Tài khoản quảng cáo “chết” liên tục, sự cạnh tranh ngày càng tăng lên, hoặc bỏ tiền ra thuê agency tư vấn và thực hiện các chiến dịch quảng cáo song không có nhiều hiệu quả… là những tình trạng phổ biến, khiến nhiều doanh nghiệp tại VN “đau đầu”.

Trong hoàn cảnh đó, “Content Marketing” được xem như giải pháp “chân ái” từ gốc rễ, để tạo ra sự thu hút và phát triển lâu bền cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù được nhắc tới nhiều, không phải ai cũng hiểu đúng, hiểu đủ về Content Marketing, dẫn tới những cách thức triển khai sai lệch, phiến diện, kém chất lượng.

Để hiểu rõ hơn về “cơn sốt” Content Marketing, người viết đã có cuộc phỏng vấn chi tiết với anh Nguyễn Trung Hiếu – chuyên gia đào tạo kỹ năng viết chuyên nghiệp Content Marketing, PR của Trung tâm Vinalink (Vinalink Academy).

Hiện nay, “Content Marketing” là chủ đề nóng, được bàn luận, chia sẻ rất nhiều. Anh có cho rằng, các doanh nghiệp, cá nhân đã thấu hiểu cách thức triển khai Digital Marketing này?

Chuyên gia Nguyễn Trung Hiếu: Không! Tôi không nghĩ vậy, bởi thực tế cho thấy, rất nhiều người đã và đang hiểu sai về Content Marketing.

Thứ nhất, ở lĩnh vực đào tạo, tôi chứng kiến rất nhiều học viên (là quản lý doanh nghiệp hoặc người thực thi) tìm đến Content Marketing với suy nghĩ: “Học xong, có thể viết bài quảng cáo thật hay, là sẽ bán hàng… ầm ầm”.

Rõ ràng, điều đó không đúng, bởi Content Marketing là câu chuyện của cả một quá trình, chứ không phải có 1, 2 sản phẩm nội dung tốt là xong.

Hiệu quả nhanh chóng, chi phí đầu tư tiết kiệm là điều ai cũng muốn, nhưng nó không thực tế đối với Content Marketing, vì sự hiệu quả chỉ đến sau một quá trình kiên trì, bền bỉ.

Thứ hai, có những chủ doanh nghiệp muốn làm Content Marketing, nhưng lại vẫn giữ quan điểm “đổ tiền ra là xong, không cần dành cái ‘tâm’ vào đó”, nên sẽ khó thành công.

Vì sao ư? Vì đây là cách thức Marketing dành cho những người thực sự hiểu và yêu sản phẩm/dịch vụ của mình. Nếu lựa chọn giải pháp thuê agency “làm hộ”, với tâm lý “muốn làm gì thì làm”, thì đa phần, tôi thấy đều không ổn.

Cái “tâm” của phía doanh nghiệp cần thể hiện qua việc tham gia vào quá trình lên chiến lược Content Marketing, xây dựng đội ngũ in-house để tạo ra và phân phối hệ nội dung gốc chất lượng, hấp dẫn, mang tới lợi ích cho khách hàng tiềm năng.

Trong quá trình nghiền ngẫm về Content Marketing, tôi được chứng kiến cách làm rất thú vị của doanh nghiệp nước ngoài: Họ đặt ra “luật chơi” cho chính các vị trí quản lý, để những “sếp” này trực tiếp viết bài, sản xuất Content định kỳ (mỗi người viết một bài/tuần chẳng hạn), rồi chuyển bộ phận biên tập xử lý trước khi xuất bản.

Còn ai hiểu hơn về công việc, về lĩnh vực chuyên môn của doanh nghiệp bằng những người quản lý từng bộ phận? Ai nắm rõ tâm tư, tình cảm khách hàng, chuyên gia ngành… bằng họ?

Đó chính là cái “tâm” được đặt ngay ngắn vào chiến lược Content Marketing.

Anh vừa nói về thực trạng hiểu sai Content Marketing trên góc độ chủ doanh nghiệp. Vậy còn những người trực tiếp thực hiện công việc Content Marketing (như Content Writer – người viết nội dung), liệu họ có đang hiểu sai không?

