Kịch bản “nuốt” nhau giữa các “đại gia” trong nhóm Big Oil - nhóm 5 công ty dầu khí lớn nhất thế giới đang được nghĩ tới sau thương vụ mua lại Tập đoàn Năng lượng BG (Anh) với giá gần 70 tỉ USD mới đây của Shell.
Biếm họa về kịch bản ExxonMobil “nuốt” BP.
Shell - “Đế chế” LNG mới?
Theo thỏa thuận giữa Shell và BG, Shell sẽ trả 383 pence bằng tiền mặt và 0,4454 cổ phiếu hạng B của Shell cho mỗi cổ phần của BG. Con số này tương đương với khoảng 1.367 pence/cổ phiếu và nâng giá trị thị trường của BG lên khoảng 47 tỉ bảng Anh (tương đương với 70 tỉ USD). Đây là hợp đồng lớn đầu tiên của thế giới kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm vào mùa hè năm ngoái và cũng là thỏa thuận mua bán lớn nhất trong ngành dầu khí thế giới, ít nhất là trong vòng một thập niên qua. Đồng thời, sự kiện này cũng được coi là “cú nổ” đầu tiên, mở màn cho chuỗi các thương vụ thâu tóm, sáp nhập các đối thủ nhỏ hơn và đang phải chật vật đối phó với những khó khăn tài chính của các đại gia năng lượng thế giới được dự đoán sẽ xảy ra trong thời gian sắp tới.
Biếm họa về kịch bản ExxonMobil “nuốt” BP
Tập đoàn BG (BG Group) thành lập năm 1997, là một công ty dầu khí đa quốc gia có trụ sở tại Reading, Vương quốc Anh, hoạt động tại hơn 20 quốc gia trên khắp châu Phi, châu Á, châu Đại dương, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Mảng thăm dò, khai thác, sản xuất, hóa lỏng khí, vận chuyển và marketing LNG của BG được coi là lĩnh vực kinh doanh chủ đạo và mạnh nhất của tập đoàn này. BG chính là công ty tiên phong đầu tư vào dự án hóa lỏng và vận chuyển khí đốt khai thác từ các vỉa than đầu tiên của thế giới tại miền Đông Australia vào năm 2010. Tập đoàn này cũng từng là nhà cung cấp LNG lớn nhất cho Mỹ - quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, BG đang ở trong thời kỳ chật vật về tài chính, cổ phiếu của công ty đã giảm 30% trên thị trường chứng khoán kể từ tháng 5-2014. Giá dầu giảm là nguyên nhân khách quan đẩy BG vào tình cảnh khó khăn, nhưng các phi vụ đầu tư có phần phiêu lưu và lục đục nội bộ mới được nhắc tới nhiều trong câu chuyện của hãng dầu khí Anh. Và Shell đã không để cơ hội đó tuột khỏi tay.
Hơn bất kỳ đối thủ nào khác, Shell rất tham vọng và gần như đặt cược tương lai của mình vào khí đốt tự nhiên, đặc biệt là LNG. Trong thập niên qua, Shell đã đầu tư 56 tỉ USD vào các nhà máy làm mát, các kho cảng và các phương tiện cần thiết để sản xuất LNG cũng như các nhiên liệu có nguồn gốc từ khí đốt. Shell cũng là người tiên phong trong quá trình vận chuyển gas tự nhiên dạng lỏng ra nước ngoài trong nhiều thập niên gần đây. Bản thân các đối thủ cạnh tranh lớn của Shell như Chevron cũng đang đánh cuộc rằng, LNG sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các nền kinh tế đang phát triển như một sản phẩm thay thế cho nguồn năng lượng “bẩn hơn” như than đá.
Khi gặp rắc rối ở Argentina, bị chính phủ nước này tịch thu cổ phần trong Công ty YPF vào tháng 4-2012, Tập đoàn Dầu khí Repsol (Tây Ban Nha) đã gần như bị mất một nửa trữ lượng dầu mỏ của mình và phải buộc phải bán đi nhiều tài sản trong lĩnh vực LNG của mình để giảm nợ và giữ xếp hạng nợ của mình ở mức đầu tư. Shell khi đó đã nhanh chân mua lại mảng kinh doanh này của Repsol với giá 5,4 tỉ USD. Ngoài ra, Shell cũng đang phát triển dự án đóng siêu tàu nổi LNG lớn nhất thế giới có tên Predule. Dự kiến, Prelude sẽ được sử dụng để hỗ trợ việc xử lý khí đốt tự nhiên khai thác được từ các mỏ khí ở ngoài khơi Australia từ năm 2017 và sẽ hoạt động tại đây trong 25 năm.
