Công ty tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao Robert Walters (Anh) vừa công bố kết quả khảo sát lương thường niên với những phân tích và dự đoán về xu hướng nhân sự trung, cao cấp trong năm 2019 tập trung cho thị trường Việt Nam.

Nhìn lại xu hướng nhân sự năm 2018

Năm 2018, các lĩnh vực sản xuất và kỹ thuật của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp tham gia vào sân chơi này. Sự ra đời của hãng sản xuất ôtô nội địa đầu tiên của Việt Nam đã tạo ra khối lượng lớn việc làm trong các lĩnh vực liên quan như sản xuất thiết bị và linh kiện.

Công nghệ cũng là một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng khi Việt Nam nổi lên như một trung tâm công nghệ mới của khu vực và thậm chí còn được ví như “Thung lũng Silicon của châu Á”. Một số lượng lớn các công ty startup từ châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ đã gia nhập thị trường, thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm nhân sự cấp cao trong lĩnh vực này.

Nhân sự trong lĩnh vực bán hàng và tiếp thị, đặc biệt trong ngành xây dựng hoặc các ngành liên quan cũng được tích cực săn đón. Về cơ bản, hầu hết các vị trí trong ngành này tiếp tục được mở rộng nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp bất động sản thực hiện các dự án lớn tại TP. Hồ Chí Minh.

p4

Ảnh: mobilebusinessinsights.

Xu hướng năm 2019 và dự đoán cho từng ngành

Khảo sát cũng cho thấy sự ổn định của thị trường Việt Nam trong năm 2019 sẽ dẫn đến nhu cầu ngày càng lớn hơn đối với nhân sự cấp cao có kinh nghiệm trong việc ổn định và dẫn dắt doanh nghiệp hướng đến những mục tiêu phát triển xa hơn.

Trước sự thiếu hụt nhân sự có chuyên môn và kỹ năng cần thiết, chiến dịch “Come Home Phở Good” được Robert Waters triển khai dành riêng cho thị trường Việt Nam nhằm thu hút các nhân tài người Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài quay trở về làm việc cho các tập đoàn tại Việt Nam.

Kế toán, Tài chính

Ngoài chứng chỉ của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) và chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán (CPA) với tối thiểu ba năm kinh nghiệm, nhà tuyển dụng còn đưa ra những tiêu chí khác: kinh nghiệm về kiểm soát tài chính, khả năng giao tiếp tốt và làm việc linh hoạt với các phòng ban khác trong doanh nghiệp. Năm 2019 có nhiều doanh nghiệp có định hướng phát triển ra toàn cầu. Do đó, nhu cầu tuyển dụng quản lý cấp cao về tài chính và kế toán với kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế tiếp tục duy trì ở mức cao, đặc biệt trong các ngành hàng sản xuất, FMCG, xây dựng và công nghệ. Nhân sự kế toán và tài chính được dự đoán với mức tăng lương ổn định 15 – 25% nếu nhảy việc.

Nhân sự

Với ngành giáo dục đang ngày càng phát triển và sự phục hồi của ngành bất động sản, nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm các ứng viên chứng tỏ được khả năng lãnh đạo và thực hiện chiến lược nhân sự bổ trợ tốt cho các mục tiêu kinh doanh. Các chuyên gia nhân sự khi chuyển việc có thể nhận được mức tăng lương từ 20 – 30% trong năm 2019.

P5

Ảnh: crystalprodesigns.

Pháp lý và Quản trị doanh nghiệp

Nhu cầu tuyển dụng được dự báo vẫn ở mức cao trong năm 2019 nhưng sự thiếu hụt luật sư chuyên về thương mại và giao dịch có hơn năm năm kinh nghiệm hành nghề (PQE), dẫn đến các công ty tư nhân cung cấp dịch vụ pháp lý và bộ phận pháp lý nội bộ của các công ty đều sẽ gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân sự. Tùy thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm, các chuyên gia về pháp lý và đảm bảo tuân thủ luật tại doanh nghiệp có thể mong đợi mức tăng 20 – 25% khi chuyển việc.

Bán hàng và Tiếp thị

1. Ngành hàng tiêu dùng, số hóa và công nghệ thông tin

Mảng công nghệ thông tin và fintech là hai lĩnh vực với nhu cầu tuyển dụng quy mô lớn và dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2019. Vị trí tiếp thị bán hàng được mở ra khi các công ty điện tử tiêu dùng bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển nhận diện sản phẩm nhằm tăng doanh số. Có thể mong đợi mức tăng lương 15 – 25% khi chuyển việc, các vị trí lãnh đạo cấp cao có thể mong đợi mức tăng cao hơn 25%.

2. Y tế, chăm sóc sức khỏe

Thị trường tuyển dụng ngành y tế, chăm sóc sức khỏe và ngành dược gặp khá nhiều khó khăn trong năm 2018 vì chính sách hạn chế những doanh nghiệp nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Bộ Y tế đã có những động thái nhằm thúc đẩy tăng trưởng tỷ trọng ngành dược nội địa lên đến 80% tính đến năm 2020. Mức lương dự kiến sẽ tăng không đáng kể, khoảng 10% vào năm 2019.

P6

Ảnh: personneltoday.

3. Công nghiệp

Khi nền kinh tế trong nước tiếp tục phát triển với các hoạt động sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng trên tất cả các lĩnh vực như hóa chất, máy móc trang thiết bị và xây dựng vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2019. Hoạt động đầu tư mạnh mẽ trong các ngành như F&B, điện tử, sản xuất ôtô được dự đoán sẽ thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Các công ty trong các ngành đặc thù như thức ăn chăn nuôi, hóa chất và máy móc sẽ gặp nhiều khó khăn trước sự thiết hụt các ứng viên có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu về chuyên môn.

Với thị trường dự kiến khan hiếm nhân sự trong năm 2019, các ứng cử viên có thể mong đợi mức tăng lương 15 – 25% khi chuyển công ty. Trong một số trường hợp, nhân sự trong các ngành đòi hỏi kinh nghiệm đặc thù như thức ăn chăn nuôi và hóa chất thậm chí có thể đạt được mức tăng 30 – 40%.

Ngoài ra, chuỗi cung ứng, mua hàng và kỹ thuật sẽ tăng nhu cầu trong ngành công nghiệp ôtô hay sự phát triển của các công ty công nghệ đã thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng đối với các chuyên gia cấp cao (full-stack, front-end, Node. js, Python, Ruby, Java), thiết kế kỹ thuật, quản lý sản phẩm, chuyên viên thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng (UX/UI developers). Đồng thời, sự phát triển của dữ liệu lớn (big data), học máy (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng đối với các vị trí như giám đốc dữ liệu (chief data offciers), kỹ sư dữ liệu (data engineers) và chuyên gia phân tích dữ liệu (data analysts). Nhân sự trong mảng này khi chuyển việc có thể mong đợi mức tăng lương 20 – 30%. Đặc biệt, các chuyên viên giàu kinh nghiệm có thể thỏa thuận được mức tăng lương lên đến 50%.

* Nguồn: Doanh Nhân+

Pin It
Theodore Levitt

"Không có cái ngành kinh doanh nào gọi là ngành dịch vụ cả. Chỉ có những ngành mà phần dịch vụ đóng góp nhiều hơn hay kém hơn các ngành khác. Mọi người đều làm dịch vụ"

User Menu