Bản báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết doanh thu thương mại điện tử tiêu dùng nhanh sẽ đạt 400 tỉ đô la vào năm 2020, mở ra một viễn cảnh khá sáng sủa cho hoạt động bán lẻ trực tuyến trên toàn cầu.
Trong khi đó, ở Việt Nam, Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Sendo.vn) cũng vừa công bố việc nhận được khoản đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ từ nhóm các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Một cuộc nghiên cứu thương mại điện tử của Nielsen trên 30 quốc gia cho thấy, doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến đang tăng gấp năm lần doanh số bán hàng tại các cửa hàng và đến năm 2020, thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) toàn cầu sẽ có doanh thu hơn 400 tỉ đô la Mỹ. Cụ thể, doanh số bán hàng từ kênh thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ chiếm 10-12% tổng thị phần của ngành hàng này.
Sự tiện lợi thúc đẩy tiêu dùng
Bản nghiên cứu của Nielsen đã chỉ ra rằng, người tiêu dùng trên toàn thế giới đang có nhu cầu cấp thiết về các giải pháp tiện lợi để có thể giúp đơn giản hóa cuộc sống của họ. Trong nhịp sống ngày càng bận rộn, khả năng kết nối ngày càng tăng của các thiết bị di động đang đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Bản báo cáo từ Nielsen cho thấy, hơn 1/4 số người tiêu dùng tham gia cuộc phỏng vấn trên toàn cầu nói rằng họ tìm kiếm sản phẩm giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn (27%) và thuận tiện để sử dụng (26%), trong khi khoảng 1/5 số người tiêu dùng đang tìm kiếm các sản phẩm phù hợp cho hộ gia đình nhỏ (20%) và được điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể (19%).
Thương mại điện tử đang gây sức ép to lớn đến ngành bán lẻ truyền thống, buộc ngành này phải có những sự cải tiến và đổi mới mạnh mẽ.
Mặc dù nhu cầu về sự tiện lợi thay đổi theo từng khu vực, song theo Nielsen, có sáu yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về sự tiện lợi trên toàn cầu. Đó là đô thị hóa; quy mô hộ gia đình bị thu nhỏ lại; giao thông ở các đô thị trở nên đông đúc; sự chuyển dịch vai trò nam và nữ trong xã hội; nhu cầu của mỗi thế hệ khác nhau và sự lan rộng của công nghệ. “Những động lực thúc đẩy tính tiện ích, và nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm và giải pháp có thể giúp đơn giản hóa cuộc sống, đang có tác động vô kể đến các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng nhanh, một ngành phụ thuộc rất nhiều vào người tiêu dùng. Những sự lựa chọn sản phẩm tạp hóa và sản phẩm đóng gói của người tiêu dùng được củng cố bởi trải nghiệm của họ trong ba lĩnh vực: mua sắm, tiêu dùng và sự cam kết của thương hiệu”, Nielsen nhận định.
Nhu cầu về sự tiện lợi đã làm phát sinh một loạt các sản phẩm đơn giản hóa cuộc sống như các giải pháp bữa ăn chế biến sẵn và những bữa ăn nhanh, các dịch vụ giao hàng tận nhà hoặc văn phòng và các dịch vụ giao hàng theo yêu cầu. Theo đó, một phần ba (33%) số người tiêu dùng toàn cầu sử dụng dịch vụ giao đồ ăn của các nhà cung cấp hoặc nhà hàng (11% sử dụng ít nhất một lần một tuần). Các bữa ăn nhanh được cung cấp từ các hàng quán, các cửa hàng thức ăn nhanh và các tiệm ăn cũng đang gia tăng, với 57% số người tiêu dùng trên toàn cầu đã đến trong những nơi này trong sáu tháng qua. Bữa trưa và bữa tối là những bữa ăn có nhiều khả năng được thay thế bằng các lựa chọn ăn uống bên ngoài, với 39% người tiêu dùng toàn cầu chọn ăn ngoài hàng tuần. “Sự lựa chọn này giống như 48% số người tiêu dùng ở châu Á - Thái Bình Dương và 47% ở Bắc Mỹ mua các bữa ăn nhanh tiện lợi trên đường đi. Với người tiêu dùng Việt Nam, 56% trong số họ sử dụng các giải pháp bữa ăn nhanh bên ngoài cho bữa sáng thay vì ăn ở nhà”, Nielsen cho biết.
Sức ép lớn từ thương mại điện tử đến bán lẻ
Ở Mỹ, năm 2017, có hơn 7.000 cửa hàng bán lẻ tuyên bố đóng cửa. Lý do là doanh số sụt giảm và chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thương mại điện tử.
Xứ sở sương mù đang chứng kiến làn sóng thương mại điện tử lên ngôi, biểu hiện rõ nhất là trong 3 tháng liên tiếp gần đây, hàng loạt các thương hiệu lâu đời tuyên bố đóng bớt các cửa hàng bán lẻ.
