microsoft-se-mua-tiep-blackberry-de-chiec-dien-thoai-nokia-tro-nen-tuyet-voi

Thương vụ 7,2 tỷ đô của Microsoft gây bất ngờ cho nhiều người, nhưng suy ngẫm lại cũng thấy hợp lý. Như rất nhiều phân tích đã đưa, cuối cùng Microsoft cũng hiểu rằng, họ cần phải đi hai chân, cả phần mềm và thiết bị để đảm bảo sự tồn tại của Windows.

Nhiều người tranh luận Microsoft đã có một món hời, nhưng cũng chẳng giải quyết vấn đề gì, tuy vậy nếu nhìn thêm vào chi tiết, vẫn có những điều hứa hẹn dành cho Microsoft.

Thay đổi chiến lược

Bill Gates đã giữ một quan điểm lâu dài về sự tập trung vào phần mềm và bỏ qua phần cứng, ông đã đúng trong một khoảng thời gian dài. Với lợi thế đi trước và cái bắt tay hợp tác với các hãng sản xuất máy tính, Microsoft chỉ tập trung phát triển hệ điều hành, ứng dụng phần mềm và đảm bảo khả năng hoạt động hiệu quả trên mọi môi trường, việc phổ biến nó sẽ thuộc về Dell, IBM, HP...

Nhưng kỷ nguyên PC đã hết, kỷ nguyên Internet tiếp nối và sắp tới là thiết bị cầm tay, Microsoft chậm chân hơn đối thủ và bị bỏ lại phía sau.

Nếu ở thời PC, dữ liệu được lưu trữ trên ổ cứng và hiển thị thông qua ứng dụng của Windows, thì thời nay, dữ liệu được lưu trên các đám mây (cloud storage) và dễ dàng hiển thị qua các ứng dụng web. Đây là thời đại của việc chia sẻ và kết nối, thời của miễn phí (freemium model).

Dù vẫn có lợi nhuận đều đặn từ việc bán ứng dụng, nhưng sự tồn tại của Microsoft bị đe dọa bởi sự lên ngôi của mobile và sự thống trị của Google. Có lẽ họ sẽ không muốn mình giống như Nokia đã lụi tàn sau ngày iPhone ra mắt.

Nhìn vào thỏa thuận mua bán này, có lý do để tin rằng Microsoft mua tài sản hơn là mua thương hiệu. Không chỉ còn là để giữ hệ điều hành Windows Phone tiếp tục tồn tại, Microsoft định vị lại mình là nhà sản xuất thiết bị và phần mềm, họ sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường phân phối điện thoại.

Microsoft đang cho thấy hai mục đích: Một sự tích hợp đồng bộ giữa hệ điều hành và thiết bị, điều mà họ không đạt được khi hai công ty độc lập và cũng không làm được nếu làm một mình (sự không thành công của surface tablet là minh chứng), cùng tiềm năng phát triển thị trường rộng lớn nơi mà Nokia vẫn giữ vị thế nổi bật tại phân khúc điện thoại tầm trung, đặc biệt tại châu Á.

Nếu biến tất cả những chiếc điện thoại của Nokia sang sử dụng hệ điều hành Windows Phone, Microsoft đã nhanh chóng đứng thành một đối trọng với Apple và Android phone trong mảng thị phần điện thoại.

Điều gì sẽ đến sau đây

Trên nền tảng mobile, hệ điều hành Android giữ vị trí thống trị với 75% thị phần, theo sau là iOS của iPhone với 17%, Windows Phone chỉ chiếm 3%. Tương tự như cách Windows thống lãnh mảng PC, nền tảng Android được ưu thích bởi rất nhiều thương hiệu, nhiều kiểu điện thoại và cũng từ đó thu hút được nhiều nhà phát triển. Điều quan trọng nhất là nó miễn phí và xây dựng dựa vào hệ sinh thái mở.

Khi đó, sự phổ biến của iOS bị giới hạn bởi số iPhone bán được. Đây cũng là lý do Apple buộc phải ra mắt phiên bản rẻ hơn, để tiếp cận tới những phân khúc thị trường khác. Là người đi sau và vị trí yếu nhất trước hai đối thủ, Microsoft cần một chiến lược phát triển thông minh và toàn vẹn.

Sau Nokia, đối tượng tiếp theo có thể là Blackberry. Với lượng tiền mặt 70 tỷ đô, Microsoft hoàn toàn có thể hoàn tất vụ thâu tóm hãng điện thoại Canada. Mảng điện thoại của Blackberry không hấp dẫn, nó đã thoái trào từ rất lâu rồi, nhưng Blackberry sở hữu những giá trị đáng mơ ước khác. Tính năng bảo mật, email, phần mềm quản lý... là sự bổ sung tuyệt vời cho những chiếc Windows Phone.

Nếu Microsoft tập trung phát triển hệ điều hành với các tiện ích phục vụ cho công việc, khác biệt với Android và iOS (nhấn mạnh vào giải trí), Blackberry là lựa chọn chiến lược khi thương hiệu đã gắn liền với những từ email, business, security.

Và như vậy, một chiếc Windows Phone sau này sẽ bao gồm các tài sản: Dữ liệu lưu trữ trên skydrive, bộ phần mềm văn phòng office 365, công cụ tìm kiếm Bing, bản đồ Nokia Here, Skype, phần mềm chat trên mobile Lync... là đủ cho những nhu cầu sử dụng căn bản.

Trên thị trường điện thoại, sẽ thật không hợp lý nếu tiếp tục phát triển dòng điện thoại cao cấp Lumia để cạnh tranh với Iphone hay Samsung galaxy S. Với thế mạnh thương hiệu ở dòng điện thoại tầm trung (các dùng Lumia 520, 620) và thị trường các nước đang phát triển của Nokia, Microsoft có thể mở rộng ảnh hưởng của Windows Phone và tạo ra một danh mục smartphone với nhiều mức giá khác nhau, như cách Samsung đang làm.

Khi không thể thuyết phục các hãng điện thoại khác sử dụng hệ điều hành Windows cho điện thoại, với Nokia, ít nhất Microsoft cũng có lợi thế hơn Apple ở việc có khả năng tạo ra nhiều dòng sản phẩm với nhiều mục đích khác nhau, để từ đó tiếp cận và mở rộng thị trường.

Khi Nokia là đơn vị duy nhất còn đắm đuối với hệ điều hành Windows Phone, Microsoft đã phải nhanh chân thực hiện một bước đi để không biến mất vĩnh viễn khỏi thị trường điện thoại, thị trường có sức quyến rũ hơn kỷ nguyên PC và là xu thế tất yếu của các người khổng lồ công nghệ. Với thương vụ Nokia, Microsoft sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tương lai.

Theo Nguyên Phương

Trí Thức Trẻ.

Pin It
Robert Anthony

"Đối nghịch với lòng can đảm không phải là sự hèn nhát mà là sự phục tùng"

User Menu