Nhiều năm gần đây, Fintech là một ngành phát triển “nóng” không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. SmartPay là một ví điện tử “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã có những lựa chọn khác biệt của riêng mình. Thành quả là một công ty có 1,7 triệu người dùng, hơn 300 nghìn tiểu thương và điểm chấp nhận thanh toán, tăng trưởng “thần tốc” hơn 100% mỗi năm chỉ sau hơn 1 năm ra mắt.

Để tìm hiểu, chúng tôi đã trò chuyện với ông Marek Forysiak – Nhà sáng lập SmartPay, Chủ tịch của công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mạng lưới Thông minh SmartNet.

Thị trường tài chính Việt Nam còn một chặng đường dài để phát triển

* Thưa ông Marek Forysiak, là một người Mỹ, tại sao ông lại chọn phát triển Fintech tại Việt Nam?

Chuyên môn của tôi là ngành Tài chính. Tôi đã công tác trong ngành này hơn 30 năm. Trong 10 năm đầu của sự nghiệp, tôi được đào tạo và đảm trách nhiều vị trí quản lý khác nhau tại những tổ chức tài chính hàng đầu tại Mỹ như JP Morgan Chase Bank, AIG Global Consumer Finance Group... Sau đó, tôi có cơ hội đến các nước khác làm việc trong gần 20 năm. Khi đó, tôi tập trung chủ yếu vào các nền kinh tế mới nổi.

K5

Ông Marek Forysiak – Nhà sáng lập SmartPay

Trong thời gian ở Nga, tôi đã có dịp sang Việt Nam vào những năm 2013, 2014. Đó là những ngày đầu khi sự chuyển đổi của ngành tài chính đang diễn ra ở thị trường này. Tôi nhận thấy Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển giống như ở Nga và các nước khác tại khu vực trung tâm Đông Âu. Thông qua một số đối tác như VPBank Group, tôi đã sang Việt Nam làm việc, tham gia vào HĐQT của FE Credit và hiện tại là Chủ tịch Công ty SmartNet. Từ đó, tôi đã xây dựng mảng kinh doanh về ví điện tử SmartPay.

* Rất nhiều nước Đông Nam Á có nền tài chính hấp dẫn, tại sao ông lại chọn Việt Nam làm điểm đến để xây dựng sự nghiệp?

Việt Nam còn một chặng đường dài để tiếp tục phát triển. Nhìn lại 10 năm qua, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, nhưng chỉ khoảng 7-8 triệu người thực sự hưởng lợi từ sự phát triển này. Tuy nhiên, đối với một nước đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam, trong 10-20 năm tới, để tiếp tục phát triển, các tiện ích tài chính tại Việt Nam phải phủ rộng toàn xã hội. Đó là cơ hội mà tôi nhìn thấy tại Việt Nam. Chính điều này đã khiến tôi hào hứng và muốn đến với Việt Nam.

Không muốn các tiểu thương nhỏ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chuyển đổi số

* Thưa ông, hiện tại có rất nhiều ví điện tử trên thị trường, phục vụ số đông cộng đồng. Tại sao ông lại lựa chọn tập trung phát triển SmartPay cho cộng đồng “đặc thù” như tiểu thương?

Lý do chúng tôi chọn phân khúc tiểu thương là vì văn hoá ở Việt Nam. Ở đây, hầu hết người dân buôn bán trên khắp các con đường, ngõ hẻm. Với nhu cầu phát triển “phủ rộng”, tiểu thương là nhóm có rủi ro cao sẽ bị loại ra khỏi cuộc chuyển đổi số. Bởi họ giao dịch bằng tiền mặt 100%, ứng dụng công nghệ rất ít. Khi cạnh tranh với các nhà bán lẻ trực tuyến lớn, các tiểu thương sẽ dễ bị nhấn chìm. Hiện nay, Việt Nam có hàng triệu tiểu thương và họ là xương sống trong nền kinh tế. Đây cũng là phân khúc chúng tôi muốn hỗ trợ để giúp họ tiếp tục phát triển, thành công trong công cuộc chuyển đổi số.

