Trong năm 2014, Asanzo đã bán được hơn 122.000 chiếc tivi. Sang 5 tháng đầu năm 2015, con số đó tăng lên 255.000 chiếc, phần lớn ở thị trường nông thôn.

Giữa tháng 5 vừa qua, một doanh nghiệp điện tử lớn đến từ Trung Quốc đã tổ chức hội nghị khách hàng lần đầu tiên sau 16 năm tham gia thị trường Việt Nam. Tại sự kiện này, lãnh đạo Công ty cho biết họ sẽ thay đổi chiến lược tại thị trường Việt Nam. Công ty này sẽ định vị lại sản phẩm cũng như truyền thông để bước vào phân khúc cao hơn, sau thời gian dài thống trị thị trường tivi giá rẻ ở nông thôn Việt Nam.

Sự thay đổi này có thể xuất phát từ những mục tiêu mới. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ lý do vị thế của họ tại nông thôn đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ðiều ngạc nhiên là một trong những đối thủ của doanh nghiệp này ở nông thôn lại là một cái tên hoàn toàn mới trên thị trường hàng điện tử: Công ty Asanzo của ông chủ trẻ Phạm Văn Tam.

Theo thống kê của Asanzo, trong năm 2014, họ đã bán được hơn 122.000 chiếc tivi. Còn 5 tháng đầu năm 2015, con số đó là hơn 255.000 chiếc, phần lớn tập trung ở thị trường nông thôn.

Dùng giá rẻ chiếm lĩnh nông thôn
Lĩnh vực điện tử, đặc biệt ở mặt hàng tivi, luôn là một trong những thị trường cạnh tranh khốc liệt với những tên tuổi lớn như Sony, Samsung, LG, TCL, Belco, SAM hay VTB. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường GFK, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,2 triệu chiếc tivi và nhóm thương hiệu nước ngoài chiếm 80%. Do đó, việc một tên tuổi mới toanh như Asanzo tiêu thụ được lượng lớn tivi như vậy là điều rất bất ngờ.

Phạm văn tâm

Ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Asanzo

“Phân khúc khách hàng mục tiêu của Asanzo là người có thu nhập thấp”, ông Tam nói. Theo vị doanh nhân này, hầu hết các hãng tivi lớn tại Việt Nam đều đi vào phân khúc trung cao với kích thước 40-50 inch và công nghệ OLED hay 4K.

Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, nhiều người vẫn đang dùng tivi từ 25 inch trở xuống. Thậm chí, không ít gia đình vẫn dùng chiếc tivi dày cộm từ rất lâu đời. Do đó, nhu cầu sở hữu một chiếc tivi mới giá rẻ ở khu vực nông thôn còn rất cao. Theo ông Tam, hiện thị trường nông thôn chiếm đến 70% doanh số của Asanzo.

Dòng tivi Led của Asanzo hiện được xem là rẻ nhất tại Việt Nam với giá bán chỉ khoảng 3 triệu đồng cho một tivi Full HD. “Hiện tại, phân khúc tivi LED ở Việt Nam ít nhà sản xuất mặn mà, nên tôi vẫn xác định mình sẽ nhận miếng bánh này. Còn dòng tivi CRT cũ, mỗi tháng Asanzo xuất xưởng khoảng 30.000 chiếc mà không đủ cung ứng thị trường”, ông Tam cho hay.

Giá rẻ là yếu tố đầu tiên giúp Asanzo có thể cạnh tranh tốt. Để có được một chiếc tivi giá thấp, Asanzo áp dụng phương thức cải tiến hoặc giảm bớt các tính năng thừa không cần thiết. Theo ông Tam, chất lượng linh kiện đều được nhập từ cùng một nhà máy như nhiều thương hiệu nổi tiếng khác, cho nên chất lượng hoàn thiện sản phẩm không hề thay đổi. Asanzo chỉ bớt đi một số tính tăng ít quan trọng, nhờ đó sẽ giúp giá tivi rẻ hơn.

