Nếu thương vụ với Taisho Pharmaceutical thành công, Dược Hậu Giang sẽ là cái tên tiếp theo trong số những "đại gia" ngành dược phẩm của Việt Nam bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.
Chỉ trong thời gian hơn 1 tuần, “đại gia” dược phẩm Nhật Bản Taisho Pharmaceutical đã có 2 lần công bố mua thêm cổ phần của Dược Hậu Giang (mã CK: DHG).
Theo kế hoạch công bố ngày 28/2, doanh nghiệp Nhật này sẽ mua thêm 28,36 triệu cổ phiếu (tương đương 21,7%) cổ phần của Dược Hậu Giang. Kế hoạch này được đưa ra chỉ một tuần sau khi hãng hoàn tất mua 925.200 cổ phiếu DHG (khoảng 0,7%).
Mức giá dự kiến Taisho đưa ra mua mỗi cổ phần DHG lần này là 120.000 đồng. Như vậy đại gia Nhật dự chi khoảng 3.400 tỷ đồng để mua thêm 21,7% cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên 56,69%, qua đó nắm quyền kiẻm soát Dược Hậu Giang.
Trước đó, tháng 10/2018 đại gia này đã mua thành công 44,8 triệu cổ phiếu để nắm sở hữu 34,3% vốn điều lệ Dược Hậu Giang.
Taisho bắt đầu rót vốn vào Dược Hậu Giang từ tháng 5/2016 với tỷ lệ 24,5% vốn sở hữu. Vài năm gần đây đại gia dược của Nhật liên tục gom mua cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp dược phẩm lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thương vụ chào mua thêm 21,7% cổ phần hoàn tất trong tháng 4/2019 sẽ biến Taisho thành cổ đông lớn nhất của Dược Hậu Giang.
Ngay khi trần sở hữu nước ngoài của Dược Hậu Giang được phê duyệt nới lên 100% vào ngày 4/7/2018, Taisho liên tiếp ra thông báo mua cổ phiếu DHG. Nếu không có gì thay đổi, thương vụ chào mua thêm 21,7% cổ phần hoàn tất trong tháng 4/2019 sẽ biến Taisho thành cổ đông lớn nhất của Dược Hậu Giang.
Nếu thương vụ này thành công, Dược Hậu Giang sẽ là cái tên tiếp theo trong số những "đại gia" ngành dược phẩm của Việt Nam bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.
Gần nhất, câu chuyện tương tự đã diễn ra tại Domesco khi công ty con thuộc tập đoàn Abbott đã nâng sở hữu lên 51% với tư cách là cổ đông chiến lược. Ngoài ra, tập đoàn Abbott còn mạnh tay mua lại công ty dược phẩm Glomed – một công ty sản xuất dược phẩm tại Việt Nam vào năm 2016.
Hay Pymepharco (PME) gần đây cũng được chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% và cho phép Stada Service Holding B.V tăng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 72%, hiện đơn vị này đang nắm giữ PME với tỷ lệ 49%.
Trong thời gian tới, Imexpharm (IMP) và Traphaco (TRA) được cho là 2 cái tên tiềm năng tiếp theo trong thương vụ M&A. Tính đến hiện tại, tổng sở hữu nước ngoài tại IMP và TRA lần lượt là 47,8% và 47,1%.
Traphaco và Imexpharm được cho là 2 cái tên tiềm năng tiếp theo trong thương vụ M&A.
Tại Traphaco, hãng dược Daewon đang sở hữu 15% và công ty quản lý quỹ Mirae Asset đang nắm 25% cổ phần. Cả 2 nhà đầu tư Hàn Quốc cùng mua lại số cổ phần này từ Mekong Capital và một số nhà đầu tư khách cách đây 1 năm.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, dược phẩm được xem là nhóm ngành "phòng thủ", ít chịu tác động chung của thị trường. Bản thân ngành dược cũng mang nhiều yếu tố đặc thù, với những tiêu chuẩn khắt khe về mặt công nghệ, rào cản gia nhập ngành cao. Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, lĩnh vực ít được nhà đầu tư chú ý này lại âm thầm diễn ra những thương vụ thâu tóm lớn.
Trên thực tế, làn sóng M&A ngành dược vẫn luôn âm thầm diễn ra, đặc biệt Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực đã tạo động lực làm con sóng trở nên mãnh liệt vào giai đoạn 2016-2017, khi nghị định quy định về các doanh nghiệp đại chúng có thể nới room ngoại lên 100% thay vì con số 49% như trước đó.
Theo Business Monitor International, thị trường dược phẩm Việt Nam dự báo sẽ vượt 7 tỷ USD vào năm 2020. Với quy mô dân số trên 93 triệu người, Việt Nam đang thúc đẩy nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất thuốc trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu (chiếm hơn 50%) và hạ giá thành sản phẩm.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Mặt trái của các thương vụ M&A Việt
- M&A và những sách lược để giữ thương hiệu
- M&A đừng quên marketing
* Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp