Thị trường vừa đủ chín muồi cộng với COVID-19, ngành dược phẩm Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết. Ở thị trường bán lẻ, chúng ta thấy được cuộc đua sôi động giữa “tam tấu” Pharmacity – Long Châu – An Khang và có thể cả Phano.

Với sự khẳng định của Masan “tham vọng của chúng tôi là đưa tất cả thương hiệu có mặt trong WinMart lớn mạnh nhất nhì thị trường”, thì bán lẻ dược phẩm không chỉ là cuộc chơi của “tam tấu” Pharmacity – Long Châu – Phúc Khang, mà có thể cả Phano. Ở thị trường phân phối – sản xuất, Digiworld mua lại Đại Tín, Bamboo Capital đầu tư vào Tipharco, Louis Holdings xuất hiện ở Ladophar…

Với nhiều lý do khác nhau – thị trường vừa đủ chín muồi cộng với COVID-19, ngành dược phẩm Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết. Ở thị trường bán lẻ, chúng ta thấy được cuộc đua sôi động giữa “tam tấu” Pharmacity – Long Châu – An Khang và có thể cả Phano.

Trừ Pharmacity, thì đứng sau 3 cái tên Long Châu – An Khang – Phano, chính là 3 “ông kẹ” của nền kinh tế Việt Nam, lần lượt là FPT Retail – Thế Giới Di Động – Masan.

Còn ở mảng phân phối – bán sỉ, đột nhiên các công ty dược phẩm tầm trung và nhỏ trở nên có giá và được nhiều doanh nghiệp lớn hoặc mới nổi săn đón. Ví dụ: Digiworld đã mua lại Đại Tín để chuẩn bị cho cuộc “đột kích” vào ngành được phẩm, Bamboo Capital tập tễnh đầu tư vào Tipharco và Louis Holdings cũng đã thành công thâu tóm được công ty dược phẩm lớn nhất tỉnh Lâm Đồng – Ladophar.

Bán lẻ thăng hoa

Thị trường dược phẩm đang chứng kiến cuộc đua tranh thú vị giữa 3 chuỗi là Pharmacity, Long Châu và An Khang.

Vào cuối năm 2021, Long Châu vượt mục tiêu 400 cửa hàng trải khắp 53 tỉnh thành và theo FPT Retail, Long Châu đã dẫn đầu thị trường chuỗi nhà thuốc bán lẻ với thị phần 45% theo thống kê từ các nhà cung cấp. Hiện Long Châu đã có gần 600 cửa hàng; vậy nên kế hoạch đạt 800 cửa hàng cuối 2022 có thể tự tin là nằm trong tầm tay của họ.

Ra mắt thị trường vào năm 2011 và sau hơn 10 năm, chuỗi Pharmacity hiện đang dẫn đầu thị trường về số lượng cửa hàng.

Năm 2021, dù đã mở 200 nhà thuốc để nâng tổng số lên 700, song Pharmacity vẫn chưa đạt kế hoạch, bởi dự định trước đó của họ là sẽ có 1.000 cửa hàng vào cuối 2021. Pharmacity chỉ vừa mới đạt đến cột mốc 1.000 cửa hàng trong tháng 4/2022. Tính đến 16/5, Pharmacity có 1.088 cửa hàng trên toàn quốc.

Pharmacity đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt mốc 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Doanh nghiệp này mong muốn có thể hỗ trợ 50% người dân Việt Nam tiếp cận với một nhà thuốc trong vòng 10 phút di chuyển. Pharmacity cũng đang tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để chuẩn bị cho việc mở rộng và triển khai nhanh hoạt động kinh doanh trực tuyến vào năm 2025.

Sau khi đã chậm vài nhịp, mới đây Tập đoàn Thế Giới Di Động (TGDĐ) đã cho thấy quyết tâm chen chân vào ngành dược phẩm, bằng cách ồ ạt mở các cửa hàng An Khang tại các thành phố lớn.

