Trong vài năm gần đây, thị trường điện máy Việt Nam bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Những tên tuổi lớn một thời ngậm ngùi rời bỏ cuộc chơi nhưng cũng có tên tuổi mới nhảy vào chảo lửa hay việc xuất hiện của các doanh nghiệp ngoại. Phải chăng ngành điện máy chưa bão hòa như nhiều người vẫn nghĩ?
Câu chuyện doanh thu- lợi nhuận
Trong vài năm gần đây, thị trường điện máy Việt Nam bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Những tên tuổi lớn một thời như Top Care, Home One, Việt Long Best Carings ngậm ngùi rời bỏ cuộc chơi, hay mới đây thương hiệu Hoàn Long Computer cũng thông báo ngừng hoạt động.
Nhưng cũng có tên tuổi mới nhảy vào "chảo lửa" như Vinpro thuộc tập đoàn Vingroup hồi cuối tháng 3 năm nay, hay việc xuất hiện của các doanh nghiệp ngoại như Central Group mua lại 49% cổ phần Nguyễn Kim, Nojima đầu tư vào Trần Anh cho thấy ngành điện máy chưa bão hòa như nhiều người vẫn nghĩ.
Nhìn lại những tên tuổi còn lại trên thị trường điện máy đều có điểm chung là năng lực tài chính mạnh để tăng trưởng doanh thu, mặc dù có thể không có lợi nhuận.
Trong kinh doanh thường có 2 cách để tăng doanh thu hoặc tăng giá bán sản phẩm hoặc tăng sản lượng.
Tuy nhiên việc tăng giá bán là điều không thể thực hiện trong bối cảnh cạnh tranh về giá, so kè từng đợt khuyến mãi giữa các doanh nghiệp điện máy như hiện nay. Chiến lược mà phần lớn các doanh nghiệp này áp dụng hiện nay là gia tăng quy mô, hiện diện.
Mở rộng về tỉnh: Người hào hứng, kẻ thờ ơ
Khi các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh đã hiện diện đủ các hãng điện máy, một trong những bước đi tất yếu đối với các doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô là nhanh chóng tiến quân về tỉnh, nông thôn.
Năm 2015, một trong 4 ông lớn ngành điện máy hiện nay là Trần Anh từng tiết lộ kế hoạch sẵn sàng hi sinh lợi nhuận tới hết năm 2016 để theo đuổi chiến lược mở rộng quy mô đầy tham vọng và sẽ cán mốc 24 siêu thị điện máy với tổng quy mô 75.000 m2, đạt độ phủ lên tới 16/26 tỉnh thành phía Bắc.
Bên cạnh Trần Anh còn có những tên tuổi khác tham gia cuộc đua như Media Mart mở rộng khai trương 6 siêu thị mới tính đến tháng 1/2016 nâng tổng siêu thị trên toàn quốc lên 21.
Điện máy xanh dự kiến hoàn thành chuỗi 70 siêu thị trong năm nay với quy mô nhỏ hơn so với trung bình. Hay như kế hoạch của Vingroup năm 2015 sẽ phát triển chuỗi cửa hàng trên toàn quốc với 25 trung tâm công nghệ VinPro và 100 cửa hàng VinPro+.
Thế nhưng, tên tuổi lớn khác là PICO lại đứng ngoài cuộc chạy đua này khi không mở thêm bất cứ siêu thị nào trong năm nay, vẫn giữ nguyên 4 siêu thị tại Hà Nội. Theo chia sẻ của ông Trịnh Đức Tuấn, phó tổng giám đốc PICO cho biết công ty xác định sang năm 2016, lĩnh vực kinh doanh chính sẽ quay trở lại điện máy và địa bàn tập trung vẫn sẽ là Hà Nội.
“Kế hoạch mở rộng điểm chúng tôi đã có và nó sẽ nằm ở Hà Nội. Một trung tâm mới hiện chỉ cần rộng khoảng 1.500m2 là vừa đủ cho việc trưng bày, quầy kệ và bán hàng. Thậm chí, chúng tôi cũng đang nghiên cứu tạo ra những cửa hàng trưng bày nhỏ hơn và hướng khách hàng sang mua online”.
Nhận xét về chiến lược tiến quân ra tỉnh, ông Tuấn không cho rằng đây là ý kiến hay. Chiến lược này đặt ra 2 câu hỏi lớn:
Thứ 1, dung lượng của các tỉnh vẫn còn quá nhỏ, nhu cầu thị trường chưa lớn nên khi có 2-3 thương hiệu cùng nhảy vào thị trường chắc chắn sẽ dẫn tới thua trận cho cả các bên.
Thứ 2, khác với ngành hàng di dộng, công nghệ không tốn kém chi phí vận chuyển, bảo hành, lắp đặt khi mở rộng quy mô ra các tỉnh, ngành điện máy lại có yêu cầu khá cao. Vấn đề logistics, quản lý chuỗi khi đưa hàng điện máy về tỉnh vẫn là bài toán khó với các doanh nghiệp ngành này.
Trái ngược với ý kiến từ phía PICO, ông Ngô Thành Đạt, giám đốc Marketing Trần Anh lại cho rằng khó khăn về logistics hay cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn là khó chung của tất cả ngành, nghề kinh doanh, không riêng gì ngành điện máy.
Doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải mở rộng chuỗi, muốn phát triển thì phải cạnh tranh.
Một doanh nghiệp khác cũng khá hào hứng với chiến lược này là Media Mart. Theo ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc Media Mart, hiện tỷ trọng doanh thu của công ty từ các thị trường tỉnh của một số nhóm hàng công nghệ thiết bị di động đang có xu hướng tăng gần và thậm chí còn lớn hơn khu vực nội đô.
Việc chiếm lĩnh thị trường các tỉnh góp phần tăng trưởng doanh thu đột biến cho Media Mart năm 2014 với 3.750 tỷ đồng (tăng 96,6% so với năm 2013). Media Mart cũng đặt mục tiêu doanh thu năm 2015 với tham vọng 6.350 tỷ đồng.
Theo Media Mart, khi tiến quân về tỉnh, chi phí mặt bằng rẻ hơn nhiều so với khu vực thành phố lớn như Hà Nội, chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh do thị trường chủ yếu các cửa hàng điện máy nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp là lợi thế của các doanh nghiệp điện máy lớn.
Một khi áp dụng chiến thuật mở rộng quy mô trên, các doanh nghiệp điện máy đều phải chấp nhận rủi ro kèm theo đó là tốn kém về mặt chi phí.
Tuy nhiên giữa bối cảnh thị trường được phân chia khá đồng đều, chưa có doanh nghiệp nào chiếm lĩnh tuyệt đối, cuộc đua này sẽ quyết định ai là người chiến thắng. Và, thời gian tới hứa hẹn thị trường điện máy sẽ còn khốc liệt hơn nữa.
Kim Thủy
Theo Trí Thức Trẻ