Chọn cách tiếp thị mới cho sản phẩm mới
Ông Đặng Chí Hùng, phụ trách kinh doanh Công ty nhôm Kim Hằng dẫn chứng: “Chúng tôi đang chuẩn bị tung ra thị trường hai sản phẩm mới là bếp cồn và khuôn bánh khọt. Tuy nhiên, kế hoạch truyền thông của chúng tôi không phải là quảng cáo trên ti-vi, báo đài mà chọn cách giới thiệu qua các hội chợ, chương trình về hàng Việt Nam đang được tổ chức thường xuyên ở nhiều tỉnh thành hiện nay”.
Theo phân tích của ông Hùng, có rất nhiều lý do để chọn cách tiếp thị này. Theo đó, tham gia các chương trình bán hàng về nông thôn, các sản phẩm sẽ trực tiếp đến tay người tiêu dùng và qua việc tương tác với người mua, doanh nghiệp sẽ lắng nghe ý kiến để hoàn thiện sản phẩm. Trong khi đó, chi phí cho mỗi đợt bán hàng tính ra chỉ vài triệu đồng/chuyến và chính các sở công thương của các tỉnh thành mời tham gia chương trình còn hỗ trợ xăng, xe đi lại.
Ông Hùng cũng cho rằng, quảng cáo trên truyền hình hiện nay không phải là cách làm mang lại hiệu quả cao khi hiện nay người xem có quá nhiều sự lựa chọn, quá nhiều chương trình để xem khi mở ti-vi. Do đó, cùng với tâm lý không thích xem các chương trình quảng cáo, rất có thể họ sẽ ngay lập tức chuyển kênh.
“Chi phí tiết kiệm được nhờ việc không quảng cáo, chúng tôi sẽ đầu tư ngược trở lại cho việc thiết kế mẫu mã, bao bì” - ông Hùng cho hay.
Ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến nhận định: “Sản phẩm tốt, giá cạnh tranh là yếu tố quyết định để mặt hàng được người tiêu dùng đón nhận. Còn việc truyền thông về sản phẩm là làm cho quá trình đón nhận đó nhanh hơn”.
Theo ông Cường, kinh nghiệm của Đại Đồng Tiến khi tung ra sản phẩm hộp kháng khuẩn Sina cũng không phải là quảng cáo rầm rộ mà là trên cơ sở xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu để lựa chọn kênh phân phối phù hợp (hệ thống siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm) và xây dựng giá bán cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề buổi toạ đàm, ông Trần Anh Tuấn của Công ty tư vấn và hỗ trợ kinh doanh chuyên nghiệp (The Pathfinder) cũng đồng tình rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phải tiếp thị thông minh hơn, ít tồn tiền nhưng đem lại hiệu quả cao. Đó là phải bỏ nhiều chất xám cho việc tìm hiểu người tiêu dùng, nắm chắc nền tảng truyền thông (biết khách hàng tiềm năng của mình cần gì, muốn gì về mẫu mã, về chất lượng…) để đánh trúng vào “tim đen” của họ.
Tuy nhiên, ông Tuấn của The Pathfinder cũng cho rằng, bên cạnh một vài công ty có cách làm hay thì đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn gặp khó khi đưa sản phẩm ra thị trường do nhận thức về việc sử dụng sự thấu hiểu người tiêu dùng chưa rõ ràng, chưa có kỹ thuật, phuơng pháp nghiên cứu thị trường cũng như chưa xây dựng được hệ thống định vị về sản phẩm.
- Details
- Category: Lý Thuyết Marketing
- Hits: 7650