logo-appleXây dựng nhãn hiệu là một quá trình bao gồm nhiều hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu chung: Tạo ra cho doanh nghiệp một vị trí trên thị trường. Một nhãn hiệu bao gồm nhiều yếu tố như phong cách, màu sắc, bố cục và tất nhiên là thông điệp chính. Thứ gây được sự chú ý nhiều nhất và tạo ra ấn tượng sâu nhất cho khách hàng là logo.

Theo John William, một cây bút thường xuyên của mục “Image & Branding“ (hình ảnh và việc xây dựng nhãn hiệu) của tạp chí Entrepreneur, doanh nghiệp có thể thực hiện những cách sử dụng logo sáng tạo dưới đây tạo ra hiệu quả cao nhất cho việc quảng bá nhãn hiệu tại các thị trường mục tiêu.

Việc thường xuyên sử dụng logo trên mọi vật dụng, trong mọi sự kiện do công ty tạo ra có tầm quan trọn rất lớn trong việc xây dựng nhãn hiệu của doanh nghiệp. Ở mức độ cao nhất, một logo tốt có thể đại diện cho một doanh nghiệp (như hình ảnh vòm cung màu vàng của McDonald’s chẳng hạn). Hình ảnh của một logo không dễ gì trở thành quen thuộc trong trí nhớ của khách hàng một sớm một chiều, mà chỉ có được qua một quá trình sử dụng có sáng tạo và được lặp đi lặp lại thường xuyên.

Trong thời đại ngày nay, người tiêu dùng không có thời gian để đọc mà họ chỉ “quét“ qua thông tin có được. Họ cũng không có thời gian để nghiên cứu mà chỉ “lướt“ trên các trang web để tìm những kết quả có sẵn. Khách hàng muốn có được thông tin mình cần một cách nhanh chóng, thay vì phải mất thời gian phân loại hàng đống thông tin vô nghĩa. Trong bối cảnh đó, một logo có thể được xem là “con đường tắt“ làm cho khách hàng nhớ đến những ý tưởng và giá trị mà doanh nghiệp muốn chuyển tải đến họ.

Hiển nhiên, logo của doanh nghiệp cần phải được hỗ trợ bằng những thông điệp mạnh, có khả năng chuyển tải những giá trị chủ yếu của doanh nghiệp thì mới có thể tồn tại lâu dài trong trí nhớ của khách hàng. Bản thân logo chỉ mới xác định được hình ảnh của doanh nghiệp, nhưng logo được sử dụng kết hợp với các yếu tố khác của nhãn hiệu và được xuất hiện thường xuyên, các thông điệp (khẩu hiệu) sẽ dần dần ngấm vào logo. Nhờ đó, khi nhắc đến khẩu hiệu, khách hàng có thể hình dung ngay đến hình ảnh của logo và ngược lại khi nhìn thấy logo, khách hàng có thể nhớ ngay đến câu khẩu hiệu. Đó là trường hợp của Nike với thông điệp “Just do it“ (hãy làm điều đó) đi kiềm với logo hình lưỡi liểm.

Mục đích của doanh nghiệp là tạo ra một logo có hình ảnh dễ nhớ, để lại ấn tượng lâu dài trong trí nhớ của khách hàng, nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp phải làm cho nó theo kiểu là xuất hiện “tràn ngập“ thị trường. Điều quan trọng là logo phải xuất hiện trước các khách hàng mục tiêu một cách thường xuyên.

Dưới đây là một cách sử dụng logo nhằm đạt được mục đích nói trên:

1. Tài trợ cho các sự kiện của ngành

Dù cho doanh nghiệp đang ở trong ngành nào, các sự kiện đặc biệt như các cuộc triễn lãm thương mại hay các cuộc hội thảo luôn thu hút sự chú ý của các đối thủ cạnh tranh, các khách hàng các các đối tượng tiềm năng. Các cơ hội tài trợ có thể nằm trong khả năng về chi phí của doanh nghiệp hoặc đòi hỏi phải có sự đầu tư tốn kém. Tuỳ theo mức độ đầu tư mà việc quảng bá nhãn hiệu, logo của doanh nghiệp sẽ đạt hiệu quả cao hay thấp. Để đạt hiệu quả cao, doanh nghiệp nên tranh thủ thương lượng với các nhà tổ chức sự kiện, các công ty quảng cáo để cho logo của mình nổi bật trong các chương trình hoạt động hay các tài liệu tiếp thị khác.

2. Tài trợ các đội tuyển thể thao địa phương

Doanh nghiệp nên xác định các đội tuyển thể thao nào có thể tạo ra hình ảnh lớn nhất đối với khách hàng mục tiêu và tài trợ cho các đối tượng này dưới hình thức cung cấp tiền bạc, thiết bị hoặc các tình nguyện viên. Đổi lại, logo của doanh nghiệp sẽ được xuất hiện trên những bộ trang phục thi đấu, các bảng ghi thành tích hay các tài liệu tiếp thị khác.

3. Sử dụng các sản phẩm khuyến mãi một cách thông minh

Hiện nay, việc các doanh nghiệp in logo lên các văn phòng phẩm như viết, miếng giấy nhỏ dùng để ghi chú (post-it), hay sổ tay… rất phổ biến. Vì vậy, khi sử dụng logo theo hình thức này, doanh nghiệp cần phải cân nhắc liệu các khách hàng mục tiêu có sử dụng đến các sản phẩm khuyến mãi hay không (tức là chúng có cần thiết và hữu dụng cho họ hay không) và chúng có thể chuyển tải những giá trị của sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp hay không.

4. In logo trên bao bì

Nếu doanh nghiệp muốn tung ra một sản phẩm, hãy in logo lên bao bì của sản phẩm. Nếu doanh nghiệp đang cung cấp một dịch vụ, nên chắc rằng logo được xuất hiện trên tất cả các vật dụng có liên quan hoặc bất cứ thứ gì mà doanh nghiệp sẽ để lại cho các khách hàng tiềm năng, bao gồm cả những tấm danh thiếp.

5. Tự tạo ra những logo di động

Doanh nghiệp có thể dán các logo lên xe của các nhân viên bán hàng để họ trở hành một đội ngũ quảng bá di động cho logo. Cách làm này đặc biệt có hiệu quả khi doanh nghiệp có trụ sở nằm ở một khu đô thị đông đúc, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, khi đó những người đi trên đường sẽ có thời gian để nhìn ngắm logo của doanh nghiệp.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần

Pin It
Ngạn ngữ Anh

"Chớ có nói trừ khi bạn có thể cải thiện được sự im lặng."

User Menu