Chiến lược giá rẻ và tập trung vào truyền hình giáo dục được đánh giá là một nước cờ hiểm của Truyền hình cáp Viettel (Viettel TV) trong thị trường tỷ USD này.
Bổn cũ soạn lại vẫn hay
Thông tin chính thức từ Viettel TV cho biết, sau khi thử nghiệm cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tại Hà Nội, TP.HCM và Hà Nam, từ tháng 4/2014, Viettel sẽ đồng loạt ra quân triển khai cung cấp dịch vụ này tại 15 tỉnh, thành phố, sau đó sẽ mở rộng ra toàn quốc.
Hiện tại, Viettel TV đã được bổ sung nhiều kênh hơn và dự kiến giá cước khoảng 30.000 đồng/tháng.
Như vậy, chiến lược giá rẻ mà Viettel sử dụng từ 10 năm trước, khi bước chân vào thị trường dịch vụ di động và đã phá thế độc quyền của MobiFone, VinaPhone đã được sử dụng lại. Và với gói cước được coi là cạnh tranh nhất thị trường hiện nay, nhiều khả năng Viettel TV sẽ khiến thị trường dậy sóng.
Hiện nay, giá thuê bao tháng thấp nhất trên thị trường thuộc về Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), với 60.000 đồng/tháng. Trong khi đó, Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) có giá thuê bao cao nhất, 110.000 đồng/tháng cho tivi thứ nhất và 33.000 đồng/tháng cho tivi thứ hai trở đi.
Trước nước cờ giá rẻ của Viettel TV, K+, một tên tuổi truyền hình trả tiền sang nhất trong hệ thống truyền hình trả tiền, cũng phải vội vàng áp dụng chiến lược giá mới. Theo đó, K+ đã điều chỉnh giá cước gói Access+ có phí thuê bao là 85.000 đồng/tháng và Premium HD là 220.000 đồng/tháng và hạ giá thiết bị đầu thu.
Ngoài K+, các nhà đài khác cũng không thể ngồi yên. Dù đã có mức thuê bao tháng khá cạnh tranh, nhưng SCTV vẫn có những động thái giảm giá các gói cước. Còn HCATV rượt đuổi bằng cách khuyến mãi nhiều dịch vụ...
Theo ông Cao Văn Liết, Tổng giám đốc K+, cạnh tranh trên thị trường truyền hình trả tiền đang ngày càng khốc liệt. Các nhà đài muốn tồn tại và phát triển cần có những điều chỉnh chiến lược. Trong đó, chiến lược về giá và cung cấp nội dung đặc sắc sẽ quyết định sự thành bại của nhà đài.
Tập trung vào giáo dục
Cùng với chiến lược giá rẻ, Viettel đang nhắm tới đối tượng khách hàng "vùng trắng" là các gia đình ở nông thôn, miền núi. Lý do cũng rất dễ hiểu, hiện đa số người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn sử dụng hệ analog miễn phí, chỉ có một bộ phận nhỏ có điều kiện sử dụng thiết bị số mặt đất hoặc IPTV. Trong khi đó, Viettel đang sở hữu hệ thống cáp quang hơn 200.000 km, phủ tới trên 95% các xã của cả nước.
Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Viettel TV cho biết, nội dung của Viettel TV sẽ tập trung vào lĩnh vực giáo dục, phổ cập y tế, cung cấp cho người xem, đặc biệt là người xem vùng sâu, vùng xa, các chương trình giáo dục từ xa, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức và đào tạo. Tham vọng của Viettel là hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh bằng truyền hình cáp.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, Viettel sẽ đưa truyền hình cáp đến các hộ gia đình, rồi đầu tư để những thầy giáo giỏi nhất nước dạy trên truyền hình, phát sóng liên tục 24/24h để trẻ em ở bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng với nhau về cơ hội học tập. Viettel cũng có giấc mơ làm một kênh lịch sử phát sóng suốt ngày, khách hàng có thể xem lại nếu cần, trẻ em ở nhà có thể học được.
"Khi đó, con em chúng ta đến trường có nhiều thời gian hơn để chơi, để trò chuyện, để học làm người, bởi hiện nay trường học dạy chữ quá nhiều", ông Hùng chia sẻ.
Hiện trên thị trường có tới hơn 90% chương trình có bản quyền nước ngoài và chủ yếu là các chương trình giải trí. Có rất ít kênh chuyên biệt về các lĩnh vực dân sinh mà chỉ có các chương trình về giáo dục, y tế của VTV. Vì vậy, nếu Viettel TV làm truyền hình y tế, giáo dục, tiêu dùng..., thì đây sẽ là một nước cờ mà các nhà đài phải dè chừng.n
Theo Hữu Tuấn.
Báo Đầu tư.