Có! Tôi thấy một bộ phận nhân lực không nhỏ của ngành đang hiểu sai, dù có thể họ vẫn tự nhận bản thân làm nghề “viết lách Content Marketing”.

Điều đó có lẽ bắt nguồn từ sự “phi lý” của ngành học mà họ từng trải qua: Khi học Marketing hoặc SEO, họ thi đầu vào là khối ngành khoa học tự nhiên, vậy tại sao khi đi làm, họ lại đứng trước đòi hỏi về… kỹ năng viết lách (vốn là thứ kỹ năng thuộc khối ngành khoa học xã hội)?

Ở chiều ngược lại, các ngành dạy viết lách (như báo chí, viết văn) lại không hề đào tạo “kèm” Marketing, SEO?

Chính vì thế, không ít người làm nghề Marketing/SEO đã hiểu sai về kỹ năng viết lách, khi họ có cái nhìn phiến diện, đặt niềm tin thái quá vào các “công thức viết lách”, rồi thản nhiên sao chép (copy), “xào xáo” nội dung của nơi khác để mang về dùng.

Những người này – dù tự nhận là “Content Marketing Writer” – nhưng lại luôn gặp khó khăn khi phải đặt bút, tự viết ra những con chữ thực sự của họ.

Muốn thực thi Content Marketing chất lượng, hấp dẫn, đem lại giá trị cho khách hàng tiềm năng, thì Content Writer cần có tư duy nội dung, biết tác nghiệp (phỏng vấn, thu thập dữ liệu chuyên môn…) để tạo ra nội dung gốc.

Nói tóm lại, người làm nghề này cần hiểu rằng, bản chất Content hay ho, hấp dẫn đến từ kỹ năng “gốc khoa học xã hội”, nhưng nó phải kết hợp với bản chất Marketing (kỹ năng “gốc khoa học tự nhiên”) để đạt được mục đích.

Thông thường, người có kỹ năng, tư duy Marketing gặp khó khăn trong việc sáng tạo nội dung, trong khi người có tư duy nội dung tốt thì lại gặp khó khi không hiểu các nguyên lý Marketing.

Nếu ai tự nhận ra bản thân mình đang thiếu thứ gì, để chủ động học hỏi, rèn luyện thứ nấy, thì sẽ phát triển toàn diện.

Vừa rồi, anh đã nói về những điều đang bị hiểu sai trong lĩnh vực Content Marketing, mà nếu hiểu đúng, làm đúng, thì ta mới có thể thu được hiệu quả. Nói về tính hiệu quả, theo anh, liệu Content Marketing có phải là con đường tất yếu mà các doanh nghiệp, cá nhân muốn đẩy mạnh kinh doanh thì phải đi theo?

Thật khó để nói về một sự áp đặt như thế!

Nhưng thực tế đã cho thấy: Nhiều cách làm Digital Marketing khác nhau trước đây – chủ yếu là nhanh chóng, hớt váng, trên ngọn, ra kết quả ngay – đã không còn là “phép màu”, nên người ta mới buộc phải tìm đến cách làm phát triển bền vững từ gốc rễ - chính là Content Marketing.

Nói về điều này, tôi còn nhớ, trước đây, có những bạn chuyên chạy quảng cáo (ads) trên Facebook từng coi thường vai trò, giá trị thực sự của Content. Đó là lúc việc chạy ads, ra đơn rất dễ.

Họ từng tuyên bố rằng, “chỉ cần viết Content nửa phút, vẫn ‘vít scale’ ầm ầm” (“vít scale”: ý chỉ post Facebook thu hút được nhiều sự chú ý và ra đơn hàng).

Vậy là họ mặc nhiên coi việc viết sai chính tả, viết dở, viết bất lợi về sắc thái… đều không có vấn đề gì, vì miễn ra đơn là được. Nhưng tới khi việc chạy ads khó khăn, sự cạnh tranh tăng lên, thì các doanh nghiệp mới nhận ra vai trò của việc đầu tư Content Marketing để làm từ gốc rễ.