K6

* Có khó khăn hay thách thức đặc thù gì khi SmartPay tiếp cận đối tượng tiểu thương?

Thách thức lớn nhất là chúng tôi đi tiên phong trong thị trường này. Khó khăn căn bản chính là sự thay đổi, vì cộng đồng tiểu thương cũng chưa sẵn sàng để thay đổi.

Để giải được bài toán đó, chúng tôi hướng dẫn các tiểu thương để họ hiểu và sử dụng các giải pháp công nghệ mà SmartPay cung cấp. Chúng tôi chia sẻ với họ rằng việc chuyển đổi từ thanh toán tiền mặt sang không tiền mặt sẽ diễn ra. Trong thời điểm đó, các tiểu thương, sẽ có người thành công, có người thất bại. Và chúng tôi muốn giúp họ nhìn thấy rõ sự chuyển đổi này.

Muốn thành công thì phải chấp nhận thay đổi. Nếu không, tiểu thương sẽ bị bỏ lại phía sau và chúng tôi thì không muốn bất kỳ ai trong số họ bị bỏ lại.

* Vậy có phát hiện nào thú vị khi ông làm việc với cộng đồng tiểu thương Việt Nam?

Có chứ. Chúng tôi từng nghĩ một trong những vấn đề mà các tiểu thương thường gặp phải là họ đều cần thêm vốn để kinh doanh. Nhưng trên thực tế, họ có nhiều tiền mặt. Điều này khiến tôi ngạc nhiên. (Cười). Đó là lý do SmartPay cho ra đời sản phẩm tiết kiệm dù lúc đầu, chúng tôi đã nghĩ cách cung cấp sản phẩm tài chính tiêu dùng.

Bất ngờ là khi tôi gặp một phụ nữ bán túi xách ở Quận 1, TP.HCM. Tôi phát hiện cô giữ rất nhiều tiền mặt dù gặp rủi ro mất cắp, nhưng vì chỉ có thể gửi tiền và đi ngân hàng 1-2 lần mỗi tháng. Cô nói với chúng tôi rằng sẽ rất tốt nếu có cách để giúp cô có thể gửi tiền và nhận lãi mỗi ngày. Đây là điều ngược lại so với những gì tôi đã nghĩ.

K7

Về ví điện tử SmartPay

* SmartPay có nghĩa là thanh toán thông minh. Vậy thì SmartPay “thông minh” như thế nào?

Chúng tôi muốn cá nhân hoá trải nghiệm cho người dùng và cung cấp giải pháp giúp bạn “thông minh” hơn trong cách sử dụng và chi tiêu tiền. Cũng giống như những chiếc điện thoại này, một người có thể dùng nó để sử dụng cho rất nhiều nhu cầu và cảm thấy hữu dụng, nhưng người khác lại rất ít dùng và cảm thấy vô dụng. Ví điện tử thông minh là dựa trên khả năng nó có thể giúp người dùng dễ dàng sử dụng và mang lại giá trị cụ thể cho họ hay không.

SmartPay ngoài chức năng cơ bản còn cung cấp các dịch vụ thông minh, chẳng hạn như “việc lương liền” (Smart Work); tin nhắn thông minh (Smart Message), hay Mua sắm thông minh (Smart Cart)... Bạn có thể tận dụng những tính năng này và cách bạn sử dụng nó có dễ dàng, có mang lại lợi ích thiết thực hay không sẽ quyết định sự thông minh của ví điện tử SmartPay.

* SmartPay đã làm như thế nào để các tính năng có thể thông minh và dễ sử dụng?

Câu trả lời là công nghệ. Chúng tôi là công ty ưu tiên phát triển công nghệ (technology first company). Nếu bạn nhìn vào cơ cấu nhân sự của chúng tôi, có khoảng 50% trong số đó là kỹ sư công nghệ và chuyên viên thiết kế. Chúng tôi cung cấp giải pháp thông minh hơn và đưa công nghệ đến tay người dùng, để chúng dễ sử dụng. Apple thành công nhờ có trải nghiệm người dùng rất đơn giản. Tuy vậy, ít ai biết để một thứ trở nên đơn giản, công nghệ phía sau đôi khi lại rất khó và phức tạp.