Ngày 8-8 vừa qua, Homebase, chuỗi cửa hàng bán những thứ cần thiết cho gia đình từ đất trồng cây, dụng cụ làm vườn cho đến đồ gỗ, dụng cụ sửa chữa trong nhà, đồ điện gia dụng… đã tuyên bố sẽ đóng 60 trong tổng số 250 cửa hàng bán lẻ vào tuần tới. Homebase hiện có 11.500 nhân viên, việc đóng cửa gần 1/4 số cửa hàng bán lẻ sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của 1.500 người trong số đó. Hãng cho biết nội dung thỏa thuận về quyền lợi của người lao động đã được hai bên thống nhất.
Trong khi đó, vào tháng 7, House of Fraser, chuỗi cửa hàng bách hóa 169 tuổi chuyên bán hàng trung và cao cấp, cũng tuyên bố sẽ đóng 31/59 cửa hàng bán lẻ của mình trên toàn Anh. Khoảng 6.000 nhân viên sẽ bị mất việc bởi quyết định này. Trong số các cửa hàng mà House of Fraser đóng cửa có cả những cửa hàng nằm trên phố mua sắm chính của thủ đô London như cửa hàng tại phố Oxford. House of Fraser cho biết đây là một quyết định “vô cùng khó khăn”, nhưng họ phải làm vì tương lai của thương hiệu.
Nhiều thương hiệu lớn khác như Mothercare và Carpetright cũng buộc phải đóng bớt một số cửa hàng bán lẻ để tồn tại trong bối cảnh niềm tin người tiêu dùng giảm sút, tiền lương cho nhân viên tăng, đồng bảng Anh mất giá và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, ngày càng nhiều người mua hàng trên mạng thay vì đến tận cửa hàng mua như cách truyền thống.
Ở Mỹ, theo số liệu từ Fung Global Retail & Technology, năm 2017, có hơn 7.000 cửa hàng bán lẻ tuyên bố đóng cửa. Lý do là doanh số sụt giảm và chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thương mại điện tử, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Kmart, Sears, JCPenney, Gap, Banana Republic, Teavana, Michael Kors, Bebe, The Limited, và Staples. Con số này vượt qua mức kỷ lục 6.163 cửa hàng đóng cửa trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Từ những siêu thị vùng nông thôn cho tới trung tâm thương mại lớn tại New York, các điểm bán lẻ truyền thống trên khắp nước Mỹ đang trải qua những năm tồi tệ mà được nhiều nhà phân tích gọi là “tận thế của các cửa hàng bán lẻ truyền thống”.
Vào tháng 7, House of Fraser tuyên bố sẽ đóng 31/59 cửa hàng bán lẻ trên toàn Anh.
Các nhà phân tích dự báo trong năm 2018 sẽ có thêm 3.800 cửa hàng đóng cửa. Theo một báo cáo của Credit Suisse, khoảng 20-25% cửa hàng bán lẻ Mỹ sẽ phải đóng cửa trong vòng 5 năm tới. Còn số liệu từ BankruptcyData.com cho biết, tính đến tháng 6-2017, có hơn 300 hãng bán lẻ tuyên bố phá sản. Nguyên nhân được nhận định do sự trỗi dậy của thương mại điện tử, thực trạng quá nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hay sự trở lại của các nhà hàng… Tất cả những điều này đang làm thay đổi bộ mặt của ngành bán lẻ truyền thống Mỹ. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất phải kể đến Amazon – đế chế thương mại điện tử đang thâu tóm thị phần bán lẻ ngày càng lớn.
Từ năm 2010 đến 2016, doanh thu tại Bắc Mỹ của Amazon đã tăng gấp năm lần, từ 16 tỉ đô la Mỹ lên 80 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, doanh thu năm 2016 của chuỗi gần 600 cửa hàng Sears chỉ là khoảng 22 tỉ đô la. Điều này có nghĩa là trong sáu năm, Amazon đã phát triển bằng ba lần Sears. Thậm chí, theo một số báo cáo, có tới 50% số hộ gia đình Mỹ hiện có đăng ký dịch vụ trả phí Amazon Prime. Chưa kể, mua sắm qua thiết bị di động đang ngày càng phát triển mạnh mẽ nhờ sự xuất hiện của hàng loạt dịch vụ thanh toán qua di động. Từ năm 2010, chi tiêu mua sắm qua di động đã tăng từ 2% lên 20%.
Xét đến nguyên nhân kế tiếp, Mỹ đang ngập trong các cửa hàng bán lẻ, với khoảng 1.200 trung tâm thương mại. Trong khi đó, chỉ một thập kỷ trước thôi, con số này ở khoảng 900. Từ năm 1970 đến 2015, số trung tâm thương mại tại Mỹ tăng nhanh gấp đôi so với dân số nước này, theo các nhà phân tích của Cowen & Company.
