Ông Bang Hyunwoo - Phó tổng giám đốc Samsung Điện tử Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh: Việt Nam đã trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của Samsung.
- Ông có thể chia sẻ cam kết đầu tư của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam?
- Tập đoàn Samsung luôn khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam. Hiện tại, Samsung Điện tử đã đầu tư 9,5 tỷ USD tại Việt Nam, bao gồm nhà máy sản xuất điện tử gia dụng (SEHC) trị giá 2 tỷ USD tại TP.HCM và hai nhà máy sản xuất smartphone, máy tính bảng tại Bắc Ninh (SEV) và Thái Nguyên (SEVT) trị giá 7,5 tỷ USD. Đây là hai khu tổ hợp sản xuất lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung trên thế giới hiện nay, chuyên sản xuất các mẫu điện thoại smartphone cao cấp mới nhất của Samsung. Hai nhà máy này sản xuất khoảng 180 triệu sản phẩm mỗi năm, chiếm hơn 30% tổng sản lượng của Tập đoàn Samsung sản xuất trên toàn cầu.
Các công ty con khác của Samsung như Samsung Display đã đầu tư tổng cộng 4 tỷ USD tại Bắc Ninh và Samsung Điện-cơ đầu tư 1,2 tỷ USD tại Thái Nguyên. Tổng cộng, Samsung đã rót nguồn vốn đầu tư 14,7 tỷ USD tại Việt Nam.
Môi trường đầu tư của Việt Nam rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ, có kỹ năng và làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố quan trọng duy nhất thu hút dòng đầu tư của Samsung vào Việt Nam. Cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư mới là những yếu tố khiến Việt Nam thu hút nhiều FDI.
- Với hai tổ hợp sản xuất, Samsung hiện đã sử dụng bao nhiêu lao động Việt Nam, tay nghề của họ thế nào?
- Hiện nay, hai nhà máy của Samsung Điện tử tại Bắc Ninh và Thái Nguyên sử dụng khoảng 120.000 lao động người Việt Nam. Con số này tương đương với khoảng 33% nhân lực của Samsung Điện tử trên toàn cầu. Nhân viên Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng tại các nhà máy của Samsung, là lực lượng sản xuất ra hơn 30% smartphone của Samsung Điện tử trên toàn cầu.
Tất cả các sản phẩm mới nhất, hiện đại nhất như Galaxy Note 5, Galaxy S7, Galaxy S7 Edge,... đều được sản xuất tại Việt Nam. Cạnh đó, 70% hoạt động của Samsung tại hai nhà máy SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là sản xuất linh kiện điện thoại, 30% còn lại dành cho các công đoạn lắp ráp sản phẩm hoàn thiện.
Riêng lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), Samsung có khoảng 3.500 kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Hà Nội. Đặc biệt, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển di động Samsung Việt Nam (SVMC) tại Hà Nội, với khoảng 1.500 kỹ sư, đang cung cấp các dịch vụ phần mềm cho thị trường Đông Nam Á, Úc và New Zealand, chiếm khoảng 10% tổng thị phần phần mềm toàn cầu của Samsung Điện tử.
Năm 2014, hai nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đã xuất khẩu 26,3 tỷ USD. Con số này đã tăng mạnh lên 32,75 tỷ USD năm 2015, chiếm hơn 20,25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
- Theo ông, tỷ lệ nội địa hóa linh kiện của Samsung đến nay đạt bao nhiêu phần trăm?
- Tỷ lệ đạt khoảng 36%. Kể từ năm 2014, Samsung đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương tổ chức các hội thảo triển lãm công nghiệp hỗ trợ hằng năm nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa tiềm năng.
Năm 2015, Samsung đã mời 20 doanh nghiệp Việt Nam đến thăm các nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 để học hỏi kinh nghiệm và đến tháng 9/2015, Samsung đã đưa các cố vấn trợ giúp 3 doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của Samsung.
Hiện nay, Samsung đang nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của nền công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, do vậy, chúng tôi cũng kỳ vọng với sự tham gia của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam, tỷ lệ này sẽ ngày một tăng.
- Cám ơn ông!
NGUYỄN HOÀNG thực hiện
Theo DNSG