Buổi đấu giá lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) hồi đầu tuần trước đã thu hút được rất nhiều sự chú ý. Kết quả buổi đấu giá một lần nữa khẳng định sức hút của các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm nói chung.

vissan daychuyen

Dây chuyền chế biến xúc xích hiện đại của Vissan. Ảnh: Long Thanh.

CJ đặt 1 chân vào Vissan

Ngày 7/3/2016, Vissan bán lần đầu ra công chúng 11,328 triệu cổ phần, tương đương 14% vốn điều lệ công ty với giá khởi điểm 17.000 đồng/cổ phần. Đã có 142 nhà đầu tư đăng ký đấu giá mua cổ phần. Kết quả Vissan đã bán đấu giá thành công 100% số cổ phần lần đầu ra công chúng với giá đấu bình quân đạt 80.053 đồng/cổ phần, giá đấu thành công thấp nhất là 67.000 đồng/cổ phần, giá đấu cao nhất là 102.000 đồng/cổ phần. Tổng cộng có 6 nhà đầu tư trúng đấu giá, bao gồm 5 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài. Tổng giá trị cổ phần bán đầu giá đạt 906 tỷ đồng.

Có thể thấy trong cuộc đua này, 2 phía nội và ngoại đang có những chiến lược riêng nhằm chiếm lĩnh phần to của miếng bánh hấp dẫn. DN nội tuy có thể yếu hơn về tiềm lực tài chính, nhưng cũng không thua kém về thị phần trên thị trường.

Theo kết quả của phiên đấu giá lần đầu, đơn vị trả giá cao nhất chính là CJ (Hàn Quốc). Công ty này đã chi hơn 300 tỷ đồng để mua 3,3 triệu cổ phiếu của Vissan. Và theo chia sẻ của ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, CJ cũng chính là 1 trong 3 đơn vi tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của Vissan, 2 đơn vị còn lại là Proconco và Anco của Masan. Như vậy đây có thể xem là cuộc đua của CJ và Masan.

Chưa rõ ai sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan, bởi ngày 24/3 tới đây Vissan mới tổ chức phiên đấu giá cho 3 nhà đầu tư chiến lược. Song CJ đang cho thấy rõ tham vọng muốn đẩy mạnh đầu tư ở thị trường Việt Nam, trong đó Vissan là một trong những mục tiêu mới của họ. Cụ thể, ngày 10/3 vừa qua CJ đã thông báo năm 2016 tập đoàn sẽ chi thêm 500 triệu USD để đầu tư vào M&A và các dự án mới trong các lĩnh vực thực phẩm, công nghệ sinh học, bán lẻ và giải trí. Riêng với M&A, công ty sẽ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm.

Vì đâu Vissan lại có sức hút lớn đến vậy? Hiện Vissan là một trong những DN dẫn đầu ngành thực phẩm với hệ thống phân phối 130.000 điểm bán tại kênh truyền thống, hơn 1.000 điểm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và 60 cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Mỗi năm, Vissan cung cấp ra thị trường 30.000 tấn thực phẩm tươi sống và 20.000 tấn thực phẩm chế biến. Doanh thu hàng năm của công ty đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 150 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thực phẩm tươi sống, Vissan là một trong số các nhà cung cấp lớn nhất tại TPHCM. Mỗi ngày, Vissan cung cấp 100 tấn thịt heo cho TP thông qua các hệ thống siêu thị Satramart, Co.opmart, VinMart, Big C, Maximark..., chiếm khoảng 20% thị phần. Trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, xúc xích Vissan chiếm 65% thị phần xúc xích tiệt trùng với 3 thương hiệu Vissan, Ba Bông Mai và Dzui Dzui; lạp xưởng của Vissan chiếm đến 75% thị phần. Các sản phẩm đông lạnh như chả giò, sủi cảo, nem nướng, há cảo của công ty cũng chiếm đến 40% thị phần trong cả nước. Thực phẩm chế biến cũng chính là ngành hàng đóng góp trên 60% lợi nhuận gộp (trong đó xúc xích tiệt trùng chiếm 50%) của công ty trong 3 năm qua.

Cuộc đua khép kín

Sức nóng của Vissan cũng phần nào cho thấy ngành chế biến thực phẩm đang vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2016 sức tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam sẽ tăng 5,1%/năm, ước đạt khoảng 29,5 tỷ USD. Mức tiêu thụ bình quân đầu người vào năm nay ước đạt khoảng 5,8 triệu đồng/năm (tương đương 316 USD/năm). Những nỗi lo về thực phẩm bẩn, cuộc sống bận rộn khiến người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm chế biến từ các thương hiệu có uy tín. Và cũng chính điều này đã khiến các DN trong ngành thực phẩm đẩy nhanh việc đầu tư vào những chuỗi khép kín và đi sâu vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Ngoài Vissan còn nhiều cái tên khác như Công ty Ba Huân. Năm 2014, Ba Huân đã đầu tư 60 tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm Ba Huân tại Long An, với sản phẩm chính là thịt gia cầm chế biến, thịt gà tươi, lạp xưởng gà, xúc xích gà, chà bông gà, trứng gà, trứng cút, trứng vịt luộc, bột trứng, bánh flan và một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà. Để chuẩn bị cho chuỗi sản xuất này, trước đó, Ba Huân đã đầu tư 320 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tất nhiên, trong cuộc đua khép kín này không thể không nhắc đến một cái tên ngoại đang là đối thủ nặng ký của nhiều DN nội chính là CP (Thái Lan). Một đơn vị ngoại khác cũng đã định hình mô hình 3F là Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam. Ngoài 5 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, công ty này đã tổ chức chăn nuôi gà, thịt lợn siêu nạc và sản xuất gà giống. Hiện Japfa Comfeed Việt Nam còn có nhà máy giết mổ gia cầm và nhà máy chế biến thực phẩm (xúc xích) với thương hiệu Jupiter.

Ở khu vực phía Bắc một cái tên cũng gây nhiều chú ý khi hoàn thiện chuỗi khép kín 3F, đó chính là Dobaco. Với chữ F chăn nuôi (farm), Dabaco đã đầu tư trang trại giống gà, lợn từ năm 1997. Ở chữ F thức ăn chăn nuôi (feed), Dabaco hiện có 6 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 85 tấn/giờ. với chữ F thực phẩm (food), Dabaco thu mua gà, lợn từ các trang trại liên kết rồi chế biến thành sản phẩm tươi sống cung ứng cho thị trường.

Hiện công ty có 1 dây chuyền giết mổ gà được nhập khẩu đồng bộ từ Đan Mạch, công suất 2.000 con/giờ và 1 xưởng giết mổ lợn, cung cấp các sản phẩm thịt sạch. Ngoài ra, Dabaco còn có 1 nhà máy chế biến các sản phẩm như xúc xích, dăm bông, đồ hộp, giò, chả...

Theo Báo Sài Gòn Đầu Tư
Không ghi tác giả

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Yếu tố hiệu nghiệm trong marketing cũng hiệu nghiệm trong quân đội: yếu tố bất ngờ."

User Menu