Hàng triệu tờ vé số, vé xe được phát hành mỗi ngày tương đương với lượng đối tượng tiếp cận không hề nhỏ chính là tiềm năng phát triển cho hình thức quảng cáo trên vé.



Hình thức quảng cáo trên các loại vé xuất hiện tại Mỹ từ năm 1998 nhờ sự khai phá bằng ý tưởng đưa hình ảnh sản phẩm lên mặt sau vé gửi xe và các loại vé dịch vụ khác của “ông tổ” Christopher Gilliam (sáng lập Công ty AdverTickets chuyên về quảng cáo trên vé). Ở Việt Nam, dù đã được một số doanh nghiệp quan tâm áp dụng nhưng hình thức quảng cáo trên vé chưa thực sự phát triển.

Rẻ mà hiệu quả

“Các doanh nghiệp muốn tận dụng mọi không gian, phương thức quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình nhưng họ lại quên mất không gian nhỏ bé trên mỗi tờ vé, cách tiếp cận khách hàng nhanh mà chi phí lại rẻ”, anh Trần Đức Sự, tác giả ý tưởng quảng cáo trên vé số và các loại vé đã đoạt giải cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo trẻ 2009” tại TP.HCM, cho biết.

Theo tính toán của anh, một tờ vé số có kích thước bề mặt trung bình 60 x 150 mm, tính ra diện tích khoảng 0,009 m2, thích hợp để chèn logo hoặc slogan, địa chỉ website của thương hiệu, nhãn hàng hơn là giới thiệu sản phẩm. Đối tượng có nhiều nhu cầu sử dụng kênh này là doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm (bột giặt, dầu gội, nước giải khát) hay dịch vụ (mạng viễn thông, du lịch, ngân hàng). Đối tượng của quảng cáo trên vé là người lao động phổ thông, có thu nhập thấp cho nên lượng người cần tiếp cận là rất rộng. Bên cạnh đó, kênh này lại được tiến hành hằng ngày, lặp đi lặp lại nên ấn tượng để lại trong người tiêu dùng là khá mạnh.

Ông Hà Văn Tăng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho rằng ưu điểm của phương thức quảng cáo trên vé là tiếp cận trực tiếp từng người rồi từ đó lan tỏa sang người khác. Tuy chỉ sử dụng một lần, nhưng số lượng vé lớn và số sơ-ri nhiều nên có thể sử dụng trong nhiều năm. Ngoài ra các phòng vé, đại lý vé những người bán vé số dạo đều rất đông, tính cơ động cao nên đây có thể được coi là một kênh phân phối rộng.

Để phương thức này đạt hiệu quả và dễ quản lý, anh Sự cho rằng cần thành lập các doanh nghiệp chuyên chịu trách nhiệm về quảng cáo trên vé đóng vai trò trung gian, cầu nối giữa công ty xổ số và doanh nghiệp có nhu cầu quảng bá. Cách này cũng giúp Nhà nước thu được một số tiền đáng kể bởi hiện không có quy định nào về việc cấm hoặc hạn chế quảng cáo trên các loại vé.

Theo một số liệu khảo sát của Công ty Nghiên cứu Thị trường TNS, tổng chi phí quảng cáo tại Việt Nam tăng trưởng từ 15-20%/năm. Và với sự phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam, dự tính tổng số tiền dành cho quảng cáo có thể đạt mức 55.000 tỉ đồng vào năm 2020.

Khó thuyết phục doanh nghiệp

Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quảng cáo Việt Nam, cho rằng để thực hiện được phương thức quảng cáo này, điều quan trọng là doanh nghiệp có nhu cầu phải xác định đối tượng mục tiêu và độ bao phủ của quảng cáo định thực hiện. Thứ 2, công ty quảng cáo phải kiểm soát được về mặt định lượng, tức số vé sẽ được bán ra. Nếu không có thông số cụ thể về lượng khách hàng thì công ty quảng cáo không thể đánh giá được tính hiệu quả và tất nhiên sẽ không dám thực hiện.

Mặt khác, mỗi khách hàng lại có một trạng thái tiêu dùng khác nhau. Chẳng hạn, khi đi du lịch thì họ không thích xem những quảng cáo nặng về tư duy. Vì vậy, quảng cáo trên vé xe cần tập trung vào dịch vụ giải trí, vui chơi.

Xét riêng về quảng cáo trên vé số, theo ông Dũng có thể phát huy hiệu quả mạnh đối với quảng cáo phi lợi nhuận, nhằm mục đích gia tăng sự nhận biết thương hiệu hoặc làm từ thiện. Chẳng hạn, nhãn hàng bột giặt Omo có thể thỏa thuận với công ty xổ số về việc chuyển một số tiền cho trẻ em nghèo, trong khi logo hay slogan của Omo sẽ xuất hiện trên mặt tờ vé số. Nhiều doanh nghiệp lớn sẽ hứng thú với hình thức này.

Trong tương lai, nền kinh tế phát triển sẽ tạo ra nhiều nhu cầu cùng nhiều không gian hẹp để kiểm soát về tài chính. Lúc đó, chi phí cho quảng cáo đắt đỏ, những kênh nhỏ sẽ phù hợp với các nhà sản xuất vừa và nhỏ với ngân sách chi cho quảng cáo không nhiều. Ông Dũng đưa ra ví dụ, một doanh nghiệp mới ra một loại bút bi mới, chưa được nhiều người chọn lựa, công ty này muốn thị trường bao phủ địa bàn TP.HCM nhưng chi phí dành cho quảng cáo không nhiều, không thể lựa chọn các kênh truyền hình thì kênh quảng cáo trên vé sẽ tiện lợi hơn.

Ông Tăng, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, hàng hóa giá rẻ sẽ là đối tượng tốt nhất cho kênh quảng cáo này. Và loại vé có khả năng mang lại hiệu quả tốt nhất theo ông chính là vé máy bay, do thời gian giữ vé khá lâu, khách hàng lại là những người có thu nhập khá nên sức tiêu dùng cao.

Vì không đưa ra được con số thống kê cụ thể về hiệu quả sử dụng nên cho đến nay, quảng cáo trên vé chưa đủ sức hút đối với doanh nghiệp có nhu cầu. “Quảng cáo trên các loại vé có thể trở thành một loại hình quảng cáo mới nhưng chưa chắc có thể trở thành loại hình thịnh hành hay xu hướng trong tương lai”, ông Dũng nhận xét.

 

Theo NCDT

Pin It
John W. Teets

"Việc của người quản lý doanh nghiệp không chỉ để quan tâm đến hiện tại, mà là tương lai của của doanh nghiệp."

User Menu