Diện mạo và nhận diện thương hiệu mới của chuỗi nhà thuốc An Khang.

Hiện An Khang có gần 300 nhà thuốc, TGDĐ đặt ra mục tiêu rất tham vọng là đến cuối năm nay An Khang có thể đứng vị trí top 3 của ngành dược cả về doanh thu lẫn số lượng cửa hàng. Trong ĐHCĐ 2022 của TGDĐ, CEO Đoàn Văn Hiểu Em đã không giấu giếm việc họ sẽ phát triển thật nhanh trong năm 2022 nhằm đuổi theo 2 đối thủ là Pharmacity và Long Châu.

Trong tất cả thương hiệu tích hợp với WinMart+ mà Masan đưa về, Phano Pharmacy là trường hợp thú vị nhất.

Tất cả mọi người đều biết rõ, Phúc Long – Reddi – Techcombank vì sao lại đến với WinMart, còn Phano thì không. Truyền thông không nói nhiều về Phano.

Cũng như Phúc Long, dù là một doanh nghiệp lớn trong ngành dược, song Phano lại khá kín tiếng với truyền thông. Mọi người chỉ biết một chút thông tin về thương hiệu này trong buổi lễ họ ký kết hợp tác cùng eDoctor nhằm triển khai chức năng bán dược phẩm trực tuyến, tích hợp với hệ thống của eDoctor, vào tháng 10/2020.

Theo chia sẻ của ông Lê Việt Hưng – Tiến sỹ ngành dược kiêm Giám đốc Phát triển kinh doanh của Phano vào thời điểm đó, thì họ bắt đầu xây dựng chuỗi và đã triển khai mô hình nhượng quyền nhà thuốc đầu tiên tại TP.HCM vào năm 2016.

Trên website Phano ghi nhận có 84 nhà thuốc, nhưng trong buổi ký kết hợp tác với eDoctor, Ban lãnh đạo của Phano nói rằng, họ mới có 70 nhà thuốc.

Ngoài ra, lúc đó, Ban lãnh đạo của Phano còn tiết lộ, họ mới là chuỗi nhà thuốc có doanh thu lớn nhất thị trường, nhưng không chia sẻ con số cụ thể.

Ông Lê Việt Hưng – Tiến sỹ ngành dược kiêm Giám đốc Phát triển kinh doanh của Phano.

Nguyên nhân đầu tiên là do đơn thuốc của họ luôn có giá trị lớn do tập trung bán thuốc theo toa bác sỹ. Thứ hai, ngoài kênh B2C họ còn có kênh B2B khi phân phối cho các bệnh viện. Về danh mục sản phẩm, họ có hơn 10.000 mã sản phẩm như thuốc kê toa và không kê toa, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, dược mỹ phẩm...

Với mục tiêu xây dựng nhãn hàng riêng, đạt biên lợi nhuận tốt hơn cũng như chủ động được danh mục sản phẩm, năm 2016, Phano đã bắt tay với Imexpharm thông qua việc nắm giữ 10% cổ phần công ty này. Khi Phano bắt tay với nhà sản xuất hàng đầu Imexpharm – đơn vị từng có kinh nghiệm gia công thuốc cho Novartis, Sandoz, CFR…; cả hai sẽ tạo ra được một quy trình khép kín về sản xuất – phân phối – bán lẻ.

“Sở dĩ chúng tôi không đua mở rộng chuỗi như các doanh nghiệp khác cùng ngành, là bởi chiến lược của Phano sẽ là đi chậm và chắc chắn. Do những founder thành lập Phano đều là dược sỹ, nên tại Phano, chúng tôi rất chú trọng đào tạo chuyên môn cho dược sỹ hoặc trình dược viên – những người trực tiếp bán hàng, nên cũng chẳng thể mở ồ ạt được. Mỗi một chuỗi đều có chiến lược riêng, nên chúng tôi không sốt ruột”, ông Lê Việt Hưng khẳng định.

