Trong năm 2015, hàng loạt các đại gia Việt nổi tiếng và cả kín tiếng đã thực hiện các thương vụ bất ngờ trị giá hàng ngàn tỷ đồng với những món hời ít ai ngờ tới. Trong đó, thương vụ bán khách sạn Kim Liên mang về cho Nhà nước hơn 1 ngàn tỷ, gấp gần 10 lần so với dự kiến.

thuongvu

Không ít các đại gia Việt được cho là đã kiếm những khoản lời lớn. Tài sản của người giàu Việt tiếp tục bùng nổ nhờ vị thế và khả năng nắm bắt thông tin cũng như năng lực xoay sở vốn đầy ngạc nhiên của họ.

Sáng 25/12, sàn chứng khoán UPCOM của Việt Nam bất ngờ được giới đầu tư quan tâm đột xuất. Thị trường chứng khoán (TTCK) đã chứng kiến một thương vụ 2.000 tỷ đồng chấn động Việt Nam. Hơn 122 triệu cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam - Gelex, trị giá hơn 2,1 ngàn tỷ đồng đã được chuyển nhượng trong vòng 30 phút.

Cũng trong ngày này, Masan (MSN) cũng đạt thỏa thuận bán 25% cổ phần Masan Consumer Holdings và 33.3% cổ phần Masan Brewery cho đối tác chiến lược với Singha Asia Holding Pte Ltd (Thái Lan) với giá 1,1 tỷ USD.
Một ngày cuối năm, hai thương vụ ngàn tỷ chấn động có thể được xem là một dấu ấn đáng nhớ cho một năm với rất nhiều thương vụ khủng như 2015

Gelex sở hữu vốn tại nhiều thương hiệu lớn như: Cadivi, Thibidi, HEM, Vinakip... và nhiều BĐS đất vàng như: Khách sạn Melia 44B Lý Thường Kiệt, 52 Lê Đại Hành; 10 Trần Nguyên Hãn và 27- 29 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Vì thế, nhiều NĐT tỏ ra tiếc nuối vì đã không tham gia được vào vụ mua bán này. Nhiều NĐT cho rằng, đây có thể là một thương vụ hời cho người mua.

Hiện tượng tư nhân vào mua cổ phần vào quản lý điều hành các DN có nguồn gốc Nhà nước và thu về hiệu quả cao không phải hiếm. Từ lâu đã có nhiều DN cổ phần hóa phát triển mạnh mẽ như: Vinamilk, Vinacafe Biên Hòa, TCT Xây dựng đường thuỷ và Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải, Nông dược HAI... Không ít các đại gia hưởng lợi từ quá trình này.

Doanh nhân 8x Trần Tuấn Lộc quản lý Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đầu 2015 đã hoàn tất thương vụ M&A Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP (Cienco 4). Giữa 2015, Tuấn Lộc cũng đã “lướt sóng” cổ phiếu CII lãi 70 tỷ đồng chưa đầy một tháng giao dịch.

Tập đoàn Kinh Đô (KDC) trong quý II/2015 cũng đã thu về hơn 6,5 ngàn tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động tài chính do bán mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại. Không ít cổ đông sau đó đã được chia cổ tức khủng với tỷ lệ lên tới 200%.

 thương vụ

Cổ phần hóa mang đến sức sống mới cho nhiều doanh nghiệp.

CEO Cảng Đoạn Xá (DXP), ông Trần Việt Hùng, gần đây cũng đã kiếm cả chục tỷ nhờ chênh lệch mua bán cổ phiếu DXP, mua lô cổ phiếu DXP do Vinalines thoái vốn và bán ra sau 6 tháng.

Vụ “lướt sóng” cổ phiếu của Công ty Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) hồi tháng 11 cũng đã mang về cho DN này hơn 250 tỷ đồng trong vòng chưa đến 2 tuần. Việc hoàn thành kế hoạch năm của SHN theo cách này xem ra khá dễ dàng.
TTCK cũng chứng kiến “thương vụ” phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) cho gần 900 nhân viên trị giá hơn 500 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG).

Cơ hội nhiều, dòng tiền ồ ạt

Trong tháng 12, tập đoàn bán lẻ Pháp Casino Group phát đi thông tin có kế hoạch bán đi mảng hoạt động tại Việt Nam. Điều này có nghĩa rất có thể chuỗi siêu thị Big C Việt Nam sẽ bị bán đi.

Tờ Bloomberg dẫn lời một chuyên gia phân tích cho rằng, thương vụ có thể có giá lên tới 800 triệu USD, gần bằng con số 870 triệu mà Metro tính bán cho một DN Thái Lan. Các NĐT Thái không chỉ tấn công vào mảng bán lẻ của Việt Nam, mà còn rất nhiều lĩnh vực như sản xuất: nhựa, vật liệu xây dựng...

Năm 2015, giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám trị giá hàng ngàn tỷ đồng như: Vingroup thâu tóm StarCity Centre , Gamuda thâu tóm Celadon City , Chow Tai Fook thâu tóm Casino Nam Hội An...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bán hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực không cần thiết phải nắm giữ.

Trong lĩnh vực ô tô, Charatchakarn - DN phân phối xe tải Hino lớn tại Thái Lan - tăng sở hữu tại Ô tô Trường Long lên gần 28%; Finansia Syrus Securities (Thái Lan) mua 6% cổ phiếu Savico; PYN Elite Fund (Phần Lan) mua hơn 10% Hoàng Huy.

Đầu 2015, CTCP Cơ điện lạnh (REE) công bố quả ngọt từ hơn 3 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư vào các công ty liên kết.
Phiên đấu giá Khách sạn Kim Liên của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng mang về cho Nhà nước hơn một ngàn tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với mức giá đem ra chào bán.

Hàng loạt các thương vụ khủng trong năm 2015 là một dấu hiệu cho thấy dòng tiền trong nền kinh tế Việt Nam đang vận động nhanh hơn và ấn tượng hơn. Các chính sách tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm: tái cơ cấu đầu tư công; tái cấu trúc hệ thống NH; tái cấu trúc DNNN đang tạo ra động lực và nguồn lực mới cho nền kinh tế.

Dòng tiền tiền lớn đến từ hơn 90 triệu người dân trong nước, hơn 4 triệu Việt kiều ở nước ngoài và các NĐT ngoại. Trên thực tế, dòng vốn và những đồng tiền thông minh luôn dịch chuyển nhanh chóng, tới những nơi có lợi ích hoặc tiềm năng sinh ra lợi ích. Trong quá trình tái cấu trúc, việc hút các dòng tiền là cốt lõi cho phát triển. Các chính sách tạo ra môi trường hấp dẫn đi cùng với cơ chế giám sát minh bạch và yếu tố then chốt, tạo nền tảng cho phát triển.

M.Hà

Theo VietnamNet

Pin It
Henry Chester

"Nhiệt tình là tài sản vĩ đại nhất trên thế giới. Nó đánh đổ cả tiền, quyền lực và tầm ảnh hưởng."

User Menu