Điều này cũng là một lý do khiến cho kết quả tính toán chưa thực sự chính xác do thường có sự khác biệt khá lớn giữa số thời điểm và số bình quân. Chẳng hạn, NIM của VCB năm 2006, 2007 và 2008 tương ứng sẽ là 2,58%, 2,26% và 3,26%, của ACB tương ứng sẽ là 2,67%, 2,28% và 3,35%... rõ ràng khác với kết quả tính toán của tác giả.

 

LTS: TBKTSG, số 44 và 45-2009 ra ngày 22-10 và 29-10-2009 có đăng bài “Cạnh tranh ngân hàng nhìn từ góc độ khả năng sinh lời” của TS. Trương Quang Thông - Đại học Kinh tế TPHCM. Liên quan đến nội dung của bài này, xin giới thiệu phản hồi sau đây để bạn đọc tham khảo.

Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho hoạt động ngân hàng nếu xét trên các tín hiệu: tỷ lệ cho vay, huy động so với GDP, số tài khoản ngân hàng trên 1.000 dân, số điểm giao dịch ngân hàng trên 1.000 dân... (các tỷ lệ này hiện đều thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực).

Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận mức độ cạnh tranh đang ngày càng gay gắt trong lĩnh vực này. Số lượng các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam đã tăng lên rất đáng kể trong những năm gần đây, từ 9 (năm 1991) lên tới khoảng 90 ở thời điểm hiện nay. Cùng với đó, thị phần của các NHTM quốc doanh, vốn độc chiếm thị trường trong một thời gian dài, cũng đã giảm đi rất đáng kể.

Tác giả đã rất có lý khi nêu lên thực tế đó và cũng đã đưa ra những nhận xét, phân tích tương đối khách quan khi so sánh khả năng sinh lời của các NHTM quốc doanh với các NHTM cổ phần. Và có lẽ, độc giả cũng đã thu nhận được những thông tin tương đối mới mẻ và phần nào hữu ích từ nội dung bài viết này. Tuy nhiên, một số nội dung của bài viết có thể sẽ có giá trị tham khảo cao hơn nếu tác giả đặt vấn đề một cách sát thực hơn cũng như đưa ra những thông tin chính xác hơn.

Lý luận đúng?



Thứ nhất, ở Việt Nam có năm NHTM nhà nước (tính cả Vietcombank và Vietinbank ở thời điểm phân tích) nhưng có tới 37 NHTM cổ phần. Vì vậy, việc tác giả chỉ lấy số liệu của bốn NHTM cổ phần làm đại diện cho nhóm NHTM cổ phần trong khi sử dụng số liệu của cả năm NHTM nhà nước trong tổng hợp phân tích đã tạo ra một sự bất đối xứng và không tương quan về thông tin cũng như đã làm cho các nhận định thiếu tính đại diện và phần nào chủ quan.

Thứ hai, khi tính tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (Net Interest Margin - NIM) thay vì chia cho tổng tài sản sinh lời bình quân như thông lệ chung, tác giả chỉ chia cho tổng tài sản sinh lời. Cách thức này có lẽ cũng đã được tác giả sử dụng khi tính toán các chỉ tiêu khác như: mức chênh lệch lãi suất bình quân, ROA, ROE...

Điều này cũng là một lý do khiến cho kết quả tính toán chưa thực sự chính xác do thường có sự khác biệt khá lớn giữa số thời điểm và số bình quân. Chẳng hạn, NIM của VCB năm 2006, 2007 và 2008 tương ứng sẽ là 2,58%, 2,26% và 3,26%, của ACB tương ứng sẽ là 2,67%, 2,28% và 3,35%... rõ ràng khác với kết quả tính toán của tác giả.

Khép lại bài viết trên TBKTSG số 44, tác giả nhận xét các NHTM nhà nước có tỷ lệ chênh lệch lãi suất bình quân cao hơn các NHTM cổ phần và đưa ra nhận định là các NHTM nhà nước có những lợi thế trong huy động nguồn vốn giá rẻ. Trên thực tế, cũng phải thừa nhận là NHTM nhà nước có những lợi thế nhất định về nguồn vốn do số lượng và quy mô khách hàng là tổ chức lớn, phần lớn là các NHTM đầu mối trong thanh toán... Nhưng những lợi thế này đang dần mất đi nhanh chóng do sự cạnh tranh, do sở hữu chéo của các tập đoàn lớn trong các NHTM cổ phần...

Thêm vào đó các NHTM nhà nước lại có bất lợi về lãi suất đầu ra (bình quân thấp hơn các NHTM cổ phần) do vậy chênh lệch lãi suất bình quân không cao hơn, thậm chí còn thấp hơn các NHTM cổ phần trong những giai đoạn nhất định. Theo kết quả tính toán của chúng tôi, chênh lệch lãi suất bình quân của VCB năm 2007 là 2,05% trong khi của ACB, STB là 2,36 và 3,20%; năm 2008 là 2,97% trong khi ACB, STB là 2,59 và 3,66%.

Thứ ba, trong kỳ tiếp theo của bài viết với chủ đề “ROA và ROE của ai cao hơn” (TBKTSG số 45), tác giả đã có một số nhận xét chưa thực sự chuẩn xác như: cho rằng các NHTM nhà nước có tỷ trọng tài sản sinh lời cao do giá trị tài sản cố định thấp (tài sản không sinh lời còn bao gồm tiền mặt, tài sản có khác...); giá trị quyền sử dụng đất của các NHTM nhà nước chưa được ghi nhận đúng (hiện tại chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa quy định đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất để ghi nhận theo giá trị thị trường hàng năm và tất cả các NHTM đều áp dụng như vậy, không chỉ NHTM nhà nước; phần lớn bất động sản của các NHTM nhà nước cũng được mua/nhận chuyển nhượng với mức giá thị trường tại thời điểm nhận chuyển nhượng...).

