Vissan là mảnh ghép tuyệt vời cho tham vọng hoàn thiện chuỗi 3F mà Masan đang tìm kiếm. Trong chăn nuôi hiện đại, mô hình 3F (bao gồm Feed: thức ăn chăn nuôi - Farm: nông trại - Food: thực phẩm trên bàn ăn) là mô hình được hầu hết các DN hướng tới vì tối ưu được chi phí và đặc biệt là không phụ thuộc vào bên thứ ba.
Tại Việt Nam, DN nổi trội nhất là Công ty C.P Chăn nuôi CP Việt Nam, một doanh nghiệp con của Tập đoàn C.P Thái Lan.
Với hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, C.P được xem là doanh nghiệp tiên phong và bài bản nhất cho mô hình 3F.
Theo thời gian một số DN Việt Nam cũng bắt đầu xây dựng cho mình những chuỗi giá trị tương tự. Masan Group, một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam cũng cho thấy mình rất hứng thú với nông nghiệp khi đầu tư vào mảng thức ăn chăn nuôi (Feed).
Hiện tại, đây là mảng đóng góp doanh thu rất lớn cho tập đoàn Masan. Hai thương hiệu Proconco và Anco (sau này gộp lại thành Masan Nutri Science - MNS) đóng góp 14.054 tỷ đồng, tương đương với 46% doanh thu của toàn hệ thống Masan trong năm 2015.
Trong khi mảng tiêu dùng nhanh có dấu hiệu chững lại, mảng thức ăn chăn nuôi vẫn cho thấy đà tăng trưởng tốt.
Vừa qua, Masan tiếp tục thể hiện tham vọng của mình khi giành chiến thắng trong phiên đấu giá mua lại cổ phần Vissan, từ đó tiến thêm một bước nữa trong việc hoàn thành chuỗi 3F của mình..
Theo đó, Masan đã bỏ ra 1.427 tỷ đồng mua 14% cổ phần Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan).
Ông Danny Lê, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Tập đoàn Masan và Tổng Giám đốc của Masan Nutri-Science thừa nhận việc Anco được quyền mua 14% cổ phần của Vissan đã giúp đơn vị này tiếp cận mô hình kênh phân phối hiện đại hàng đầu của Vissan trong ngành hàng thịt trị giá 18 tỷ USD của Việt Nam.
Mua cổ phần Vissan, mảng thực phẩm (Food) của Masan sẽ mạnh lên trông thấy. Hiện Vissan đang cung cấp 3 nhóm sản phẩm bao gồm: thực phẩm tươi sống (thịt heo, bò và các sản phẩm khác); thực phẩm chế biến khô (thịt hộp, lạp xưởng, xúc xích tiệt trùng, chiếm 65% thị phần) ; thực phẩm chế biến mát - đông lạnh (giò, thịt nguội, chế biến đông lạnh, chiếm 75% thị phần).
Đứng đầu thị phần trong mảng xúc xích và thực phẩm chế biến đông lạnh cho thấy năng lực và sức mạnh thương hiệu rất đáng nể của Vissan.
Theo kế hoạch đến năm 2018, Giai đoạn 2 của dự án “Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan” có quy mô 22,4ha với vốn xây dựng khoảng 1.000 tỷ đồng đô dự kiến sẽ hoàn thành phục vụ việc chế biến các sản phẩm từ phó sản động sản, mở rộng ngành hàng thực phẩm cao cấp có giá trị gia tăng cao.
Việc Anco được quyền mua 14% cổ phần của Vissan đã giúp đơn vị này tiếp cận mô hình kênh phân phối hiện đại hàng đầu của Vissan trong ngành hàng thịt trị giá 18 tỷ USD của Việt Nam.
Một lợi thế quan trọng khác của Vissan so với đối thủ đó là mạng lưới phân phối dầy đặc. Hiện tại, thương hiệu này có mặt trên 130.000 điểm nhỏ lẻ, bao gồm toàn bộ các chuỗi siêu thị trên cả nước.
Trong khi mảng Food rất mạnh thì ở lĩnh vực Farm - Chăn nuôi, Vissan hãy còn khá nhỏ khi các trang trại của Vissan mới đáp ứng được 10% nhu cầu thịt heo. Đối với bò, Vissan nhập khẩu từ Úc dưới hình thức bò sống.
Đây sẽ là mảng mà Masan cần tiếp tục đẩy mạnh hoặc tiến hành M&A để hoàn thành chuỗi 3F của mình.
Dù sao, với những điểm mạnh của Vissan, có thể thấy Masan đang rất thành công khi chuyển từ một doanh nghiệp B2B (bán cám chăn nuôi cho DN) sang B2C (Bán sản phẩm đầu cuối cho người tiêu dùng).
Nếu xây dựng hoặc thâu tóm thành công vùng chăn nuôi cho riêng mình, Masan hoàn toàn có thể trở thành đổi thủ sừng sỏ với C.P Việt Nam trong tương lai.
Theo: An Nhiên
Nguồn: Trí thức trẻ