Internet of Things (IoT) – mọi thứ được nối mạng và có thể giao tiếp với người sử dụng và các sản phẩm khác – cung cấp những cách thức mới để thu hút người tiêu dùng trong suốt hành trình mua hàng. Và các hãng quảng cáo như Diageo đã tung ra nhiều kênh truyền thông mới để tạo sự giao tiếp liên tục với người tiêu dùng. Tuy nhiên các thương hiệu cũng nên thận trọng. IoT có thể mang đến những rủi ro thậm chí còn lớn hơn lợi ích.
IoT đầy rủi ro
Nguy cơ thật sự với IoT liên quan đến dữ liệu và việc Marketer làm gì với dữ liệu này. Theo Gartner, các thương hiệu sẽ có thể truy cập dữ liệu từ 25 tỷ “mối” kết nối vào năm 2020. Điều này sẽ giúp Marketer tăng đáng kể độ chính xác và tính hiệu quả của việc định vị thông điệp quảng cáo.
Nhưng trong thời đại các vụ tấn công lỗ hổng bảo mật ngày càng nhiều và lừa đảo ngày càng tinh vi, IoT tạo ra những “yếu điểm” mà hành động phi pháp có thể gây nên những tổn thất nặng nề, thậm chí vi phạm quyền riêng tư của người tiêu dùng. Những lỗ hổng này có thể điều khiển cả tủ lạnh gửi email độc hại đến hacker để dọ thám các gia đình thông qua thiết bị giám sát trẻ em.
Để giảm thiểu những rủi ro này, có một số việc mà các thương hiệu nên tiếp cận IoT theo hướng lấy việc bảo vệ khách hàng làm cốt lõi trong triết lý hoạt động của mình.
Tùy chọn: chìa khóa đảm bảo sự kiểm soát và niềm tin của khách hàng
Bảo mật dữ liệu cá nhân đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với người tiêu dùng. Theo nghiên cứu từ TRUSTe, 92% người Mỹ sử dụng Internet lo lắng về sự riêng tư trên mạng trong khi 89% cho biết tránh giao dịch với những công ty mà họ nghĩ không bảo vệ thông tin riêng tư trên mạng.
Để giảm bớt những lo ngại từ phía người tiêu dùng, thương hiệu nên cung cấp cho họ mọi cơ hội để kiểm soát dữ liệu cá nhân và ở mức độ nhận nội dung quảng cáo. Quá trình này có thể thực hiện ngay từ khâu thiết kế sản phẩm. Ví dụ thay vì dùng một giao diện trang web độc nhất cho mọi thiết bị, các hãng cung cấp thiết bị nhà bếp như Maytag hoặc Electrolux có thể kết hợp màn hình LCD đơn giản hiển thị thông điệp rõ ràng về các thiết lập riêng tư bên cạnh các thiết lập vận hành.
Điều này sẽ cho phép người tiêu dùng dễ dàng tùy chọn một loạt các thiết lập dữ liệu ngay từ ban đầu, đồng thời cũng cho phép Marketer hiển thị các thông điệp quảng cáo theo ngữ cảnh có liên quan và các thông báo như khuyến mãi hoặc các cảnh báo như thiếu hụt nguồn điện trong nhà. Khi sở thích của người tiêu dùng thay đổi, họ có thể dễ dàng sửa đổi các thiết lập IoT.
Về lâu dài, bằng cách cung cấp nhiều cơ hội cho người tiêu dùng tùy chọn, thương hiệu giữ được sự tin cậy và lôi kéo người tiêu dùng theo những cách mới.
Chính sách Big Data tối giản
Đầu năm nay, FTC đã công bố một báo cáo IoT đưa ra các cách thức doanh nghiệp có thể nắm lấy cơ hội thương mại mang tính chiến lược. Một cách liên quan đến việc sử dụng dữ liệu đúng đắn đó là “hạn chế thu thập dữ liệu của người tiêu dùng và giữ thông tin chỉ trong một thời gian nhất định, không phải vô hạn”.
Báo cáo lưu ý thêm việc giảm thiểu dữ liệu giải quyết được hai vấn đề rủi ro bảo mật quan trọng. Thứ nhất là công ty với nguồn dữ liệu về người tiêu dùng lớn sẽ có nguy cơ trở thành một mục tiêu hấp dẫn cho tin tặc, và thứ hai, dữ liệu người tiêu dùng sẽ bị sử dụng trái với mong đợi của họ.
Việc giảm thiểu dữ liệu nên là chính sách then chốt đối với các thương hiệu áp dụng IoT. Tuy dữ liệu lớn (Big Data) là trào lưu thời thượng nhưng dữ liệu nhỏ cũng có thể cung cấp cho Marketer những thông tin hữu ích với chi phí thấp hơn.
Hiểu động cơ tiêu dùng trước
Các thương hiệu không nên nghĩ đến IoT trước khi hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến hành vi tiêu dùng của khách hàng. Nếu không, các thương hiệu có thể hành động theo những giả định sai về những gì thực sự có liên quan và đầu tư vào các sản phẩm và chiến lược tiếp thị không mang lại hiệu quả.
Ví dụ như Clorox gần đây đã tiết lộ làm thế nào họ biết được khách hàng lớn tuổi thích các chương trình giảm giá hơn so với các chương trình dành cho khách hàng thân thiết. Điều này trái ngược với những hiểu biết trước đây. Thông tin này đã giúp Clorox phát triển các sáng kiến mang lại nhiều sự tương tác có giá trị hơn ngay tại cửa hàng, chẳng hạn như cung cấp phiếu giảm giá để nhận được đánh giá sản phẩm của khách hàng.
IoT có thể đem lại lợi ích rất lớn, đảm bảo hiểu biết thấu đáo lý do tại sao người tiêu dùng trung thành với thương hiệu này chứ không phải thương hiệu khác, tại sao họ quyết định mua sản phẩm này chứ không phải sản phẩm kia, và làm thế nào Marketer có thể tiếp cận đem lại giá trị gia tăng mà không xâm phạm sinh hoạt hàng ngày của họ.
Khi IoT và các sản phẩm nối mạng khẳng định chỗ đứng trên thị trường, các giải pháp dữ liệu thông minh sẽ tạo nên sự khác biệt cho các nhà làm thương hiệu.
Nguồn: adexchanger.com
Theo blog.ants.vn