75% người tiêu dùng toàn cầu cho biết họ được tự do kết nối mọi lúc, mọi nơi và tỷ lệ kết nối này cung cấp nhiều điểm chạm cho các công ty tiêu dùng nhanh.
Diện tích cho thuê tại trung tâm thương mại trên đầu người của Mỹ nhiều hơn 40% so với Canada, gấp năm lần Anh. Do vậy, không ngạc nhiên khi khủng hoảng kinh tế đã khiến lượng người tới mua sắm tại các trung tâm thương mại giảm 50%, từ 2010-2013, theo hãng nghiên cứu bất động sản Cushman & Wakefield, và tiếp tục giảm hàng năm từ đó đến nay.
Tương lai cho ngành bán lẻ hiện đại
Ngay chính các hãng thương mại điện tử cũng đang phải cạnh tranh với các loại dịch vụ và mô hình giá cả mới.
Một trang web thương mại điện tử phải biết rõ về người mua sắm hơn bất kỳ trợ lý mua sắm nào, cho phép đưa ra những gợi ý riêng tư cho khách hàng của mình. Giờ đây, khách hàng mua sắm trực tuyến có thể dễ dàng so sánh giá của các hãng bán lẻ. Ngoài ra, bên bán hàng cũng có thể tăng, giảm giá một cách nhanh chóng nhờ công cụ trí tuệ nhân tạo để theo kịp các đối thủ.
Khách hàng sẽ vẫn mua một số loại hàng hóa như thực phẩm, trang thiết bị nhà bếp, thiết bi và vật liệu xây dựng… tại các cửa hàng. Nhưng nhiều cửa hàng sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc theo chân khách hàng lên thế giới mạng, mở dịch vụ bán hàng trực tuyến của riêng mình, trong khi vẫn phải duy trì các cửa hàng truyền thống. Trong ngắn hạn, việc này sẽ khiến các vấn đề của họ thêm trầm trọng. Xây dựng mô hình thương mại điện tử bên cạnh mô hình truyền thống vô cùng tốn kém. Họ cũng phải tạo ra các trang web và giao hàng tới từng khách hàng, thay vì để họ phải tới cửa hàng để lấy.
Một khi các phương tiện tự động trở nên rẻ, an toàn và nhiều hơn, các công ty bán lẻ và vận tải có thể sẽ mua hàng triệu chiếc. Và khi đó, những chiếc xe tự lái có thể là những cửa hàng. Xe tự lái sẽ biến các cửa hàng bán lẻ trở nên lỗi thời ở một số khu vực. Những chiếc xe tự lái chứa đầy hàng hoá có thể đi lại trên các vùng ngoại ô cả ngày lẫn đêm, và sẵn sàng dừng trước cửa nhà của bất kỳ khách hàng nào đã đặt hàng qua ứng dụng di động. Mô hình này mang lại trải nghiệm tiện dụng mới mẻ và giải quyết vấn đề tắc đường, khiến các công ty ngày càng rút khỏi các trung tâm thương mại hay đóng cửa hàng bán lẻ truyền thống của mình.
Xe tự lái sẽ biến các cửa hàng bán lẻ trở nên lỗi thời ở một số khu vực.
Trên thực tế, sự trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng toàn cầu được thúc đẩy bởi các kênh bán lẻ, thương mại điện tử và các kênh bán hàng đa kênh. Cùng với đó, thiết bị di động và nền tảng kỹ thuật số cũng đang nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng, và chuyển đổi cam kết thương hiệu hướng đến người tiêu dùng. Ba phần tư (75%) người tiêu dùng toàn cầu cho biết họ được tự do kết nối mọi lúc, mọi nơi và tỷ lệ kết nối này cung cấp nhiều điểm chạm cho các công ty tiêu dùng nhanh để tương tác với người tiêu dùng và tận dụng việc nội địa hóa để cải thiện mức độ tương tác thông qua các giải pháp cá nhân hóa và xác thực hóa.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, sự thuận tiện có nghĩa là những sản phẩm khác nhau có thể đáp ứng được nhu cầu của những khách hàng khác nhau trên toàn thế giới, tùy thuộc vào hoàn cảnh, văn hóa, địa điểm, tính phát triển của thị trường và khả năng tiếp cận công nghệ. Đây cũng là những yếu tố có ảnh hưởng quan trọng thúc đẩy nhu cầu cho các công ty tiêu dùng nhanh có thể đưa ra các giải pháp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sự tiện lợi. “Điều quan trọng không kém là việc áp dụng công nghệ ở khắp mọi nơi đang cung cấp một kho dữ liệu người tiêu dùng ngày càng tăng, cho phép việc tùy biến lớn hơn.
Những nhà cung ứng tiêu dùng nhanh cần thích nghi với hoàn cảnh và cung cấp trải nghiệm mua sắm tích hợp cho phép người tiêu dùng tự do lựa chọn các giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ nhiều hơn”, bà Quỳnh cho biết.
* Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn