Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ ở Việt Nam năm 2017 được dự báo đạt khoảng 2,08 tỉ USD.
Ngay sau khi Lazada Việt Nam lần đầu công bố chỉ số GMV (Gross Merchandise Value - giá trị các sản phẩm được bán ra, dùng để đánh giá tốc độ tăng trưởng đối với các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến) ở thị trường Việt Nam, Tiki.vn cũng xác nhận chỉ số GMV, đồng thời phát đi thông điệp cuộc đua thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn chưa ngã ngũ.
Có thể nói, với 30% doanh thu thị trường thương mại điện tử trong nước, Lazada Việt Nam vẫn dẫn đầu ở nhóm Marketplace (nơi doanh nghiệp vừa cung cấp sàn cho các doanh nghiệp khác tham gia, vừa bán hàng của họ). Mới đây, chỉ số GMV của Lazada đạt được là hơn 120 tỉ đồng vào ngày đầu tiên của chương trình Cách mạng mua sắm 2016.
Con số này của Tiki.vn cũng đạt hơn 100 tỉ đồng. Như vậy, sau sự ra đi của Lingo.vn, Cdiscount.vn và trước đó là Deca.vn... trong khi Adayroi.vn của Vingroup vẫn chưa tạo được đột phá, Lotte.vn vẫn còn là ẩn số, Tiki.vn đang là cái tên gây chú ý nhất trong nhóm B2C (nơi doanh nghiệp nhập hàng có thương hiệu về kinh doanh trực tiếp). Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, Giám đốc Điều hành Tiki.vn, nếu như năm 2014, 70% doanh thu của Tiki.vn đến từ sách thì hiện nay chỉ là 30%, số còn lại đến từ các ngành hàng khác. Lượng đơn hàng của Tiki.vn là 15.000-20.000 đơn/ngày.
Cũng phải nhắc đến nhóm C2C hay còn gọi là rao vặt trực tuyến, dù không có doanh nghiệp nào công bố chỉ số GMV nhưng thời gian qua đã có nhiều gương mặt mới xuất hiện trong nhóm này. Hiện chotot.vn của 701 Search, liên doanh giữa Singapore Press Holdings Limited, Tập đoàn Truyền thông Schibsted ASA và Tập đoàn Viễn thông Telenor, vẫn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất.
Tuy nhiên, thương mại điện tử ở Việt Nam là bài toán niềm tin và giao hàng, việc kết nối thông tin dường như chưa đủ, một số doanh nghiệp đã kết nối thêm các bên thứ 3 như giao nhận thanh toán... Nhóm này được định nghĩa là nhóm cung cấp nền tảng thương mại điện tử.
Sendo.vn của FPT là một điển hình và mới đây Zalo của VNG cũng bắt đầu gia nhập thị trường này. Ngoài ra, thị trường còn chú ý tới tân binh Shopee, một công ty Singapore được Garena đầu tư có phạm vi hoạt động ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Vận hành kiêm Tài chính của Shopee, cho biết, Việt Nam đang là một trong những thị trường quan trọng của Công ty. Sau gần 2 năm ở Việt Nam, đơn vị này hiện có hơn 2 triệu lượt tải về với hơn 10.000 đơn hàng/ngày, tốc độ tăng trưởng người sử dụng và đơn hàng khoảng 20% mỗi tháng.
Giới chuyên môn cho rằng nguồn thu của các công ty thương mại điện tử đến từ quảng cáo, hoa hồng từ các đơn hàng thành công hoặc cung cấp dịch vụ cộng thêm như phần mềm hỗ trợ quản lý bán hàng, các chương trình tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến... Tuy nhiên, nguồn thu này không bù đủ chi phí quảng cáo và vận hành, dù rằng Công ty Nghiên cứu Thị trường eMarketer dự báo doanh thu thương mại điện tử bán lẻ ở Việt Nam năm 2017 đạt khoảng 2,08 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm.