Ông Lê Việt Hưng là một trong những F1 xuất sắc của dàn lãnh đạo Phano và với tư duy của một người trẻ du học trở về, ông Hưng đã đưa Phano tham gia thế giới số cực nhanh.

Dù mở chuỗi cầm chừng, song Phano lại rất chú trọng mảng online, ngoài tự bán hàng trực tuyến trên website bản thân, đơn vị này còn hợp tác cùng eDoctor và Medigo (vào tháng 10/2021) phân phối thuốc online. Phano Pharmacy còn có hệ thống tích điểm, thanh toán online linh hoạt, xây dựng tệp khách hàng thân thiết…

Phano còn được Masan tích hợp vào cửa hàng tinh gọn Fresh & Chill đang trong quá trình thử nghiệm tại TP.HCM.

Có một điều rất đáng chú ý nữa: sau khi có thông tin Phano sẽ được Masan tích hợp vào hệ thống WinMart vào giữa tháng 10/2021, có khá nhiều thay đổi trên hệ thống này chúng ta có thể quan sát được.

Thứ nhất, cả fanpage Facebook và website Phano đã không cập nhật thêm thông tin gì mới, bắt đầu từ tháng 11/2021. Điều này khá lạ vì trong vài năm gần đây, Phano rất chịu khó xuất hiện và tương tác với các khách hàng của mình ở kênh online.

Thứ hai, theo tìm hiểu, eDoctor đang phải cấu trúc lại dịch vụ bán dược phẩm online hợp tác với Phano trong năm 2020; họ đang tìm thêm đối tác mới. Trên Medigo thì dường như chỉ có duy nhất 1 nhà thuốc Phano tại Bình Thạnh là vẫn còn bán hàng.

Trong ĐHCĐ 2022, Ban lãnh đạo của Masan đã khẳng định: “Tham vọng của chúng tôi là đưa tất cả thương hiệu có mặt trong WinMart lớn mạnh nhất nhì thị trường”.

Nếu xét tổng thể, tiềm năng của Phano còn tốt hơn cả chuỗi Long Châu trước khi về tay FPT Retail hay An Khang trước khi đến với Thế Giới Di Động. Do đó, việc Masan tự tin có thể đưa chuỗi này đua tranh trên thị trường dược phẩm, đồng thời có thể dẫn dắt thị trường, là có cơ sở.

Phân phối – Sản xuất cũng sắp bùng nổ

Để tạo cơ sở trong ngành dược, đồng thời hướng tới mục tiêu top 3 nhà phân phối dược phẩm trong năm 2025, Digiworld đã đầu tư vào Đại Tín Pharma vào nửa đầu năm 2021. Cụ thể, Digiworld đã rót 8,9 tỷ đồng để mua 36,01% cổ phần tại CTCP Dược phẩm Đại Tín (Đại Tín Pharma) – nhà phân phối các thương hiệu dược phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng và vật tư y tế.

Cùng với đó, Digiworld cũng đã cho Đại Tín Pharma vay 8,4 tỷ đồng với lãi suất 10,95%/năm. Các lãnh đạo của Digiworld cũng đang dần thâm nhập vào thượng tầng của Đại Tín Pharma.

Chủ tịch Đoàn Hồng Việt của Digiworld.

Theo tìm hiểu, Đại Tín Pharma được thành lập từ tháng 12/2013, chuyên phát triển các sản phẩm về cơ xương khớp – tim mạch. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Nguyễn Luy Xít (SN 1984). Đại Tín Pharma có quan hệ rất tốt với hệ thống phân phối dược tại nhiều bệnh viện.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Luy Xít vào tháng 5/2021 đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc của CTCP Y dược phẩm Vimedimex, đồng thời là người đại diện của Công ty TNHH MTV Trung tâm phân phối dược phẩm Vimedimex Đà Nẵng. Và Vimedimex chính là nhà nhập khẩu, phân phối dược phẩm hàng đầu cả nước.

