Các ứng dụng kết nối chủ nhà với người có nhu cầu thuê ở ngắn ngày đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.

Loan đang sống trong căn hộ 2 phòng ngủ ở quận 2 (TP HCM) cho biết, từ ngày có ứng dụng chia sẻ chỗ ở Airbnb, cô kiếm thêm được vài triệu đồng mỗi tháng nhờ cho thuê phòng còn lại. Thậm chí, vì thường đi công tác dài ngày, Loan cho thuê toàn bộ căn hộ những lúc vắng nhà. “Nếu trước đây, người đi du lịch chỉ thuê được phòng thông qua các khách sạn thì nay tôi không cần đăng ký kinh doanh vẫn có thể chia sẻ phòng lúc nào muốn”, Loan nói.

Là người vốn lạ lẫm với công nghệ, bà Hoàng ở Đà Lạt cho biết, homestay của bà lâu nay ít người biết đến nhưng từ khi được đơn vị cung cấp giới thiệu ứng dụng kết nối giữa chủ phòng và người thuê thì homestay hầu như lúc nào cũng chật cứng.

“Nếu trước đây chỉ vài khách Việt ghé thì nay nhà tôi tiếp đủ khách trong nước, ngoài nước, thu nhập đều đặn”, bà Hoàng nói và cho hay, sau 5 tháng làm quen với ứng dụng cho thuê phòng, bà đã dần quen cách kiếm tiền qua mô hình này và chia sẻ cho những người quen áp dụng.

O4

Chỉ với vài trăm nghìn đồng người đi du lịch vẫn có thể tự lựa chọn cho mình những chỗ nghỉ ngơi độc đáo.

Bà Hoàng cũng cho biết thêm, vì homestay nhà bà khá độc đáo nên thời gian gần đây cũng có nhiều ứng dụng tương tự Airbnb đến chào mời sử dụng với mức chi phí hấp dẫn, thậm chí miễn phí nên bà không ngại thử nghiệm.

Là ứng dụng du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, Airbnb xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2015 với vài nghìn phòng cho thuê. Đến nay, ứng dụng này đã có hơn 16.000 phòng cho thuê tại Hà Nội và TP HCM. Theo dữ liệu từ Sở Du lịch TP HCM, toàn thành phố có 341 khách sạn từ 2 - 4 sao, với 16.912 phòng. Như vậy, số chỗ của hệ thống trên bằng với tổng số phòng của hệ thống khách sạn từ 2 đến 4 sao của TP HCM. Hiện, ứng dụng này đang thu khoản phí 3% với chủ nhà và 6 - 12% với người thuê.

Cũng nhanh chân nắm bắt xu hướng, Luxstay - một ứng dụng đặt phòng của Việt Nam nhắm vào phân khúc trung và cao cấp cũng đã chọn cách kết hợp với “người khổng lồ” là Rakuten – đại gia thương mại điện tử Nhật để đẩy mạnh ứng dụng này ở thị trường Việt Nam. Mức giá cho thuê phòng dao động 500.000 đến 3 triệu đồng một ngày. Sau một năm, tính đến tháng 6, Luxstay có hơn 3.000 chỗ ở là các homestay, biệt thự cao cấp trải dài trên nhiều thành phố, địa điểm du lịch tại Việt Nam, phục vụ trên 10.000 đặt phòng mỗi tháng. Tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi tháng. Đơn vị này cũng kỳ vọng, số lượng đặt phòng sẽ tăng gấp đôi từ nay tới cuối năm, đồng thời cho biết đang lên kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp khác để mở ra một hệ sinh thái xoay quanh hoạt động thuê và cho thuê nhà. Trong tương lai, công ty hứa hẹn liên kết với đại lý du lịch trực tuyến, đại lý du lịch truyền thống tại Việt Nam để tiếp cận thị trường du lịch. Sắp tới, Luxstay sẽ tiếp tục huy động vốn để mở rộng thị trường sang khu vực châu Á.

Airbnb xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2015. Đến nay, ứng dụng này đã có hơn 16.000 phòng cho thuê tại Hà Nội và TP HCM.