Do đó, không ít công ty thương mại điện tử hiện vẫn đang chịu lỗ để giành thị phần và thị trường đang được dẫn dắt bởi các quỹ đầu tư có nguồn tài chính dồi dào đứng đằng sau. Kể từ khi Lazada Group được Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) mua lại từ Rocket Internet, vốn và kinh nghiệm phát triển thị trường đã không còn là điều mà Lazada Group quá bận tâm.
Theo ông Alexandre Dardy, Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam, trong năm 2017, Công ty sẽ tập trung vào việc thu hút thêm nhiều thương hiệu tham gia kinh doanh. Kế hoạch đề ra là thu hút 10.000 doanh nghiệp tham gia, tăng hơn 3 lần so với hiện nay. Công ty dự kiến xây dựng kho ở Đà Nẵng. Hiện Lazada Việt Nam sở hữu kho ở Hà Nội và 2 kho ở TP.HCM. Mục tiêu của Lazada Việt Nam rất rõ ràng là tăng tổng giá trị giao dịch trong thời gian tới để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp truyền thống tham gia.
Ông Alexandre thừa nhận thương mại điện tử Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư dù đã xác định ngôi vương tạm thời là Lazada Việt Nam. Dự đoán năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam sẽ chiếm 4,7% doanh thu bán lẻ truyền thống, tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 30% mỗi năm.
Với các khoản đầu tư lớn, Tiki.vn đang trở thành một kênh thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Ảnh: tiki.vn
Trái ngược với Lazada Việt Nam, Tiki.vn đại diện cho trường phái chú trọng vào phát triển bền vững, khi đưa ra khá nhiều thông số về quy trình vận hành bên cạnh chỉ số GMV. Ông Sơn cho biết hiện tỉ lệ chi phí tiếp thị trên doanh thu của Tiki.vn là một con số, tỉ lệ hủy đơn hàng trên tổng đơn đặt hàng là 1%. Sau khi được VNG đầu tư, lợi ích trước mắt từ việc tích hợp hệ sinh thái của 2 công ty là tổng số người thanh toán trực tuyến đã tăng lên đáng kể.
“Chi phí Tiki.vn bỏ ra ít hơn để có được một khách hàng. Tỉ lệ khách hàng quay lại Tiki.vn gần 50%”, ông Sơn cho biết. Trong năm 2017, Tiki.vn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào Fulfillment (doanh nghiệp gửi hàng vào kho và Tiki.vn sẽ lo phần tiếp thị, bán hàng), thời gian giao hàng trung bình là 2,8 ngày. Hiện Công ty có 2 kho ở TP.HCM và Hà Nội với tổng diện tích là 10.000m2 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi diện tích trong năm sau.
Có thể thấy dù theo 2 trường phái, 2 nhóm doanh nghiệp khác nhau nhưng Lazada.vn và Tiki.vn đều tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp bán hàng và củng cố niềm tin từ phía khách hàng khi mua sắm trực tuyến. Đây là mẫu số chung của các công ty kinh doanh thương mại điện tử ở Việt Nam trong thời gian tới.
Điều này cũng lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc chơi trong thời gian qua. Bởi vì, nhóm này không có tiềm lực tài chính đủ mạnh để đạt được tổng giá trị giao dịch hấp dẫn như Lazada.vn, trong khi việc xây dựng nền tảng vững chắc thì đã chậm chân so với Tiki.vn.
Rõ ràng, cả Lazada Việt Nam và Tiki.vn đang tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp mới tham gia. Không những vậy, cả 2 còn tạo ra áp lực cho nhóm C2C như Chotot, Sendo, Zalo hay Shopee trong việc giải bài toán niềm tin và nhu cầu của khách hàng. Một trong những điểm còn hạn chế của nhóm này là thiếu kho bãi, do đó sẽ không kiểm soát được lượng hàng tồn kho hay chất lượng sản phẩm. Từng là điểm mạnh của nhóm rao vặt vì giảm thiểu khá nhiều chi phí ban đầu, nhưng khi thị trường càng chuyên nghiệp hơn, yếu tố này đang bị lung lay.
Từ đó có thể thấy cục diện mới của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã được xác lập. Cuộc chơi này đòi hỏi những nhà đầu tư trường vốn, quy mô và kinh nghiệm.
Huy Vũ
(Theo NCĐT)