Song như đã nói, làm Content Marketing đúng chất thì không dễ. Ở đó phải hội tụ đủ 2 yếu tố “gốc xã hội” và “gốc tự nhiên”, là một quá trình cần sự kiên trì, bền bỉ, dục tốc thì bất đạt.

Bởi thế, tôi cho rằng, những cá nhân hay doanh nghiệp nào hiểu giá trị của thương hiệu, của việc phát triển bền vững từ gốc và muốn đi đường dài, thì phải chọn Content Marketing.

Bây giờ, nếu điểm các đầu mục quan trọng nhất để làm Content Marketing đúng cách, anh sẽ chọn đó là những mục nào?

Tôi cho rằng, để làm Content Marketing đúng cách thì cần phải hiểu rõ vai trò của 2 yếu tố “chiến lược” và “thực thi”. Chủ thể triển khai Content Marketing thiếu yếu tố gì thì cũng không ổn.

Nếu chiến lược đúng, mà năng lực thực thi kém, thì không làm được. Còn chiến lược sai, thì dù nguồn lực thực thi có ổn, vẫn không ra kết quả.

Trong yếu tố chiến lược, ngoài những bước quan trọng về xây dựng chân dung khách hàng, định vị điểm riêng khác biệt, thì tôi muốn nhấn mạnh điều quan trọng.

Đó là việc xây dựng lịch định kỳ sản xuất nội dung theo mô hình phễu Marketing: Tofu (đầu phễu), Mofu (giữa phễu), Bofu (đáy phễu), tương ứng với các bước “Nhận thức”, “Cân nhắc” (Đào tạo – Trao giá trị), “Quyết định” trong hành trình mua hàng.

Sản xuất nội dung xong thì cần tính tới việc phát hành, quảng bá, đo lường.

Trong khi đó, ở yếu tố thực thi, nguồn lực nhân sự (Content Writer) có chất lượng là rất quan trọng. Ở đó, chúng ta có thể sử dụng các cây bút chuyên nghiệp (nhà văn, nhà báo) thực hiện công việc viết lách Content Marketing, với sự định hướng Marketing bằng chiến lược đã nêu.

Rõ ràng, để thực hiện trơn tru tất cả đầu mục đó là điều không dễ. Anh có lời khuyên gì cho doanh nghiệp hoặc những người làm trong ngành này để cải thiện chất lượng và sự hiệu quả?

Trước khi nói về lời khuyên, tôi muốn nhấn mạnh một điều: Content Marketing không phải là một giải pháp quá mới mẻ.

Những doanh nghiệp nước ngoài đã áp dụng từ trước, bởi họ có tư duy phát triển bền vững từ gốc, để tích lũy giá trị, đi đường dài. Hệ nội dung gốc trên các kênh owned-media (kênh nội dung mà doanh nghiệp sở hữu) có chất lượng tốt, hấp dẫn, hữu ích, mang tới giá trị thực sự cho khách tiềm năng.

Bởi thế, tôi khuyên rằng, các mô hình, cách thức, tài liệu về Content Marketing, Inbound Marketing… không thiếu, chúng ta cần đọc, nghiền ngẫm và hiểu bản chất để triển khai.

Tất nhiên, việc tự học là không dễ, lại rất tốn thời gian. Thế nên nhiều khóa đào tạo về Content Marketing đã xuất hiện. Tôi đánh giá cao khóa học nào cung cấp kiến thức cốt lõi để học viên hiểu bản chất và có thể áp dụng thực tế.

Chẳng hạn, tại Vinalink Academy, khóa 3C Content Marketing cung cấp những kiến thức, kỹ năng từ cơ bản tới nâng cao trong mảng “Content”, “Marketing”, để bất kỳ ai mong muốn khai thác sức mạnh của Content Marketing thì đều có thể tìm được sự trợ giúp hữu ích.

Xin chân thành cảm ơn chuyên gia Nguyễn Trung Hiếu đã nhiệt tình chia sẻ!

Thảo Anh (thực hiện) – Vietchuyennghiep.vn

Pin It
Walter Landor

"Sản phẩm được làm ra trong nhà máy, nhưng thương hiệu thì được tạo ra trong tâm trí"

User Menu