Với việc mua lại BG Group, vị thế của Shell trong lĩnh vực LNG sẽ càng được củng cố. Danh mục đầu tư trong lĩnh vực này của Shell sẽ càng được tăng cường với các phát hiện khí đốt của BG Group ở ngoài khơi Tanzania, Đông Phi - một khu vực tăng trưởng của tương lai mà Shell bị chậm chân hơn các đối thủ khác. Shell cũng sẽ có cơ hội tiếp cận với những mỏ dầu dồi dào sản lượng ở Brazil, bổ sung tài sản trong lĩnh vực khai thác khí đá phiến sét ở Mỹ và thế chân BG trong dự án khí hóa lỏng lớn ở Australia.
Tóm lại, sau thương vụ này, công ty mới không chỉ sẽ có giá trị thị trường cao gấp 2 lần so với Tập đoàn Dầu khí Anh BP (vượt qua cả Tập đoàn Chevron của Mỹ) mà còn sẽ được bổ sung thêm 25% nguồn dự trữ dầu và khí đốt và nâng sản lượng lên 20% so với năm ngoái. Ngoài ra, với lợi thế được thừa kế đội ngũ lãnh đạo của 2 công ty, Shell cũng mong đợi sau đó tạo ra được một “đế chế” mới trong lĩnh vực LNG.
BP giật mình?
Thông tin về thương vụ đình đám của Shell, vốn được dự báo là mở màn cho xu hướng sáp nhập, mua lại trong ngành dầu khí thế giới tới đây, đương nhiên sẽ thu hút sự chú ý của giới phân tích, tư vấn, đầu tư năng lượng. Đã có nhiều người nghĩ đến một kịch bản “khó tin nhưng không ai đảm bảo được là không thể xảy ra”: Đó là việc BP - một “ông lớn” khác trong nhóm Big Oil (gồm ExxonMobil, Chevron, BP, Shell, Total) sẽ trở thành “nạn nhân” tiếp theo của xu hướng này - bị một “người khổng lồ” hơn “nuốt”. “Kẻ săn mồi” tiềm năng nhất trong kịch bản này không ai khác là ExxonMobil. Thậm chí, có nhà phân tích cho rằng, BP sẽ không thoát được, nếu ExxonMobil muốn mua.
Nghi ngờ này càng được dấy lên khi hãng dầu khí Mỹ loan báo kế hoạch chào bán trái phiếu lớn chưa từng có với giá trị lên tới 8 tỉ USD. Bản thân tình hình tài chính của ExxonMobil trong những năm gần đây rất tốt, hầu như không có nợ, với hơn 200 tỉ USD cổ phiếu được mua lại trong 16 năm qua và giá trị vốn hóa trên thị trường là 368 tỉ USD, lớn nhất trong số các công ty dầu khí. Exxon dường như có sức mạnh tài chính đủ để đảm bảo cho bất kỳ giao dịch nào.
Trong khi đó, giá trị vốn hóa trên thị trường hiện tại của BP là hơn 130 tỉ USD. Nhìn thì thấy con số đó là lớn, song “đại gia” nước Anh đang phải đối phó với rất nhiều thách thức. Việc giá dầu giảm sâu từ giữa năm ngoái càng làm BP - vốn đang phải chật vật đối phó với các khoản tiền phạt khổng lồ có thể vượt trên 40 triệu USD sau sự cố tràn dầu trên Vịnh Mexico hồi năm 2010 càng thêm khốn khó. Còn nhớ, chỉ vài tháng sau sự cố này, BP đã buộc phải bán bớt 1/3 tài sản, “co” lại quy mô hoạt động và giảm sản lượng từ gần 4 triệu thùng dầu quy đổi/ngày xuống còn gần 3 triệu thùng/ngày.
ExxonMobil sẽ được gì, thiệt gì nếu mua lại BP?
Đương nhiên, sau khi sáp nhập BP, ExxonMobil đã lớn càng thêm lớn. Ngoài ra, nếu sáp nhập BP, ExxonMobil sẽ có cơ hội tiếp quản 20% cổ phần của BP trong Tập đoàn Dầu mỏ Rosneft của Nga - một điều cực kỳ có lợi cho ExxonMobil nếu lệnh trừng phạt Nga được gỡ bỏ.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, việc một công ty năng lượng lớn nhất thế giới như ExxonMobil thâu tóm một đối thủ cũng khét tiếng không kém là BP, có thể thu hút sự chú ý của Luật Chống độc quyền trên toàn cầu. Ngoài ra, Chính phủ Anh rất có khả năng sẽ phản đối kịch liệt và ra tay can thiệp, ngăn chặn việc để một công ty từng thuộc sở hữu nhà nước và là một trong những niềm tự hào quốc gia rơi vào tay một công ty Mỹ.
Linh Phương
Theo Petrotimes