Không chọn phân khúc hạng sang mà nhắm tới nhóm giá rẻ, Uhome App một ứng dụng dù chưa ra mắt chính thức những đã len lỏi vào từng ngõ ngách của những chủ nhà cho thuê Việt Nam. Mức giá cho thuê trên ứng dụng này khá hấp dẫn, các phòng cho thuê chỉ ở mức 100.000 - 500.000 đồng một đêm. Thay vì, lấy phí như các ứng dụng khác, hệ thống này miễn phí hoàn toàn cho cả người dùng và chủ cho thuê.

“Dù có giá rẻ nhưng trên ứng dụng vẫn có những homestay thơ mộng, những căn phòng độc đáo ở Đà Lạt, Vịnh Hạ Long hay Đà Nẵng... Dự kiến đến 2019, chúng tôi có khoảng 10.000 người sử dụng và 5.000 phòng cho thuê trên 25 tỉnh thành ở Việt Nam”, ông Đinh Văn Alain, đồng sáng lập Uhome App nói và cho biết, dù mới chạy thử được vài tháng nhưng hệ thống đã có vài nghìn khách sạn và hơn 3.000 người sử dụng.

Trước sự nở rộ của các mô hình công nghệ chia sẻ phòng ở, các chủ khách sạn truyền thống tỏ ra khá lo lắng khi doanh số đã có dấu hiệu sụt giảm và buộc họ phải bắt tay hợp tác với các nhóm này và đưa ra mức giá khá ưu đãi để cạnh tranh.

Quản lý một khách sạn ở Đà Nẵng cho biết, khách sạn nơi ông quản lý đang phải cạnh tranh gay gắt và "không công bằng" bởi những chủ nhà không đóng thuế cũng như không đáp ứng những yêu cầu về kinh doanh khách sạn. Hiện lượng khách thuê khách sạn nơi ông quản lý đã giảm 5% và có thể còn tăng lên nếu các ứng dụng chia sẻ ngày càng phát triển tại Việt Nam vì không ít chủ nhà ngoài việc cung cấp phòng ngủ và bữa ăn sáng nhẹ, còn cung cấp thêm các dịch vụ khác như các tour trải nghiệm tại địa phương hấp dẫn.

O5

Trước sự nở rộ của các mô hình công nghệ chia sẻ phòng ở, các chủ khách sạn truyền thống tỏ ra khá lo lắng khi doanh số đã có dấu hiệu sụt giảm.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Quý, Giám đốc điều hành EQVN cho hay, mô hình chia sẻ nơi lưu trú đang ngày càng phát triển và góp phần làm cho thị trường đa dạng hơn. Bởi lẽ, trước đây, người dùng chỉ biết đến các hình thức lưu trú chuyên nghiệp với các hệ thống khách sạn có đầy đủ dịch vụ thì nay họ còn được trải nghiệm nhiều hơn với các cơ sở lưu trú địa phương như homestay, phòng nhàn rỗi cho thuê. Nhờ đó, các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, các chủ nhà có phòng trống có cơ hội tìm khách hàng nhanh hơn. Đây là nhóm mới tạo sự đa dạng cho thị trường du lịch Việt Nam

“Đây không phải là mô hình mới ở Việt Nam mà đang phát triển rộng khắp trên thế giới. Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa tác động nhiều đến các cơ sở kinh doanh truyền thống. Dẫu vậy, khi công nghệ ngày càng gần gũi với người dùng thì xu hướng chuyển dịch sử dụng những dịch vụ như trên ngày càng thiết thực. Tương lai, đây sẽ là miếng bánh ngon cho các doanh nghiệp biết nắm bắt xu hướng”, ông Quý nói và cho rằng, các khách sạn truyền thống Việt nên cởi mở hơn. Đồng thời, họ nên biết cách tận dụng xu hướng này để có cơ hội phát triển thay vì lùi lại phía sau. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng nên biết cách tối đa hóa chi phí và xây dựng chiến lược linh hoạt để tận dụng những kênh này giúp tạo lợi nhuận tốt.

* Nguồn: VnExpress

Pin It
Albert Einstein

"Khó khăn không thể được giải quyết bởi chính cái tư duy đã tạo ra nó."

User Menu