Trong ĐHCĐ của Digiworld 2022, Chủ tịch Đoàn Hồng Việt cho biết, hiện tại, họ đang phân phối một ít dược phẩm phổ thông và thực phẩm chức năng vào hệ thống của Long Châu. Trong tương lai, Digiworld muốn phân phối cho các nhà thuốc nhỏ lẻ và cả vào kênh bệnh viện – đây là nguyên do chính khiến họ “để mắt” đến Đại Tín.

Mới đây, theo chia sẻ của ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital trong ĐHCĐ 2022 của doanh nghiệp, doanh nghiệp này vừa bỏ ra 40 tỷ đồng để mua lại 20% cổ phần của công ty dược phẩm Tipharco. Theo vị Chủ tịch này, đây là một cái giá vô cùng phải chăng, bởi ngành dược hiện đang hot và sẽ phát triển rực rỡ trong tương lai.

Cộng chung lượng cổ phiếu của BCG với lượng cổ phiếu mà các cổ đông lớn của BCG nắm giữ tại Tipharco vào khoảng 80%.

Ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital

“Tipharco có 47 năm lịch sử và hiện có trên 200 ‘visa’ dược phẩm, là 1 trong 5 doanh nghiệp dược phẩm lớn nhất nước. Tipharco có nhiều tiềm năng để phát triển thành một doanh nghiệp dược hiện đại, có thể nhận chuyển giao công nghệ – vaccine trong tương lai. Do chưa có know-how trong ngành dược, nên trước mắt BCG chỉ đầu tư ở mức độ an toàn”, ông Nguyễn Hồ Nam nhận định.

Vào tháng 3/2022, có thông tin là Louis Holdings đã mua 6,98 triệu cổ phiếu Dược Lâm Đồng để tăng sở hữu lên 65,3% và nắm quyền chi phối. Tuy nhiên, theo nhiều người thì giao dịch này chỉ có tính chất thủ tục.

Louis Holdings đánh dấu sự hiện diện tại Ladophar từ tháng 12/2021, trùng thời điểm Công ty Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim thông báo thoái toàn bộ 6,85 triệu cổ phiếu (tương đương 53,91% vốn) tại đây. Louis Capital, thành viên của Louis Holdings, sau đó mua 1,3 triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn và đưa ông Nguyễn Mai Long vào ghế Tổng Giám đốc.

Ladophar – doanh nghiệp dược số 1 tỉnh Lâm Đồng, tiền thân là xí nghiệp liên hiệp Dược Lâm Đồng, thành lập năm 1982. Ladophar chuyển sang mô hình công ty cổ phần năm 2000 và niêm yết trên sàn chứng khoán sau đó 10 năm.

Tại ĐHCĐ Ladophar 2022, doanh nghiệp này tiết lộ: bên cạnh thị trường đã khai thác thành công là Hàn Quốc, Ladophar sẽ tiếp cận các thị trường mới tại Châu Âu và Châu Mỹ để đạt được mục tiêu xuất khẩu sản phẩm Ladophar ra thế giới.

Ông Nguyễn Mai Long – Tổng Giám đốc Ladopharcho biết: “Với tiềm năng dược liệu của vùng đất Đà Lạt, Lâm Đồng – nơi được Chính phủ phê duyệt là một trong những vùng trọng điểm dược liệu của cả nước, với khát vọng mang thương hiệu dược phẩm Việt vươn xa hơn trên thị trường quốc tế, Ladophar quyết tâm tận dụng thế mạnh để biến tiềm năng của dược liệu địa phương thành những sản phẩm chăm sóc sức khoẻ có giá trị cao xứng tầm quốc tế”.

Nguồn CafeF

Pin It
Nguyên tắc tấn công số 4:

"Quá trình theo đuổi cũng không kém phần quan trọng chính cuộc tấn công"

User Menu