Chiến lược kinh doanh không chỉ là bán cái gì và bán cho ai, mà là khai thác tất cả những gì có thể nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp mình. Thị trường VN có một số mô hình kinh doanh mà có lẽ sách vở kinh doanh thế giới còn chưa cập nhật kịp.

Thị trường VN có một số mô hình kinh doanh mà có lẽ sách vở kinh doanh thế giới còn chưa cập nhật kịp.

Chẳng hạn:

1. Khai thác đòn bẩy tài chính.

Hình thức thì có thể là kinh doanh bán lẻ, nhưng thực chất lợi nhuận chủ yếu đến từ lãi suất cho vay tiền. Hình thức kinh doanh này đòi hỏi doanh nghiệp phải phát triển mở rộng mạng lưới càng lớn càng tốt. Vì phải lớn thì mới đủ hấp dẫn để các nhà cung cấp chịu bán hàng cho mình với những điều kiện khó: mức chiết khấu cao, kèm các loại phí khác và hạn mức tín dụng cực cao (có thể đến 60 ngày).

Với hình thức này, phần thu từ hoạt động bán hàng chỉ đủ để trang trải chi phí bán hàng. Lợi nhuận của chuỗi đến từ việc khai thác vốn của các nhà cung cấp (gởi ngân hàng lấy lãi, cho vay, đầu tư cổ phiếu...).
Không khó để nhận diện những doanh nghiệp kinh doanh với mô hình này. Hãy nhìn báo cáo tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng các dòng: lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận từ hoạt động tài chính, lợi nhuận từ hoạt động khác ...

Khi gặp đối thủ kinh doanh với mô hình này, doanh nghiệp kinh doanh khai thác lợi nhuận thuần từ hoạt động mua bán sẽ gặp bất lợi.

2. Kinh doanh thứ này, thu lãi thứ kia.

Mô hình kinh doanh này kinh doanh một loại hình bất kỳ, ngành hàng bất kỳ, người kinh doanh không kỳ vọng có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh này, mà chủ yếu được dùng để xử lý các chi phí, kết hợp tạo ra dòng tiền mặt để nuôi bộ máy. Lợi nhuận đến từ những hoạt động kinh doanh khác.

Mô hình kinh doanh này chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp lớn, có một số hoạt động kinh doanh phức tạp, hoặc có một phần hoạt động kinh doanh đang được niêm yết trên sàn.

Trên thị trường nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực hàng nhạy cảm, trong những năm gần đây đã chuyển hướng sang mô hình này.

Khi kinh doanh mà gặp đối thủ hoạt động với mô hình này thì doanh nghiệp kinh doanh mua bán thông thường sẽ gặp khó khăn, vì đối thủ này có thể bán dưới giá vốn để duy trì hoạt động.

3. Khai thác đòn bẩy thương hiệu.

Với mô hình kinh doanh này, người kinh doanh thường kinh doanh nhiều ngành khác nhau, nhưng chủ động chọn một ngành để xây dựng thương hiệu. Khách hàng, thị trường sẽ biết đến doanh nghiệp với hoạt động kinh doanh này là chính.

Ngành hàng được chọn để xây dựng thương hiệu là ngành hàng có nhiều sự thuận lợi khi truyền thông, có thể tạo ra hiệu ứng tích cực, có lợi cho các hoạt động kinh doanh khác.

Nếu nghiên cứu kỹ thì không khó để nhận ra những doanh nghiệp đi theo mô hình này. Họ có thể là một chuỗi các doanh nghiệp hoạt động xuyên suốt chuỗi giá trị. Hoặc đơn giản chỉ là họ có kinh doanh nhiều mặt hàng dưới cùng một thương hiệu chung.

Khi gặp đối thủ cạnh tranh với mô hình này, các doanh nghiệp kinh doanh theo cách truyền thống sẽ gặp khó khăn trước lợi thế thương hiệu của đối thủ.

Chiến lược doanh nghiệp không chỉ là bán cái gì và bán cho ai, mà là khai thác tất cả những gì có thể, để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đỗ Hòa - Chiến lược ở Cấp độ Mô hình kinh doanh.

Nguồn: Tinhhoaquantri.com

Pin It
Daniel Boorstin

"Trở ngại lớn nhất của sự tiến bộ không phải là sự ngu dốt, mà là ảo ảnh của sự hiểu biết."

User Menu