Và số liệu có chính xác?


Do không có điều kiện và thời gian để kiểm chứng tất cả các số liệu, chúng tôi đã tiến hành tính toán lại đối với một số số liệu được tác giả tính toán và nêu trong bài viết mà thoạt nhìn đã thấy rất vô lý. Và kết quả đã chứng minh cảm nhận của chúng tôi là đúng.

Ví dụ, trong bài viết, tác giả tính ROA, ROE của VCB năm 2008 chỉ là 0,55% và 9,12%. Điều này thật khó có thể tin được vì theo hiểu biết của chúng tôi, Vietcombank là một NHTM lâu đời ở Việt Nam và trong suốt gần nửa thế kỷ qua luôn khẳng định vị thế là NHTM hàng đầu tại Việt Nam xét trên nhiều phương diện trong đó có phương diện hiệu quả hoạt động.

Năm 2008 có lẽ là một năm tương đối đặc thù với VCB do hoạt động được chia thành hai giai đoạn riêng biệt (NHTM nhà nước đến 31-5-2008 và NHTM cổ phần kể từ 2-6-2008 - thời điểm chuyển đổi). Từ Báo cáo tài chính giai đoạn năm tháng đầu năm và bảy tháng cuối năm của VCB (được kiểm toán, đăng tải trên website của ngân hàng này), chúng tôi xác định được các số liệu: tổng lợi nhuận thuần sau thuế là 2.520 tỉ đồng, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đầu năm/cuối năm tương ứng là 197.363/221.952 và 13.528/13.790 tỉ đồng. Do đó, ROA và ROE phải là 1,20% và 18,45%, khác nhiều so với số liệu của tác giả.

Cũng từ báo cáo tài chính của Vietcombank, chúng tôi ghi nhận, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng này trong năm 2008 là 2.366 tỉ đồng. Tổng tài sản có sinh lời của VCB đầu năm/cuối năm 2008 là 191.208/215.599 tỉ đồng, như vậy tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cận biên của VCB phải là 2.366/((191.208+215.599)/2) = 1,16%, trong khi số liệu tính toán của tác giả chỉ là 0,72%.

Bỏ qua đóng góp của các NHTM nhà nước đối với sự phát triển của thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam cũng như những đóng góp rất đáng kể của khối này cho nền kinh tế quốc dân, nếu chỉ thuần túy xem xét khả năng sinh lời thì nhiều NHTM nhà nước hiện vẫn có mức sinh lời cao hơn nhiều so với không ít các NHTM cổ phần khác.<

Ý kiến của TS. Trương Quang Thông

Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn những nhận xét và góp ý của ông Lê Hoàng Tùng về phương pháp và dữ liệu sử dụng trong bài viết của tôi mang tên “Cạnh tranh ngân hàng nhìn từ góc độ khả năng sinh lời” đã được đăng trên TBKTSG số 44 và 45-2009.

Tôi xin nói thêm về vấn đề phương pháp. Giới ngân hàng ai cũng phải thừa nhận rằng bốn ngân hàng VCB, BIDV, Vietinbank và Agribank từng là bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất, do đó, việc chọn bốn ngân hàng cổ phần lớn nhất về quy mô tổng tài sản (ACB, STB, EIB và TCB) để phân tích so sánh là một sự lựa chọn phù hợp. Chỉ có vấn đề phát sinh khi xử lý số liệu trong quá trình phác thảo bài viết.

Các tỷ lệ tài chính dùng để đánh giá, đo lường khả năng sinh lời của một ngân hàng thương mại như ROE, ROA, NIM, chênh lệch lãi suất bình quân... tùy theo tính khả dụng của dữ liệu khi tính toán, người ta có thể sử dụng các mẫu số như tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, tổng nguồn vốn phải trả lãi dưới dạng số bình quân năm, số bình quân giữa đầu kỳ và cuối kỳ và số dư cuối kỳ.

Trong bài viết của tôi, phần mẫu số của các tỷ lệ tài chính đã được lấy từ số dư cuối kỳ trích xuất từ các báo cáo tài chính mà các ngân hàng có liên quan đã đăng trên các trang web. Dữ liệu ban đầu do đó là hoàn toàn đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, chuỗi thời gian phân tích là bảy năm, với một cách xử lý số liệu nhất quán theo thời gian và đối tượng phân tích, nên các kết quả thu được vẫn có ý nghĩa phân tích của chúng.

Một mong muốn mà tôi đã gửi gắm trong bài viết của mình là, các ngân hàng thương mại quốc doanh, do được hưởng dụng những lợi thế và có tiềm lực rất lớn, hoàn toàn có thể phát triển những hoạt động sinh lợi thực sự, trở thành những địa chỉ hấp dẫn thu hút những nhà đầu tư trong và ngoài nước trong khuôn khổ chương trình cổ phần hóa đã và đang thực hiện.

Tôi vẫn tin vào tiềm lực của các ngân hàng này và cũng tin tưởng sâu sắc rằng, những nhà đầu tư tài chính hiện nay hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt khi thu nhận và sàng lọc những thông tin đa chiều, chứ không phải chỉ từ một nguồn đơn lẻ nào đó.



Theo TBKTSG

Pin It
John W. Teets

"Việc của người quản lý doanh nghiệp không chỉ để quan tâm đến hiện tại, mà là tương lai của của doanh nghiệp."

User Menu