6 tháng trôi qua, năm 2020 đã đánh dấu những thách thức và cơ hội chưa từng có của ngành Bia Việt Nam.
4 Thách thức
COVID-19: Việc đóng cửa hàng loạt địa điểm kinh doanh thuộc kênh Horeca trên toàn quốc trong thời gian dịch bệnh đã khiến việc tiêu thụ bia rượu “đóng băng”. Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) mất gần một nửa doanh thu quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019, kéo theo lợi nhuận giảm 55% tương đương 148 tỷ đồng. Đồng cảnh ngộ là Sabeco cũng khép lại 3 tháng đầu năm với doanh thu giảm 47%, ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất kể từ quý I/2016 đến nay. Tuy thời kỳ khó khăn nhất đã qua, nhưng những thất thoát trong quý quan trọng nhất nhì của ngành bia rượu sẽ khiến chặng đường 2020 còn lại khó khăn không ít.
Các quán nhậu vẫn khá đìu hiu dù Việt Nam đã gần như hết dịch và được trở lại nếp thường nhật.
Nguồn: Thanh Niên
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia: Trong khi COVID-19 mang đến thiệt hại ngắn hạn, thì Luật phòng chống tác hại rượu bia lại có tầm sát thương dài hạn. Từ 01/01/2020, người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 đến 24 tháng nếu phát hiện nồng độ cồn vượt mức cho phép trong máu/ hơi thở. Ngay từ giai đoạn soạn thảo, quy định này đã khiến cổ phiếu toàn ngành bia sụt giảm 13%. Có thể nói đây là bài toán nan giải đòi hỏi nhiều thay đổi trong chiến lược sản phẩm, quảng cáo, và tái lập thói quen tiêu thụ của người dùng.
Luật quảng cáo: Nghị định 24 ban hành ngày 24/02/2020 đưa ra các quy định khắt khe hơn trước về quảng cáo rượu bia, cụ thể liên quan đến (1) quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15% và bia, (2) hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu bia trong các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình và (3) thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập thông tin và mua rượu bia. Đơn cử, việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15% và bia phải gắn kèm các nội dung cảnh báo: “Uống rượu bia có thể gây tai nạn giao thông”, “Uống rượu bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi” và “Người dưới 18 tuổi không được uống rượu bia”. Luật này cũng tác động đáng kể vào quá trình Marketer và Agency lên chiến lược, sáng tạo và thực hiện các quảng cáo cho nhãn hàng bia rượu.
Lễ hội bia Habeco tại Hà nội 2019
Nguồn: Thanh Niên
Thuế và giấy phép sản xuất: Từ trước đến nay, đồ uống có cồn tại Việt Nam phải chịu 3 loại thuế: thuế nhập khẩu (từ 5-80% tùy loại FTA), thuế giá trị gia tăng (10%) và thuế tiêu thụ đặc biệt (tăng mạnh từ mức 50% lên 65% năm 2018). Nếu trực tiếp sản xuất bia tại Việt Nam để kinh doanh, tuy không phải chịu thuế nhập khẩu, nhưng việc mở nhà máy sản xuất cũng gặp không ít nhiêu khê.
3 Cơ hội
Cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh: Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất trong số 11 nước khu vực Đông Nam Á. Lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam tăng trung bình 6,6%/năm trong suốt 6 năm qua (toàn cầu tăng trưởng chỉ ở mức 0,2%). Đồng thời tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu Việt Nam cũng thuộc hàng nhanh nhất Châu Á. Theo Nielsen và VBA, trong 2020 sẽ có khoảng 33 triệu người tiêu dùng dưới 30 tuổi thuộc tầng lớp trung lưu và sẽ chi tiêu xấp xỉ 173 tỷ USD. Một thị trường vừa lớn vừa có đà tăng trưởng, lại có sức mua mạnh như Việt Nam đã và đang là mảnh đất béo bở cho các hãng bia khai thác.
Tiềm năng lớn của phân khúc “bia không cồn”: Được xem là chìa khoá giúp tháo gỡ quy định 100 về về sức khoẻ và an toàn lái xe hiện nay, bia không cồn hứa hẹn mở ra một tương lai đầy triển vọng cho ngành bia tại Việt Nam. Điểm hấp dẫn là phân khúc này còn khá non trẻ. Số thương hiệu bia không cồn trên thị trường Việt Nam cho đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Heineken 0.0, Sagota, Steiger, Bavaria, Oettinger... và chỉ có duy nhất Sagota (thuộc công ty bia Sài Gòn Bình Tây) đang được sản xuất trong nước. Vì vậy, đây hẳn sẽ là đất diễn cho nhiều thương hiệu bia trong tương lai.
Quảng cáo Heineken 0.0
Tiềm năng về thị trường xuất khẩu: Các nước ASEAN hay Trung Quốc đều là thị trường xuất khẩu mạnh của Việt Nam với mức tiêu dùng thực phẩm, đồ uống tăng mạnh. Giai đoạn 2010 – 2019, sản lượng bia xuất khẩu tăng hơn năm trước, đạt hơn 46 triệu lít, trị giá 45,87 triệu USD. Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) vừa được ký kết cũng hứa hẹn nhiều cơ hội.
Kịch bản 6 tháng cuối 2020
Doanh nghiệp đầu ngành, Sabeco, đề ra mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 128 triệu lít bia trong năm 2020, với lợi nhuận sau thuế giảm 31%. Habeco đặt chỉ tiêu sản lượng thấp hơn năm ngoái 18%, với mức lãi trước thuế giảm 32% (tương đương 1,9 tỷ đồng). Trong khi đó, dù chỉ ghi nhận sụt giảm nhẹ (2,1%) trong 3 tháng đầu năm đối với nhóm sản phẩm bia, nhưng Heineken tiên lượng quý II sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề hơn.
Đại diện của hãng này cho biết: “Ảnh hưởng của virus corona đối với kết quả kinh doanh sẽ còn tệ hơn trong quý II/2020 và các quý còn lại của năm 2020, do lệnh phong toả có thể được dỡ bỏ nhưng tác động của nó đến nền kinh tế có thể sẽ kéo dài”. Việt Nam là một trong ba thị trường tiêu thụ chính của Heineken, bên cạnh Brazil và Mexico.
TVC “Lên như rồng – Hào khí như rồng” ý nghĩa và đậm tinh thần dân tộc của Sabeco
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt, 90% sản lượng bia của thị trường bia Việt Nam nằm trong tay “Bộ tứ” Sabeco, Habeco, Carlsberg Việt Nam và Heineken Việt Nam. Sự sụt giảm của các thương hiệu này tất yếu dẫn đến bước thụt lùi của toàn ngành. Dù khá ảm đạm, nhưng theo dự phóng của VCSC mức tiêu thụ bia của toàn thị trường sụt giảm mạnh nhất vào quý I/2020 đã qua, và sẽ cải thiện dần trong các quý sau.
2020 là một năm đặc biệt với nhiều cơ hội và không ít thách thức với thị trường nói chung là ngành bia nói riêng, nhưng “Smooth sea never made a skilled sailor”, đây sẽ là năm nền tảng cho nhiều bứt phá trong tương lai.
Grace Le
* Nguồn: VIRAC, GSO, tinnhanhchungkhoan, Vietnambiz, Baodauthau, CafeF, kinhtechungkhoan, BSC