Ngoài ra, ông Tam cho rằng một trong những cách giúp Asanzo giảm thiểu chi phí là việc bỏ qua khâu trung gian, tự nhập khẩu linh kiện từ chính các nhà sản xuất. “Một chiếc tivi của Asanzo rẻ hơn sản phẩm cùng loại của thương hiệu khác khoảng 30%, trong khi chất lượng sử dụng lại khá tương đồng”, ông nói.

Chiến lược giá rẻ cũng giúp Asanzo xây dựng được mối quan hệ rất tốt với các nhà phân phối, đặc biệt là ở thị trường nông thôn. Theo ông Tam, ví dụ trong cùng khu vực có 2 cửa hàng bán sản phẩm điện tử. Sản phẩm của một thương hiệu lớn chiết khấu cho mỗi cửa hàng là 5%, nên để bán được hàng, 2 cửa hàng sẽ phải giảm giá khiến lợi nhuận rất thấp.

phạm văn tâm

Trụ sở công ty Asanzo tại Việt Nam

“Bán sản phẩm thương hiệu lớn, lợi nhuận của đại lý chỉ được 100.000 đồng/cái, trong khi bán của mình lãi 200.000 đồng/cái. Sản phẩm của mình có giá thấp hơn nên họ sẽ thuyết phục khách mua Asanzo”, Tam giải thích.

Hàng điện tử giá rẻ là phân khúc mà nhiều doanh nghiệp điện tử của Việt Nam như TBV, SAM hay Belco chọn làm nơi ẩn náu để tránh đối đầu với các ông lớn. Vậy vì sao Asanzo vẫn sống được trong khi các thương hiệu Việt khác khó cạnh tranh?

Theo phân tích của ông Tam, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều có nhà máy công suất lớn. Do mỗi tháng cả thị trường Việt Nam chỉ tiêu thụ được vài chục ngàn chiếc tivi giá rẻ, nên việc nhiều doanh nghiệp tập trung vào sẽ khiến cạnh tranh khốc liệt. Sản lượng và doanh số vì thế sẽ thấp.

Trong khi đó, với Asanzo, bên cạnh việc chỉ chọn phân khúc giá thấp, mô hình kinh doanh cũng rất linh hoạt. Bên cạnh lĩnh vực tivi, Asanzo còn sản xuất các mặt hàng khác như điện lạnh gia dụng và điện lạnh.

“200 công nhân của Asanzo là những người được đào tạo đa nghề. Họ có thể lắp ráp được cả tivi, điện gia dụng và điện lạnh. Khi thị trường tivi ế thì Công ty chuyển sang lắp ráp điện gia dụng. Khi điện gia dụng ế thì lại chuyển sang lắp ráp điện lạnh”, ông cho biết.

Một nghịch lý là mặc dù làm hàng giá rẻ, nhưng theo tiết lộ của ông Tam, lợi nhuận cũng không hề thấp. Ông chủ Asanzo cho biết hiện tỉ suất lợi nhuận của sản phẩm tivi là khoảng 10%. Còn với mặt hàng điện gia dụng và điện lạnh thì có thể lên đến 30%.

Một nghịch lý là mặc dù làm hàng giá rẻ, nhưng lợi nhuận không hề thấp.

Kinh doanh kiểu thực tế
Ông Tam sinh năm 1980 trong một gia đình có truyền thống kinh doanh các mặt hàng điện tử ở Quảng Ninh. Năm 2002, Tam quyết định vào TP.HCM lập nghiệp khi mới 23 tuổi. Cũng như những người chuyên buôn bán đồ điện tử thời điểm đó, ông chọn khu vực chợ Nhật Tảo để phát triển các mối hàng kinh doanh điện tử gia dụng. Tại đây, ông may mắn được nhiều tiểu thương truyền đạt kinh nghiệm buôn bán, rồi dần dà trở thành mối ruột của họ.

Để có nguồn hàng ổn định, ông đã sang tận Nhật, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc... lấy hàng, chủ yếu là tivi và đầu đĩa về tiêu thụ tại Việt Nam.

