Tốc độ tăng trưởng du lịch trực tuyến trong giai đoạn 2018-2020 dự kiến có thể đạt 50%, tức gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn để thúc đẩy mảng du lịch này phát triển.

Những thông tin và dữ liệu được đưa ra tại diễn đàn “Du lịch trực tuyến Việt Nam 2018” chiều 29-3 cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Đáng chú ý, mức tăng trưởng du lịch trực tuyến có thể lên tới 50%.

Một cuộc khảo sát với khách du lịch quốc tế tới Việt Nam vào năm 2017 cho thấy có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên Internet và 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi tới Việt Nam. Với sự phát triển chung của thương mại điện tử và du lịch, tỉ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Một công ty điển hình trong lĩnh vực du lịch trực tuyến là công ty du lịch Tugo. Được thành lập từ năm 2015, đến nay Tugo đã có hơn 4 năm kinh nghiệm tổ chức tour du lịch hướng đến các thị trường cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Pháp, Mỹ và châu Âu. Hiện tại, công ty đã mở 4 chi nhánh tại TPHCM, 1 chi nhánh tại Hà Nội.

Z4

Các diễn giả thảo luận về xu hướng du lịch trực tuyến. Ảnh: TD.

Người đại diện của Tugo tại diễn đàn cho hay, mô hình du lịch truyền thống đang bộc lộ những điểm hạn chế ở hai khâu đó là quảng bá sản phẩm và đội ngũ nhân sự.

Về vấn đề quảng bá sản phẩm, thương hiệu, theo vị đại diện Tugo, doanh nghiệp du lịch tốn rất nhiều chi phí truyền thông nhưng họ không đo lường được hiệu quả truyền thông đó. Hơn nữa, muốn mở rộng kênh tiếp cận khách hàng mục tiêu thì các doanh nghiệp du lịch truyền thống phải mở rộng thêm điểm giao dịch, tăng thêm số lượng nhân viên và tăng chi phí. Nhờ ứng dụng công nghệ nên Tugo đã khắc phục được nhược điểm này.

“Trước khi áp dụng công nghệ, tỷ lệ cuộc gọi nhỡ và tỷ lệ lượt đặt tour không được xử lý của Tugo chiếm tới hơn 60% nhưng sau khi áp dụng công nghệ trực tuyến, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 25%. Điều này giúp cho doanh thu của Tugo năm vừa qua đạt hơn 400 tỉ đồng sau 3 năm áp dụng”, lãnh đạo công ty cho biết.

Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) - một đơn vị dẫn đầu trong ngành du lịch, cho biết công ty đã ứng dụng những giải pháp công nghệ trực tuyến từ năm 2004 nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng. Trong 10 tháng gần đây nhất, Saigontourist đã đưa được 12.500 lượt khách với tổng doanh thu từ du lịch trực tuyến đạt trên 129 tỉ đồng.

Dù mảng du lịch trực tuyến đang rất phát triển nhưng vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện liên quan tới cơ sở dữ liệu và kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Tài cũng thừa nhận, dù du lịch trực tuyến là xu hướng tất yếu nhưng mỗi thị trường khác nhau lại có những đặc thù khác nhau. Xu thế kinh doanh du lịch trực tuyến bùng nổ toàn cầu nhưng đặc biệt mạnh tại các thị trường Bắc Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu nhưng ở Việt Nam lại khác. Mặc dù tỉ lệ người sử dụng Internet, điện thoại thông minh nhiều và tăng mạnh những năm gần đây, nhưng thói quen, tập quán tiêu dùng, sử dụng, thanh toán trực tuyến để kết thúc chuỗi giao dịch về du lịch trực tuyến vẫn còn hạn chế.

Do đó, dù doanh thu từ mảng trực tuyến đạt 129 tỉ đồng nhưng không đáng kể so với con số tổng doanh thu của Saigontourist trong cùng giai đoạn.

Tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, dù mảng du lịch trực tuyến đang rất phát triển nhưng vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện liên quan tới cơ sở dữ liệu và kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn chưa có tiềm lực để tiếp cận được công nghệ mới… Để phát triển mảng du lịch này, dự kiến trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ thành lập thêm một câu lạc bộ công nghệ trong ngành du lịch để bàn thảo các giải pháp thúc đẩy du lịch trực tuyến phát triển.

* Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Pin It
P. F. Drucker

"Marketing ... bao phủ toàn bộ họat động kinh doanh. Là tất cả họat động kinh doanh nhìn từ kết quả cuối cùng, tức là từ quan điểm của người tiêu dùng."

User Menu