Sau khi bán đi Kinh Đô bánh kẹo, anh em Trần Lệ Nguyên – Trần Kim Thành sẽ cần một quãng thời gian khá dài để Kinh Đô mới tráng lệ như trước. Đại hội cổ đông Kinh Đô năm nay diễn ra với không khí vui vẻ hơn mọi năm.

Vui vì kế hoạch cổ tức của Kinh Đô năm nay là 14%, cổ tức tiền mặt, và quan trọng, mức chi trả cổ tức đặc biệt 200% sau khi thương vụ hơn 7.800 tỉ đồng với Mondelez hoàn tất.

kinh đô

Mảng bánh kẹo của Kinh Đô sẽ còn mang về doanh thu cho công ty đến hết quý 2 và dự kiến, sau khi chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho Mondelez và chi trả cổ tức đặc biệt, nguồn tiền dư của KDC lên tới 3.300 tỉ đồng. Cũng vì vậy, công ty đặt ra mức lợi nhuận trước thuế năm nay cao hơn hẳn mọi năm, 6.500 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế có thể đạt khoảng 5,4 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 9 lần so với năm 2014.

kinh đô

Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh dự báo chỉ đạt 3.000 tỉ đồng, giảm tới hơn 40% so với năm 2014. Với việc dự kiến thương vụ với Mondelez sẽ kết thúc vào cuối tháng 6, Kinh Đô sẽ bị mất phần doanh thu rất lớn trong quý 3 – thời điểm Trung Thu diễn ra.

Bán đi mảng bánh kẹo cốt lõi, có lẽ Kinh Đô vui nhiều hơn buồn. Họ đã “chốt lời” rất tốt cho mảng kinh doanh chính nhưng đã mất động lực tăng trưởng. Doanh thu của Kinh Đô luôn quanh mức 5.000 tỉ đồng từ vài năm nay.

Nguồn tiền này sẽ được dùng để đầu tư cho những lĩnh vực mới mà công ty nhắm đến. Đó là mảng thực phẩm và gia vị với dầu ăn, bột nêm, mì ăn liền, kem. Số tiền hơn 1.700 tỉ đồng tiền mặt trong quý 1 cũng đã được sử dụng để đầu tư cho hệ thống phân phối các mặt hàng này.

kinh đô

Dù ban lãnh đạo tỏ ra rất tự tin với những lĩnh vực mới, giới phân tích nhận định, sẽ phải mất vài năm để tối ưu hóa cơ cấu kinh doanh, Kinh Đô mới tìm lại được tỷ suất lợi nhuận thuần của mảng bánh kẹo.

Kinh Đô đã đầu tư rất lớn vào những lĩnh vực mới. Trong đó dầu ăn được hướng tới là mũi nhọn thay thế cho mảng bánh kẹo cũ.

Mục tiêu này được cụ thể hóa bằng việc mua lại Vocarimex – một trong những DN dầu ăn lớn nhất hiện tại. Hiện tại, Kinh Đô đang nắm giữ 24% cổ phần của Vocarimex và sẽ chi hơn 500 tỉ đồng nữa để nâng tỉ lệ sở hữu lên 51% để nắm quyền chi phối công ty này.

Việc chuẩn bị cho quá trình này đang được gấp rút thực hiện. Để tăng sở hữu trong Vocarimex, Kinh Đô phải xin phép Ủy ban Chứng khoán chào mua công khai và đồng thời nộp báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2014 của Vocarimex.

Đến thời điểm hiện tại, Vocarimex đã phát hành báo cáo tài chính năm 2014 và quý 1/2015, nhiều khả năng thương vụ sẽ được tiến hành trong thời gian sắp tới.

Nắm giữ Vocarimex, Kinh Đô có nhiều lợi thế trên thị trường dầu ăn. Đây là DN cung cấp dầu nguyên liệu lớn nhất Việt Nam. 95% doanh thu và lợi nhuận của Vocarimex đến từ việc kinh doanh dầu xá (dầu nguyên liệu) bán lại cho các công ty con. Công ty còn nắm giữ cổ phần tại các công ty dầu ăn lớn nhất Việt Nam như dầu Tường An, Cái Lân.

Với mảng dầu chai, nhãn hiệu riêng Voca của Vocarimex sẽ có thêm người anh em là sản phẩm dầu ăn An Hảo mới, cũng trong nhóm thương hiệu Đại gia đình của Kinh Đô.

Ngoài Vocarimex, Kinh Đô tiếp còn tiến hành liên doanh với Felda Global Venture của Malaysia, một trong những công ty trồng và sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và Indo – Trans Logistics Corporation, một công ty chuyên về dịch vụ Logistics.

Liên doanh này sẽ hoàn thiện mảng dầu ăn của Vocarimex từ cung cấp nguyên vật liệu (FGV và ITL), chế biến (Vocarimex) và cuối cùng là phân phối (Kinh Đô).

Lãnh đạo công ty cho biết, với mục tiêu của Kinh Đô là thống trị thị trường dầu ăn ở mọi phân khúc, tập trung vào khách hàng bán lẻ: người tiêu dùng phổ thông, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê. Vì vậy, công ty sẽ tập trung vào xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối.

Đầu năm 2015, Kinh Đô cũng đã lặng lẽ tung sản phẩm mỳ gói Đại gia đình ra thị trường. Ông Trần Quốc Việt, phó tổng giám đốc Kinh Đô cho biết đây là động thái thăm dò thị trường cũng như phản ứng của đối thủ trước khi Kinh Đô tiến hành quảng cáo mạnh mẽ cho thương hiệu mới này.

kinh đô

Các mảng kinh doanh mới của Kinh Đô

Tạm gác lại những giao dịch cổ đông lớn nội bộ khiến nhiều người đồn đoán, những động thái của ban lãnh đạo Kinh Đô cho thấy, công ty đang hướng tới một chiến lược nghiêm túc để giành vị trí số 1 trong chiến trường mới. Mặc dù vậy, mục tiêu của Kinh Đô không hề dễ dàng.

Thị trường dầu ăn bán lẻ hiện tại có cái tên rất lớn là Wilmar – tập đoàn sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới với các thương hiệu dầu ăn Neptune, Simply, Meizan,... Wilmar hiện đang sở hữu 68% cổ phần dầu ăn Cái Lân, 32% còn lại thuộc về chính Vocarimex.

Trong các lĩnh vực khác như mì gói, đối thủ của Kinh Đô cũng rất nặng ký như Vina Acecook, Masan, Asia Food, Vifon,...

Đường về “kinh đô” chắc chắn sẽ không dễ dàng. “Phải mất ít nhất 24 tháng để Kinh Đô quay về mốc doanh thu 5.000 tỉ đồng khi còn mảng bánh kẹo”, phó tổng giám đốc Trần Quốc Việt từng nhận định như thế tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông mới đây. Tuy nhiên, vị này cam kết: “Trong vòng 3 năm, chúng tôi sẽ quay trở lại mốc lợi nhuận 600 tỉ của năm 2014”.

Trang Lam

Theo Trí Thức Trẻ

Pin It
Theodore Levitt

"Không có cái ngành kinh doanh nào gọi là ngành dịch vụ cả. Chỉ có những ngành mà phần dịch vụ đóng góp nhiều hơn hay kém hơn các ngành khác. Mọi người đều làm dịch vụ"

User Menu