Nhiều người hẳn đã lãng quên Nokia sau khi bán đi mảng điện thoại của mình, nhưng ông vua một thời sẽ không dễ dàng gục ngã, khi họ đã lập cho mình một kế hoạch để quay lại trong thời gian không xa nữa.
Sau khi bán đi mảng kinh doanh điện thoại huyền thoại của mình cho Microsoft, Nokia đã hoàn toàn rơi vào cuộc khủng hoảng về bản sắc.
Mặc dù Nokia vẫn là công ty danh tiếng và lớn nhất của Phần Lan, nhưng chỉ còn là lớp vỏ cho các hoạt động kinh doanh khác trong lĩnh vực bản đồ, thiết bị mạng và cấp phép bằng sáng chế.
Một kế hoạch 10 năm
CEO Rajeev Suri, người đang điều hành mảng thiết bị mạng, quyết định gia tăng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh này. Công ty đã bán mảng bản đồ HERE map cho liên doanh sản xuất ô tô của Đức, và thâu tóm đối thủ trong lĩnh vực thiết bị mạng Alcatel – Lucent.
Theo ông Suri, những động thái này là một phần của chiến lược 10 năm tới. Chiến lược này phát triển từ năm 2014 và được thiết kế nhằm đảm bảo đây sẽ là điều làm công ty được nhắc tới trong tương lai – chứ không chỉ vinh quang trong quá khứ.
Với mảng thiết bị mạng của Alcatel – Lucent, Suri cho biết công ty đã xây dựng được một công ty dẫn đầu trên thị trường mạng LTE hiện nay và đã sẵn sàng để chiếm được thị phần đáng kể trong thế hệ tiếp theo của mạng kết nối 5G. Cũng quan trọng không kém, ông Suri nói rằng, Nokia giờ có thể cung cấp không chỉ thiết bị mạng di động, mà còn cả đường điện thoại cố định.
Ông cho biết thêm, hiện các công ty như AT&T, Orange và Deutsche Telekom đang tìm cách cung cấp tất cả các loại dịch vụ mạng khác nhau, và họ muốn những nhà cung cấp có thể làm điều tương tự.
“Nếu bạn chỉ là một người chơi trên thị trường di động, bạn không thể đáp ứng được nhu cầu này.” ông Suri cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Barcelona, trước thềm sự kiện Mobile World Congress thứ Hai tới đây. Nokia cũng đang tự mình bán thiết bị trực tiếp cho những người khổng lồ về Web như Facebook hay Google.
Và những tham vọng khác
Nhưng Nokia không chỉ có mảng kinh doanh thiết bị mạng. Họ còn có các bộ phận khác, còn được biết đến với tên Nokia Technologies, một bộ phận phục vụ ba mục đích khác nhau. Đây là bộ phận chịu trách nhiệm về duy trì và cấp phép một số lượng lớn các danh mục bằng sáng chế khác nhau.
Ví dụ như nó cấp phép thương hiệu Nokia để sử dụng cho các sản phẩm tiêu dùng và nhắm đến việc tạo ra sản phẩm của riêng mình, như camera thực tế ảo Ozo đã được giới thiệu vào năm ngoái.
Camera thực tế ảo Ozo của Nokia.
Ông Suri cho biết, thậm chí ngày nay, Nokia vẫn là công ty không chỉ bán phần lớn thiết bị cho các doanh nghiệp, mà vẫn còn là một thương hiệu về sản xuất sản phẩm tiêu dùng mỗi khi mọi người nghĩ đến. “Chúng tôi hầu như mắc nợ chính mình về trải nghiệm trong lĩnh vực tiêu dùng.”
Tất nhiên, mảng kinh doanh hợp lý nhất cho công ty vẫn là điện thoại. Thương vụ với Microsoft đã ngăn Nokia sử dụng thương hiệu của mình trên điện thoại, nhưng chỉ đến hết năm ngoái. Một báo cáo của Recode vào năm ngoái đã phần nào cho thấy chiến lược của Nokia để mang tên tuổi của mình quay lại trên điện thoại.
“Chúng tôi không muốn chỉ đặt logo của mình trên thiết bị của ai đó.” Ông Suri cho biết. “Người ta cần cảm thấy nó như Nokia, như những gì Nokia từng được biết đến trước kia.”
Ông cũng cho biết thêm rằng ông không lo lắng về việc công ty đã đi xa hơn mục tiêu ban đầu của việc có một đối tác trong lĩnh vực này vào cuối năm ngoái. “Chúng tôi không vội vàng” ông nói “Không có gì cần phải vội vàng.”
Với những sản phẩm Nokia Technologies tự phát triển và bán hiện tại, ông Suri cho biết công ty sẽ không tự giới hạn bản thân chỉ ở lĩnh vực thực tế ảo. Họ đang nghiên cứu một lĩnh vực khác về kỹ thuật số, cho dù ông cho biết họ vẫn đang ở những ngày đầu. “Chúng tôi vẫn đang làm việc với chiến lược này. Chúng tôi không cam kết bất cứ điều gì trong năm nay.”
Theo Nguyễn Hải
Theo Trí Thức Trẻ/GenK