“Công việc kinh doanh linh kiện điện tử của tôi cũng bình thường như các tiểu thương khác. Tuy nhiên, vụ Tân Trường Sanh buôn lậu hàng điện tử và xe hơi diễn ra khiến hàng loạt tiểu thương bị hụt nguồn hàng. Tôi lại có lợi thế nguồn hàng ổn định nên rất nhiều tiểu thương đến đặt hàng, thậm chí còn trả tiền mặt trước và sẵn sàng hỗ trợ tối đa về nguồn vốn. Tôi bắt đầu phất lên từ đó”, ông nhớ lại.

Phân phối linh kiện khoảng 8 năm, ông bắt đầu chuyển sang lắp ráp sản xuất, nhưng sản phẩm làm ra vẫn chưa có một thương hiệu riêng. Sau nhiều năm hoạt động trong ngành, ông Tam thấy rằng công thức thành công của lĩnh vực sản xuất điện tử là không khó. Người tiêu dùng cũng đang ngày càng quan tâm đến sản phẩm Việt Nam, còn thị trường lại đang bị thương hiệu ngoại thống lĩnh.

“Tôi tự hỏi tại sao không tạo ra một thương hiệu điện tử cho riêng mình”, ông kể. Ðến đầu năm 2014, sau khi đã tích lũy được một số vốn, ông quyết định đầu tư khoảng 400 tỉ đồng xây dựng nhà máy tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc (TP.HCM) và cho ra mắt sản phẩm tivi mang thương hiệu Asanzo.

Ông Tam cho biết nhờ nhập linh kiện máy móc từ nước ngoài lâu năm, nhà cung cấp nhận thấy uy tín của Công ty nên đã hỗ trợ và ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật, chuyển giao dây chuyền sản xuất lắp ráp từ Nhật. Mỗi tháng, phía đối tác lại cử các chuyên gia sang Việt Nam hướng dẫn cho đội ngũ kỹ thuật của Công ty.

phạm văn tâm

Phạm Văn Tam tại nhà máy của mình ở TP HCM . Ảnh: MH.

Theo ông Tam, hiện xu thế là thay đổi tivi như những món hàng thời trang. Và thực tế là các hãng sản xuất tivi lớn chủ yếu đầu tư nghiên cứu những loại tivi hiện đại hơn, nhiều tiện ích hơn để tạo nhu cầu tăng doanh số chứ ít khi quay về phân khúc giá trị thấp. Do đó, phân khúc khiêm tốn này sẽ bảo đảm cho Asanzo sống tốt thêm một thời gian nữa.

“Hiện tại hàng của Asanzo sản xuất không đủ để bán. Ở Việt Nam, phải ít nhất 10 năm nữa thì tivi giá rẻ mới hết đất sống. Đó là khoảng thời gian đủ dài để Asanzo có thể điều chỉnh thay đổi chiến lược”, ông nhận định.

Bên cạnh việc sản xuất dòng tivi CRT và LED, hiện Asanzo của ông Tam vẫn phát triển song song dòng tivi Smart với hệ điều hành Android để đáp ứng cho phân khúc gia đình có điều kiện, nhưng giá bán vẫn rất hấp dẫn. Ví dụ, dòng tivi Smart 50 inch của Asanzo có giá chỉ tầm 9 triệu đồng, so với mức giá khoảng 23 triệu đồng cho một sản phẩm tương tự của hãng lớn.

“Mình không cần phải sáng tạo hay đột phá, bởi nếu làm cũng không bằng các doanh nghiệp lớn. Không phải lĩnh vực nào đầu tư nghiên cứu phát triển cũng là tốt. Nền tảng của thế giới đã có sẵn, mình chỉ cần sao chép, tối ưu hóa các chi phí để có giá cạnh tranh nhất là đủ”, ông đúc kết.

Theo: Đăng Hùng
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Pin It
C. V. Ramanan

"Không thể có một cách làm đúng cho một hành động sai."

User Menu