Không còn áp đặt và khiên cưỡng về chất lượng sản phẩm, các TVC quảng cáo đã rất thành công khi hướng người tiêu dùng (NTD) đến những giá trị sâu sắc của cuộc sống.
"Đánh thức tình cảm"
Các TVC quảng cáo có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ của NTD đối với doanh nghiệp (DN). Hiện nay, DN không chỉ sử dụng những quảng cáo đơn thuần thể hiện giá trị hay chất lượng sản phẩm mà thông qua đó thể hiện những giá trị nhân văn sâu sắc về gia đình, cuộc sống. Những đoạn quảng cáo mang thông điệp ý nghĩa, những câu chuyện cảm động vẫn luôn giành được tình cảm yêu mến của khán giả.
Đã không còn những TVC quảng cáo cố đánh bóng thương hiệu một cách gượng gạo, thể hiện chất lượng sản phẩm một cách miễn cưỡng, xu hướng của quảng cáo hiện nay là tạo nên những câu chuyện về gia đình, xã hội đầy tính nhân văn, qua đó khiến người xem nhớ đến sản phẩm dù logo thương hiệu chỉ xuất hiện ngắn ngủi ở cuối mỗi đoạn phim.
Các clip quảng cáo này được xây dựng giống một đoạn phim ngắn với thông điệp giá trị, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng và nhờ vậy đã khiến người xem không bực bội chuyển kênh như trước đây.
Những năm gần đây, khía cạnh tình cảm, đặc biệt là tình cảm gia đình, được DN khai thác triệt để trong các quảng cáo Tết. Năm 2014, quảng cáo với slogan "Về nhà đón Tết, gia đình là trên hết" của Neptune phát trên truyền hình, các mạng xã hội Facebook, YouTube... đã gặt hái thành công vang dội.
Nội dung clip thể hiện câu chuyện một ông bố đi làm xa nhà, vì bận rộn với việc kinh doanh đã định không về nhà đón Tết. Thế nhưng, những câu nói của đứa con khiếm thính: "Bố ơi, con nhận được nhiều quà lắm nhưng chỉ muốn bố về nhà đón Tết thôi", "Con để dành được nhiều tiền lì xì lắm, bố không cần làm việc vất vả nữa đâu" đã "thức tỉnh" ông bố.
Hình ảnh đứa bé với mong ước được gặp cha cùng người cha với ánh mắt nghẹn ngào, không nói nên lời đã chạm đến trái tim người xem và làm không ít người rơi lệ.
Chỉ sau 2 tuần phát trên truyền hình và các mạng xã hội, clip "Về nhà đón Tết, gia đình là trên hết" đã thu hút hơn 200 ngàn lượt xem, phản hồi và đánh giá cao. Tất nhiên, thương hiệu Neptune sau quảng cáo này đã được nhiều người biết đến hơn, thu hút hàng chục ngàn lượt truy cập website để tìm hiểu sản phẩm.
Giống như Neptune, quảng cáo của Pepsi cũng mang thông điệp về một gia đình hạnh phúc sum vầy trong dịp Tết. Chỉ gói gọn trong 32 giây ngắn ngủi, clip không tự ca ngợi sản phẩm mà hướng đến cuộc sống hạnh phúc của một gia đình với những giá trị thiêng liêng nhất của cuộc sống cũng đã được xem là một trong những TVC ấn tượng của mùa Tết.
Trong khi đó, Vinacafé lại mang đến luồng gió mới và sinh động cho cuộc sống với TVC "Yêu thương thành lời". Những người trẻ thường rất ngại ngùng nói những lời yêu thương với ba mẹ và Vinacafé đã thấu hiểu điều này nên tạo được một clip quảng cáo thuyết phục.
Nhiều người khi xem đoạn quảng cáo của Vinacafé đã bắt gặp hình ảnh của chính mình với tâm lý ngại bày tỏ cảm xúc hay nói lời yêu thương với đấng sinh thành. Quảng cáo với sự xuất hiện vui tươi, trẻ trung của Trấn Thành, Thái Trinh... cùng một số diễn viên, ca sĩ trẻ đã tạo hiệu ứng tích cực trong giới trẻ.
