Chiếc bút với dải giấy quảng cáo có dòng chữ gây tò mò.Các ngôn ngữ lập lờ, gợi cảm, sexy đang có xu hướng bị lạm dụng trong quảng cáo.
"Anh ơi, mạnh nữa vào", giọng người phụ nữ lanh lảnh. Người đàn ông vừa thở dốc vừa thều thào: " Anh đang cố đây". Câu chuyện đang đến cao trào thì có tiếng lạch cạch, một giọng khác lên tiếng: "Bố mẹ đang làm gì thế?".
Mới nghe đến đây, ai cũng nghĩ cặp vợ chồng nọ đang làm điều tế nhị gì đó thì bị cậu con trai bắt gặp. Thế nhưng, nút thắt nhanh chóng được mở, khi cặp vợ chồng nọ đáp lại lời cậu con trai: "Bố mẹ đang cạo cái tem chống hàng giả".
Đang lái xe trên đường, anh Hoàng bật cười khi nghe đoạn đối thoại trên phát ra từ kênh thời sự chính trị tổng hợp đài tiếng nói Việt Nam. Đoạn đối thoại này là mẩu quảng cáo về một loại cao quý hiếm được chiết suất từ sừng hươu non, giúp bồi bổ sức khỏe có tên là Ban Long. Chính vì là loại thuốc quý nên hai vợ chồng nọ đã phải hỳ hụi cào cái tem chống hàng giả để kiểm tra đây là hàng thật hay hàng nhái.
"Đoạn đối thoại chỉ có vậy, nhưng vì nó kèm theo những âm thanh rất sexy nên khi nghe, tôi ngỡ tưởng đây là chuyện người lớn được phát trên đài. Quả là các doanh nghiệp khéo nghĩ ra trò để câu khách", anh Hoàng nói.
"Cho vào đi ạ!", "Kéo em ra khỏi đây" hay "Nhanh lên anh, em không chờ được nữa"... những kiểu quảng cáo lập lờ, kích thích trí tò mò của người tiêu dùng đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng.
Trong một lần tham gia hội thảo về công nghệ kiểm soát dữ liệu chứng khoán, anh Thạch, dân IT được tặng một tập tài liệu. Về nhà, giở ra xem kỹ, anh Thạch thấy có một chiếc bút mực rất đẹp.
Điểm gây chú ý đối với anh là trên chiếc bút này có một cái nút kéo có in hình một cô gái rất sexy kèm theo dòng chữ: "Hãy kéo em ra khỏi đây". Lấy làm thú vị, anh kéo nút bấm hóa ra đây là một đoạn thông tin, quảng cáo về công ty tổ chức hội thảo. Cuối mảnh giấy còn đề thêm "Xin cảm ơn. Cho vào đi ạ".
"Tôi chẳng mấy ấn tượng về cuộc hội thảo. Tập tài liệu phát tôi cũng để loanh quanh đâu đó. Riêng chiếc bút này thì tôi giữ như một vật kỷ niệm", anh Thạch kể.
Chị Yến mới đây cũng được tặng một chiếc bút tương tự với những dòng chữ kiểu "Hãy kéo em ra" và "Cho vào đi ạ". "Khi cầm chiếc bút, tôi đã không nén được cười. Dù mẩu giấy có ghi những chữ kia, đơn thuần là thông tin quảng cáo của doanh nghiệp nhưng khi đó, tôi đã đọc kỹ hơn và gần như thuộc cả thông điệp mà họ đưa ra", chị nói.
Theo chị, chiếc bút có kiểu dáng khá đẹp, cộng với những thông tin khá ấn tượng cuộn trong mảnh giấy trong bút đã khiến cho có ấn tượng đối với doanh nghiệp quảng cáo. Mỗi lần rảnh rỗi, tôi lại ngồi bấm nút để "kéo em ra" và rồi lại đóng lại theo đúng câu từ trên bút là: "Cho vào đi ạ"... "Tôi vốn dị ứng với các kiểu quảng cáo lập lờ, nhưng kiểu úp mở câu từ như thế này chẳng ảnh hưởng đến ai nhưng lại khá thú vị", chị nói.
Ông Trần Chiến Bình, Tổng giám đốc Công ty truyền thông Teamwork cho rằng trong marketing người ta gọi đây là "mánh" thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Chẳng hạn hãng EuroWindow từng sử dụng hình ảnh hoa hậu Mai Phương Thúy để quảng cáo cho sản phẩm cửa sổ nhựa lõi thép. Bản thân hoa hậu Thúy không thể hiện được rằng cái cửa này nó bền, bao nhiêu năm sử dụng không hỏng... nhưng hình ảnh sexy của cô lại thu hút sự chú ý của người xem.
Theo ông, các ngôn ngữ lập lờ, gợi cảm, sexy đang có xu hướng bị lạm dụng trong quảng cáo. Nếu không cẩn thận, điều này rất dễ gây phản cảm cho người xem, người nghe. Ở các nước trên thế giới, khi đưa ra một đoạn quảng cáo, người ta sẽ làm cuộc khảo sát xem nó sẽ tiếp xúc với đối tượng tiêu dùng nào. Chẳng hạn, đoạn quảng cáo này có những cảnh dành cho người lớn, họ sẽ đưa ra khuyến cáo rằng: trẻ em dưới 16 tuổi không nên xem. "Quảng cáo sốc nếu được sử dụng đúng lúc chỗ sẽ tạo được ấn tượng, nếu làm ngược lại thì sẽ gây phản cảm", ông Bình nhấn mạnh.
Một chuyên gia am hiểu lĩnh vực marketing tại Hà Nội cũng cho rằng quảng cáo gây sốc thường được mọi người nhớ đến lâu hơn nhưng hình thức này có mang lại hiệu quả bán hàng như mong muốn lại là vấn đề khác. Vài năm trước, người xem truyền hình từng cảm thấy phiền lòng vì một đoạn clip ngắn có cảnh cô gái đóng sập cửa lại rồi nói: "5 phút thế là xong". Đoạn clip này chỉ muốn chuyển tải thông điệp về sự tiện dụng của sản phẩm tẩy lông. Nhưng với dáng vẻ gợi cảm của cô gái, cùng với điệu bộ cử chỉ rất sexy khiến người xem không khỏi nghĩ đến những tình huống tế nhị.
Vị chuyên gia này cũng dẫn chứng, cách đây không lâu một quảng cáo sản phẩm thuốc đánh răng của hãng Prosperity ở Saint Peterburg (Nga) xuất hiện hình ảnh một cô gái với dòng chữ “Em cho vào miệng thật dễ dàng”. Không ít người tiêu dùng đã phản đối kiểu quảng cáo “lập lờ nước đôi” này, đặc biệt là những người lớn tuổi.
Theo Vnexpress