. Các tập đoàn lớn nước ngoài sẽ tấn công và khống chế thị trường Việt Nam. Mất kênh phân phối, điều này cực kỳ nguy hiểm với các nhà sản xuất.

Trong hoàn cảnh này, khi các doanh nghiệp Việt có xu hướng hợp tác với nhau theo hướng chuyên nghiệp như Vingroup và Masan mới đây để gầy dựng nên những hệ thống mua bán có quy mô lớn, có vị thế đủ khả năng cạnh tranh với các “ông lớn” nước ngoài. Điều này sẽ mang lại niềm tin lớn giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, thay vì đua nhau phát triển chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh vì lợi nhuận riêng tư.

* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn

 

Pin It
Franklin D. Roosevelt

"Định nghĩa của sự điên rồ: Lập đi lập lại một việc nhưng lại mong muốn có một kết quả khác đi."

User Menu