Tương tự, chúng tôi muốn ứng dụng các công nghệ phức tạp để ví điện tử trở nên thân thiện hơn với người dùng. Chúng tôi dùng machine-learning (học máy) và trí tuệ nhân tạo để làm cho các dịch vụ thông minh hơn. Nhưng đó là cả một quá trình nghiên cứu, cải tiến mà chúng tôi đầu tư công nghệ, nguồn lực vào đó.

* Ông có sợ cạnh tranh? Cụ thể là những cái tên lớn như Momo, Zalo Pay, Grab Moca?

Tôi không lo ngại điều đó, tôi nghĩ thị trường còn rất lớn nên có nhiều công ty tham gia vào mảng này. Hiện tại, giao dịch bằng tiền mặt trên thị trường vẫn chiếm tỷ lệ cao – đến 85%. Thành công hay thất bại với tôi trong ngành Fintech không phải là việc so sánh kết quả giữa chúng tôi với các ví điện tử khác, mà là việc SmartPay có thể phục vụ bao nhiêu thị phần trong thị trường lớn đó. Ngoài ra, vấn đề quan trọng còn là sự điều hành, quản lý, phát triển bền vững; bởi trong 10 năm tới sẽ tiếp tục có những người thành công và thất bại trong ngành này.

K8

Văn hoá doanh nghiệp tại SmartPay

* Là một người Mỹ, làm thế nào để ông làm việc và giữ vững tinh thần khởi nghiệp cho nhân viên của mình – khi 98% đội ngũ nhân viên của SmartPay là người Việt Nam?

Đây là điều khó khăn nhất đối với tôi. Một trong những điều tôi hay nghĩ là chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu trong 3 năm qua vì chúng tôi luôn suy nghĩ và làm việc với tinh thần của một công ty khởi nghiệp.

Chúng tôi luôn tìm giải pháp giải quyết các vấn đề bằng công nghệ. Trong các cuộc thảo luận, chúng tôi luôn đặt câu hỏi: “Vấn đề cần giải quyết là gì? Vấn đề này đã được giải quyết trước đây chưa? Chúng ta có thể áp dụng công nghệ để giải quyết nó như thế nào?...”.

Khi giải quyết vấn đề, chúng tôi áp dụng “tư duy nguyên bản” (first principle design), giống cách tư duy của Henry Ford, hay Steve Jobs. Khi Henry Ford muốn thay đổi cách con người di chuyển, ông không tạo ra một con ngựa tốt hơn, một chiếc yên hay bộ móng tốt hơn mà ông tạo ra một chiếc ô tô – một cách di chuyển hoàn toàn mới. Tại SmartPay, đội ngũ nhân viên rất trẻ. Nhưng ngay cả người lớn tuổi như tôi, tất cả đều phải nỗ lực để tìm ra cách giải quyết mới cho vấn đề cũ.

* Ông có thể chia sẻ một số kế hoạch của SmartPay trong tương lai?

Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng cộng đồng người mua và người bán, đưa SmartPay trở thành doanh nghiệp hàng đầu về mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán, là “người bạn” mà tiểu thương nghĩ đến đầu tiên khi tìm kiếm giải pháp công nghệ hỗ trợ kinh doanh.

Về kế hoạch sắp tới, chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác như FE Credit, VPBank, Ngân hàng Liên Việt… để khách hàng của họ có thể giao dịch với Nhà bán hàng SmartPay. Về lâu dài, chúng tôi sẽ phát triển theo hướng tích hợp SmartPay vào các nền tảng của các đối tác để tiểu thương, khách hàng cá nhân dễ dàng sử dụng.

* Cảm ơn ông đã có những chia sẻ thú vị!

* Nguồn: Cafebiz

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Yếu tố hiệu nghiệm trong marketing cũng hiệu nghiệm trong quân đội: yếu tố bất ngờ."

User Menu