Theo các chuyên gia thương hiệu, các TVC của Neptune, Pepsi, Vinacafé... đã đánh đúng tâm lý người Việt là hướng về gia đình. Tết là dịp gia đình sum họp và quảng cáo của những thương hiệu này đã phần nào giúp mối quan hệ gia đình ngày càng thắt chặt hơn nữa, đặc biệt là tình cảm giữa bố mẹ và con cái.
Các TVC này cũng đã thoát khỏi khuôn mẫu khi tiếp thị sản phẩm. Nếu như trước kia, khi quảng cáo một sản phẩm, DN thường tập trung vào việc quảng bá công dụng, chức năng của sản phẩm đó, thì nay những yếu tố này được lồng ghép vào clip quảng cáo một cách khéo léo.
Trong các clip của Neptune, Omo, Pepsi hay Vinacafé,... sản phẩm chỉ là phương tiện để truyền tải thông điệp về tình yêu thương. Cách làm này mang lại hiệu quả cao vì dù là quảng cáo nhưng không gây phản cảm và thương hiệu cũng được quảng bá rộng rãi.
Hướng đến thành công
Chiến dịch quảng cáo của Vinacafé Tết 2015 đạt hiệu quả truyền thông vượt mong đợi với hiệu ứng xã hội ấn tượng. Đã có 500.000 hộp quà cà phê được bán hết trong dịp Tết. Nội dung của quảng cáo đã có 24 triệu lượt tìm hiểu và hơn 2,5 triệu lượt "like", "share", "comment" trong thời gian diễn ra chiến dịch.
Mẫu quảng cáo này được YouTube công nhận là "nội dung quảng cáo thành công nhất của Việt Nam trên YouTube Tết 2015" khi đạt 8 triệu "view" và thường xuyên đứng đầu danh sách về lượt "view", "share" của mạng này.
Trong khi đó, năm nay, Neptune lại làm clip kể câu chuyện về một người con vì đã có kế hoạch du lịch trong dịp Tết nên không về quê sum họp với đại gia đình của mình.
Nhưng chỉ với câu hỏi ngây thơ của cô con gái: "Lâu rồi mình không mừng tuổi ông bà, liệu sức khỏe ông bà có còn dồi dào không ba?", "Mình còn mừng tuổi ông bà bao nhiêu lần nữa vậy ba?" đã khiến đôi vợ chồng trẻ giật mình nhận ra giá trị thực sự của ngày Tết và trở về sum vầy cùng bố mẹ. Clip đăng trên YouTube đã đạt được hơn 2,6 triệu lượt xem.
Theo các chuyên gia thương hiệu, quảng cáo là công cụ không thể thiếu trong chiến lược quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Với tần suất xuất hiện dày đặc trên truyền hình cũng như các phương tiện truyền thông, các clip quảng cáo đã tác động không ít đến người xem, vì thế, bên cạnh chức năng quảng bá, quảng cáo phải hoàn thành chức năng định hướng, mang lại nhận thức tốt đẹp cho NTD. Và chính vì làm được điều đó nên các clip quảng cáo vào dịp Tết của Pepsi, Neptune, Vinacafé, Omo... đã thành công.
Ngày nay, quảng cáo không bó buộc trong việc truyền thông tin quảng bá chất lượng sản phẩm, mà hướng tới cộng đồng nhiều hơn, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn.
Các quảng cáo nếu chuyển tải được thông điệp ý nghĩa sẽ giành được sự quan tâm của NTD. Tuy nhiên, các nhà quảng cáo cũng cần chú trọng mối liên kết giữa việc quảng bá thương hiệu sản phẩm với hành vi mua hàng của NTD. Bởi, quảng cáo thành công là khi mang giá trị xã hội to lớn và thu hút được nhiều khách hàng.
THANH NGÂN/DNSG