Việc lần đầu tiên tung ra bản báo cáo về việc các thương hiệu đang chi tiền thế nào trên YouTube cho thấy rằng trang này đang tỏ ra tham vọng hơn nữa.
Youtube chưa bao giờ ngần ngại công bố ý định thu hút nhiều hơn nữa những nhà quảng cáo và ngân quỹ marketing của mình.
Theo một báo cáo của Pixability cho Youtube, tỉ lệ đăng ký kênh thương hiệu tăng 47% theo từng năm trong khi lượng xem nội dung của các thương hiệu trong top 100 tăng gần gấp đôi trong 12 tháng cuối năm.
Nhìn chung các thương hiệu trong Top 100 (theo xếp hạng của Interbrand) đang tải video lên YouTube cứ 18.5 phút 1 lần và mỗi thương hiệu trung bình sử dụng 2.4 kênh truyền thông.
Trong khi đó theo kết quả từ Google vào thứ năm (ngày 16/7), giám đốc kinh doanh Omid Kordestani khẳng định lượng người xem YouTube đang tăng với tỉ lệ cao nhất “trong 2 năm trở lại đây” với thời lượng xem tăng 60% qua từng năm.
Lượng người xem trên các thiết bị di động tăng trung bình 50% đến hơn 40 phút, trong khi đó ông khẳng định số lượng người dùng thường xuyên truy cập trực tiếp vào YouTube “ như thể bật TV ở nhà mình” tăng gấp 3 lần qua từng năm.
Kordestani cho biết, lượng người xem tăng đồng nghĩa với việc nhiều thương hiệu hơn cũng sẽ tìm đến với YouTube. Số lượng những nhà quảng cáo làm việc với YouTube tăng 40%, lượng chi tiêu trung bình tăng 60% với top 100 nhà quảng cáo( theo chi tiêu cho truyền thông).
Ruth Porat- Giám đốc tài chính mới của Google củng cố thêm cho những số liệu của Kordestani: “ Chúng tôi đang chú trọng đến việc tăng ngân sách để có thể chuyển sang quảng cáo trên YouTube.”
Chẳng có gì bí mật về việc Youtube đang theo sát truyền hình. Youtube đã chi hàng triệu cho những chiến lược kênh truyền thông để tạo ra sự kết nối cho hàng ngàn video được tải lên hàng ngày.
Kordestani cho rằng việc đầu tư đang đạt hiệu quả tốt khi ngày càng nhiều người truy cập để thực sự tìm hiểu nội dung chứ không chỉ đơn thuần là xem 1 đường link.
Sandra Peat, giám đốc chiến lược của hãng quảng cáo The Moment, cho biết những video trực tuyến nói chung và đặc biệt YouTube đang là “mối đe dọa thực tế trước mắt ” đối với ngành phát thanh và truyền hình. Cô thừa nhận rằng dù truyền hình vẫn giữ vị trí quan trọng nhưng không còn độc quyền tiếp cận khán giả như trước đây nữa.
Quả thực YouTube đã khẳng định khả năng tiếp cận nhiều người dùng trong độ tuổi từ 18-49 hơn mọi mạng lưới truyền hình tư nhân ở Mỹ.
“Với một số khán giả, đặc biệt là thế hệ 8X, 9X, so sánh với trực tuyến thì truyền hình thực sự là một lựa chọn kém phong phú hơn, khi mà khán giả cứ ngãng ra và chi phí sản xuất cho quảng cáo truyền hình vẫn tương đối cao,” Peat nói.
Thành công của thương hiệu được quyết định bằng việc có tạo được hứng thú và khiến người ta phải nói về mình hay không. Những kênh nào tạo được điều này cho khán giả sẽ có được thành công lớn nhất. Về điểm này, YouTube (và những kênh truyền thông số khác) có vẻ đang thể hiện tốt nhất trên mặt trận này, đặc biệt là đối với bộ phận khán giả trẻ tuổi.”
Truyền hình phản đòn
Mặc dù Google công bố thành công của YouTube và tham vọng kiếm chác từ các thương hiệu lớn, thực tế thì Youtube vẫn luôn đứng sau truyền hình một chút. Google không mổ xẻ doanh thu của YouTube nhưng những chuyên gia phân tích cho rằng con số đó là khoảng 4 tỷ USD. Thị trường quảng cáo truyền hình toàn cầu có giá trị khoảng 290 tỷ USD.
Ở Anh, YouTube chiếm khoảng 3.5% tổng lượng tiêu thụ video trong khi truyền hình là 81%, theo như dữ liệu của Ofcom. Khoảng cách thu hẹp tại phân khúc người dùng độ tuổi 16 đến 24. Tại phân khúc này YouTube chiếm 7.5% lượng video và truyền hình là 65%. Khoảng cách này vẫn là khá lớn.
Quảng cáo truyền hình cũng tiếp tục tăng trưởng, với doanh thu tại Anh đạt kỷ lục 4.91 tỷ Bảng năm 2014, tăng 6%, với hơn 800 thương hiệu (tính cả mới và những thương hiệu quay trở lại), theo số liệu của Thinkbox- cơ quan đại diện cho các đài truyền hình thương mại của Anh .
Peat tin rằng truyền hình thấy được những thách thức từ Internet nhưng chọn cách đối mặt trực tiếp thay vì lờ đi. Cô nhấn mạnh đến các dịch vụ như nội dung theo yêu cầu trên điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính bàn.
Trên thực tế, Thinkbox cho rằng câu hỏi không phải là truyền hình đối đầu với YouTube hay video trực tuyến. Dựa trên nghiên cứu kinh tế lượng của IPA (cơ quan chuyên môn đại diện cho quảng cáo, truyền thông ở Anh) về “Advertising Effectiveness: the long and short of it” (Tạm dịch: “ Tính hiệu quả của quảng cáo: thời lượng dài và ngắn”), cơ quan này đã nhận định rằng cả hai đang hoạt động với vai trò bổ sung cho nhau.
“Truyền hình với video trực tuyến là một cuộc hôn nhân lý tưởng trong marketing. Hai bên cùng nhau hoạt động có hiệu quả gần như gấp đôi so với những sự kết hợp khác của quảng cáo và kích hoạt thương hiệu, sức mạnh tổng hợp này tăng dần theo thời gian. Tính hiệu quả của những chiến dịch truyền hình và trực tuyến đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2006,” một người phát ngôn cho biết.
Ian Maude- Chuyên viên phân tích của Enders Analysis cho rằng: “Truyền hình sẽ vẫn giữ vững vai trò là phương tiện quảng bá thương hiệu chủ chốt trên mọi lĩnh vực thị trường trong tương lai gần”
Hồng Nhung
Theo Trí Thức Trẻ