Rác thải nhựa là một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay của thế giới. Vì thế, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bắt đầu thay đổi theo hướng “xanh hóa tiêu dùng”.
Rác nhựa nhiều hơn cá
Hiện nay, Việt Nam là một trong 5 nước có chất thải nhựa cao nhất thế giới. Tiêu thụ nhựa bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng từ 3,8kg lên 41kg trong giai đoạn 1990-2015 (khoảng 10% hằng năm). Việt Nam có đến hơn 1,8 triệu tấn nhựa thải ra tại mỗi năm và chỉ 27% túi nhựa được tái chế. Tính trung bình, mỗi năm, Việt Nam thải ra đại dương 0,73 triệu tấn nhựa. Đến năm 2050, biển Việt Nam có nguy cơ chứa nhiều rác thải nhựa hơn cả cá nếu không ngăn chặn tình trạng này.
Không chỉ vậy, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới. Theo quy định, các DN được phép nhập phế liệu nhựa thuần chất. Thế nhưng rất khó để phân loại riêng biệt phế liệu nhựa. Nhiều nước đã lợi dụng lỗ hổng này để đưa một lượng lớn phế liệu nhựa kém chất lượng vào Việt Nam. Sau khi Trung Quốc có lệnh cấm nhập 24 loại phế thải, lượng phế thải nhựa nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2017. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến giữa năm 2018, có đến 1.342 container phế liệu nhựa tồn đọng ở cảng Hải Phòng nhiều hơn 90 ngày và ở cảng Cát Lái cũng lên đến hàng ngàn container.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành những chính sách giảm thiểu rác thải nhựa. Từ đầu năm 2019 đến nay, mức thuế môi trường đối với bao bì nilon là 50.000 đồng/kg. Cùng với đó, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu để loại trừ bao bì nhựa sử dụng một lần và cấm sử dụng sản phẩm này tại các cửa hàng, siêu thị và chợ từ năm 2021 và trên phạm vi toàn quốc từ năm 2025. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách vẫn chưa như mong muốn vì thiếu hệ thống pháp lý hiệu quả, thiếu sự thông báo, hướng dẫn rõ ràng đến cộng đồng, và mức thuế không đủ mang tính răn đe.
Rác thải nhựa đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Việt Nam. Vì thế, thời gian vừa qua đã có gần 300 hội thảo, diễn đàn và sự kiện về rác thải nhựa đã diễn ra trên toàn quốc. Tất cả chỉ nhằm gia tăng nhận thức của cộng đồng về vấn đề này, từ đó kêu gọi mọi người cùng chung tay loại bỏ rác thải nhựa.
Doanh nghiệp vào cuộc
Theo ông Gordon Milne - Giám đốc khách hàng của Ipsos tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ở góc độ môi trường cũng như thương mại, rác thải nhựa là vấn đề nguy cấp trên quy mô toàn cầu. Dẫn khảo sát do Ipsos thực hiện với 17.000 người trên thế giới, trong đó có 3.900 người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Gordon Milne cho biết, người tiêu dùng đang ngày càng quan ngại về việc sử dụng quá nhiều đồ nhựa và muốn tìm giải pháp giảm thiểu bao bì đóng gói không cần thiết.
Việt Nam có nhiều điều kiện để thay thế bao bì nhựa, tái chế và tái sử dụng rác thải nhựa.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều điều kiện để thay thế bao bì nhựa, tái chế và tái sử dụng rác thải nhựa. Những hành động của các chủ doanh nghiệp trong việc giảm thiểu rác thải nhựa và thúc đẩy môi trường bền vững sẽ bao gồm thay thế toàn bộ bao bì nhựa bằng sản phẩm tái chế được, chuyển từ việc sử dụng túi đựng và ống hút nhựa bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường và tổ chức những chương trình quảng bá nhằm khuyến khích việc không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Đã có những doanh nghiệp đi đầu trong xu hướng “xanh hóa” này. Cụ thể, năm 2015, Công ty An Phát cho ra mắt dòng bao bì phân hủy hoàn toàn làm từ bột ngô, và chủ yếu để xuất khẩu. Ba năm sau (năm 2018), Công ty An Phát bắt đầu bán sản phẩm này tại thị trường trong nước với tên gọi AnEco. Hiện nay, AnEco đã được sử dụng rộng rãi tại các siêu thị thương hiệu Big C, Lotte Mart, Co.opmart.
Cũng trong xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác cũng tham gia sản xuất và phân phối sản phẩm thay thế đồ nhựa. Chẳng hạn như Clever Changes sản xuất các loại màng bọc bằng vải sáp ong thân thiện môi trường thay cho các loại màng bọc bằng nhựa. Tre Shop phân phối các sản phẩm từ tre nứa và cỏ bàng, bao gồm những loại giỏ đi chợ. MnM Shop sản xuất và cung cấp các loại quai vải và túi đựng mini tái sử dụng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng đang giảm thiểu rác thải nhựa, như Unilever và Coca-Cola thay thế toàn bộ bao bì nhựa bằng bao bì tái chế. Những chuỗi nhà hàng cà phê sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế hộp nhựa và ống hút sử dụng một lần. Doanh nghiệp bán lẻ sử dụng sản phẩm đóng gói thân thiện với môi trường như lá chuối, túi nhựa sinh học...
* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn