Khó khăn vẫn tiếp diễn kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Chi phí logistics tăng mạnh; thiếu hụt lao động; sức khỏe, tinh thần, năng suất lao động bị tác động sâu sắc là những nguy cơ đè nặng lên ngành logistics vốn vẫn còn manh mún của Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Thị Vũ Hà, Đại học Giao thông vận tải, một trong những động lực quan trọng để ngành logistics chuyển đổi số là đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng.
Bước ra từ giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, logistics là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề khi chuỗi cung ứng, hoạt động vận tải, di chuyển bị đứt gãy nghiêm trọng.
Khó khăn vẫn tiếp diễn kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Chi phí logistics tăng mạnh; thiếu hụt lao động; sức khỏe, tinh thần, năng suất lao động bị tác động sâu sắc là những nguy cơ đè nặng lên ngành logistics vốn vẫn còn manh mún của Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Vũ Hà, Đại học Giao thông vận tải, nhận định, logistics đóng vai trò là xương sống của chuỗi cung ứng cũng như của nền kinh tế. Xương sống bị thương tổn đe dọa đến tiềm năng phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, đối diện với cơn sóng dữ, cộng đồng doanh nghiệp logistics thể hiện được bản lĩnh kiên cường với những giải pháp vô cùng sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh.
Cùng với đó, hoạt động chuyển đổi số trong ngành logistics diễn ra rất tích cực. Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2021 có khoảng 75% doanh nghiệp sử dụng phần mềm quản lý giao nhận; gần 64% doanh nghiệp sử dụng phần mềm quản lý đơn hàng và khoảng 61% doanh nghiệp sử dụng phần mềm quản lý vận tải.
Hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics Việt Nam. Ảnh: VEPR
Khảo sát của nhóm tác giả báo cáo thường niên “Kinh tế Việt Nam 2022: Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ” cũng cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp logistics tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số, trong đó tập trung nhiều nhất là việc áp dụng hệ thống mạng internet; mạng LAN kết nối; hệ thống quản lý kho hàng hải cảng…
Một điểm đặc biệt là hoạt động chuyển đổi số ngành logistics đang có xu hướng tập trung vào chiều sâu, tạo ra thay đổi tích cực cho toàn ngành, thay vì việc doanh nghiệp chỉ tập trung tối ưu lợi nhuận. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng không đơn thuần ứng dụng công nghệ mà đã có những hoạt động mang tính điều chỉnh về chiến lược, kết cấu, hành vi và văn hóa của tổ chức.
Bà Hà cho biết, đại dịch Covid-19 với những đứt gãy trong chuỗi cung ứng là một động lực quan trọng, bắt buộc doanh nghiệp logistics phải ứng dụng công nghệ để “tìm đường sống”.
Mặt khác, nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng cao cũng tạo ra áp lực chuyển đổi số ngành logistics. “Thương mại điện tử phát triển, người tiêu dùng thì luôn muốn freeship (miễn phí vận chuyển), trong khi chi phí giao hàng chặng cuối chiếm đến 53% chi phí logistics. Điều này khiến doanh nghiệp logistics bắt buộc phải tìm cách giảm chi phí, qua đó ứng dụng chuyển đổi số nhiều hơn”, bà Hà nhận định.
Gỡ rào cản số
TS. Nguyễn Thị Vũ Hà, Đại học Giao thông vận tải, thành viên nhóm tác giả báo cáo thường niên kinh tế Việt NAm 2022.
Hoạt động chuyển đổi số ngành logistics nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải là 2 cơ quan có liên quan trực tiếp đến ngành logistics đều có mức độ chuyển đổi số khá cao so với các cơ quan Chính phủ, tạo ra thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), doanh nghiệp logistics vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số. Trả lời khảo sát của VEPR, doanh nghiệp chỉ ra 2 rào cản lớn nhất.
Một là hạ tầng giao thông phức tạp, chưa hoàn thiện, khiến cho kết nối giữa hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất của doanh nghiệp vẫn còn có điểm nghẽn. Hai là rào cản trong việc chia sẻ dữ liệu điện tử khi các doanh nghiệp vẫn cảm thấy chưa đủ tin tưởng lẫn nhau.
Một số rào cản khác có thể kể đến như chi phí chuyển đổi số vẫn còn cao; rủi ro trong triển khai công nghệ; thiếu nhân lực công nghệ thông tin; thiếu đầu tư cho hệ thống bảo mật dữ liệu…
Mong muốn của doanh nghiệp logistics để chuyển đổi số. Ảnh: VEPR
Khảo sát về mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp cho biết mong muốn có những chủ trương, định hướng và chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển đổi số trong ngành logistics. Bên cạnh đó, sự tin tưởng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, đối tác cũng là yếu tố được quan tâm để thúc đẩy chuyển đổi số.
Đối với nhóm doanh nghiệp vận tải, đa số doanh nghiệp cho biết mong muốn có cơ chế truy vấn thông tin 1 cửa thay vì phân tán, manh mún và phức tạp như hiện nay. Theo bà Hà, dù Bộ Giao thông vận tải đã triển khai sàn giao dịch vận tải từ rất sớm nhưng đến nay khoảng một nửa số sàn giao dịch vận tải vẫn hoạt động “èo uột” và chưa tạo được tính tin cậy về thông tin.
*Nguồn: The Leader