Ngành thời trang giờ đây đã tìm được một hướng đi mới: xuất hiện trên các dịch vụ giải trí trực tuyến như Netflix, Amazon Prime, Quibi...
Từ năm 2019, Netflix, Amazon Prime, Quibi đã đầu tư sản xuất hàng loạt chương trình trực tuyến về thời trang. Mục tiêu ban đầu là hướng đến việc đa dạng hóa nội dung trong nỗ lực cạnh tranh với những nền tảng trực tuyến mới nổi cùng tầng khác như Disney+, Apple TV, HBO Max… Brandon Riegg, Phó Chủ tịch Netflix, nói với Variety rằng: “Chúng tôi là một nền tảng trực tuyến toàn cầu. Nguyên lý cốt lõi trong chiến lược phát triển là đa dạng càng nhiều chương trình, nhiều lĩnh vực càng tốt. Thời trang là một trong số đó”.
Xu hướng của tương lai
Ra mắt vào cuối tháng 1.2020, Next In Fashion là chương trình truyền hình thực tế về thời trang đầu tiên trên Netflix. Dưới sự dẫn dắt của 2 nhà thiết kế Alexa Chung và Tan France, 18 thí sinh là các nhà thiết kế trẻ lần lượt thực hiện các thử thách để tạo ra bộ sưu tập phù hợp với xu hướng thời trang thế giới và nổi bật được phong cách cá nhân. Tương tự, ngày 27.3, Prime Video của Amazon trình làng Making The Cut với format 12 nhà thiết kế tham gia tranh tài. Quibi, một nền tảng video di động dạng ngắn của Mỹ dự kiến ra mắt vào ngày 6.4 tới, cũng đang gấp rút hoàn thiện các chương trình về thời trang như Potty Talk, Fashion Is A Brake.
Next In Fashion - chương trình truyền hình thực tế về thời trang đầu tiên trên Netflix.
Có thể nói, việc sản xuất các chương trình thực tế về thời trang như trên là không mới. Trên thế giới không hiếm các chương trình gây được tiếng vang như Next Top Model, The Face, Project Runway… Tuy nhiên, những chương trình này đều do các đài truyền hình phối hợp với các thương hiệu, nhà tổ chức và được phát trên sóng truyền hình truyền thống. Khi xu hướng của người xem dần thay đổi, lẽ dĩ nhiên, những chương trình đó sẽ được các dịch vụ trực tuyến khai thác, biến hóa và triển khai. Và sự nảy nở của chúng vô hình trung đã mở ra kênh kết nối và phân phối mới giữa thời trang và người tiêu dùng.
Mặt khác, việc các “ông lớn” trực tuyến sản xuất nội dung liên quan đến thời trang là cơ hội để nhà thiết kế, người mẫu, người nổi tiếng trong giới có thể kết nối gần hơn với công chúng. Các kênh giải trí trực tuyến đương nhiên nhận ra điều này và không dừng lại ở việc sản xuất các chương trình tương tự truyền hình thực tế. Tháng 9 năm ngoái, Amazon Prime đã bắt đầu thử khai thác buổi ghi hình và phát trực tiếp show diễn Savage X Fenty của ngôi sao Rihanna trong khuôn khổ New York Fashion Week.
Amazon Prime phát trực tiếp chương trình Savage X Fenty của ca sĩ Rihanna.
“Việc ghi hình, chia sẻ quá trình lên ý tưởng cho đến lúc sản xuất trong xưởng, tổ chức show diễn, áp lực của ngành thời trang... luôn có sức hút đối với người xem, trong đó có những người làm công việc thiết kế”, nhà thiết kế Hải Minh, sáng lập thương hiệu Leinné, nhận định.
Style Coach (nhà tư vấn về phong cách) Bùi Việt Hà khẳng định: “Sự phát triển về quy mô cũng như mật độ của các chương trình thực tế về thời trang là cơ hội rất tốt và là động lực cho các thương hiệu mới xuất hiện. Nó mở ra cho họ cơ hội tiếp cận rộng rãi người tiêu dùng. Phía người xem cũng hình dung được sự phát triển thực sự của ngành công nghiệp này”.
Theo thống kê từ Wall Street Journal, lĩnh vực trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong tương lai gần với 167 triệu thuê bao trên Netflix, 150 triệu thuê bao trên Amazon nên việc các nền tảng này đầu tư vào các chương trình thời trang là xu thế tất yếu.
Thương mại hóa chương trình thực tế
Tính thương mại luôn được đặt lên hàng đầu là điểm khác biệt lớn nhất giữa các chương trình truyền hình thực tế về thời trang truyền thống và các chương trình trên nền tảng trực tuyến, thu hút đông đảo nhà thiết kế tham gia. Với Making The Cut, sau mỗi tập phát sóng, các bộ sưu tập chiến thắng sẽ được sản xuất và đưa lên hệ thống bán hàng của Amazon. Thí sinh chiến thắng ngoài 1 triệu USD đầu tư phát triển thương hiệu, còn được xây dựng kênh bán lẻ độc quyền trên Amazon. Netflix thông qua quan hệ đối tác với nhà bán lẻ thời trang trực tuyến lớn nhất Ý là Net-a-porter mang đến cơ hội chào bán bộ sưu tập cho thí sinh chương trình Next In Fashion bên cạnh giải thưởng 250.000 USD.
“Thông qua các chương trình thực tế như thế, các nhãn hàng có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư và tạo ra mạng lưới rộng lớn để tiếp thị sản phẩm ra toàn cầu”, Alison Bringé, Giám đốc Tiếp thị và Nghiên cứu phát triển thương hiệu của Công ty Launchmetrics, cho biết. Tuy nhiên, đặt vào bối cảnh Việt Nam, Style Coach Bùi Việt Hà cho rằng, nếu xét về cơ hội cho các nhà thiết kế Việt thì còn khá mới mẻ và lạ lẫm. “Thực tế, công nghiệp thời trang ở Việt Nam còn rất non trẻ và quá nhỏ để có thể đạt được mức độ kỹ năng như trên các show thực tế đó”.
Nhà thiết kế Hải Minh nêu ví dụ cụ thể: “Chẳng hạn, nếu quay hậu trường một show diễn thời trang ở Việt Nam thì sẽ chẳng có gì hấp dẫn bằng hậu trường một show diễn thời trang của Dior hay Chanel ở Pháp, Anh, Mỹ hay Ý. Cần phải tìm ra được thứ gì đó ở Việt Nam có mà thế giới không có, thứ gì thương hiệu của bạn có mà thương hiệu khác thì không”.
Cho nên, dù đang là xu hướng trên thế giới, mang đến nhiều cơ hội và hiệu quả về mặt thương mại, tiếp thị sản phẩm cho những nhà thiết kế trẻ, thương hiệu lâu đời nhưng có lẽ còn lâu lắm, các nền tảng này mới đầu tư một chương trình thực tế về thời trang cho riêng Việt Nam. Điều này cũng tương tự việc Netflix liên tục rót tiền cho các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật, Malaysia, Thái Lan… sản xuất những bộ phim đậm hơi thở địa phương, trong khi thị trường Việt Nam vẫn đứng im dù đã bước qua thập niên mới.
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư