Từ đầu năm đến nay, Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG-HNX) dồn dập mở tới 7 trung tâm siêu thị điện máy giữa lúc nhiều doanh nghiệp khác phải co hẹp hoặc cầm chừng và sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh.
Liệu đây có là cuộc đua quá mạo hiểm của Trần Anh? VnEconomy đã đặt câu hỏi này tới ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Trần Anh.
Ông Kiên nói:
Quan điểm của tôi không phải làm cái gì cũng phải đi theo số đông. Có những phân tích của mình đi ngược với số đông nhiều khi lại là quyết định đúng.
Ông nói cụ thể hơn được không?
Ban lãnh đạo Trần Anh nhận định, khó khăn của nền kinh tế chỉ là ngắn hạn và nếu có xấu cũng chỉ kéo dài đến hết 2014 là cùng. Sau đó đến 2015 sẽ biến chuyển tốt lên.
Mấy năm vừa qua thị trường bị suy thoái. Đối với bán lẻ có hai yếu tố tác động chi phí lớn nhất, đó là mặt bằng và nhân viên. Nhân viên tuyển rất dễ. Nhưng mặt bằng kiếm được chỗ ưng ý là rất khó.
Có những mặt bằng trước đây khi kinh tế tốt, mình đặt vấn đề thuê nhưng họ không cho thuê vì xác định để xây chung cư, trung tâm văn phòng... để bán hoặc cho thuê thu tiền nhiều hơn. Nhưng thời điểm bây giờ, thị trường bất động sản đóng băng thì họ sẵn sàng cho thuê và giá thuê cũng rẻ hơn.
Và chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm phù hợp để mở rộng.
"Thời cơ chiếm lĩnh thị trường"
Những phân tích về thị trường như trên của Trần Anh đâu phải các doanh lớn khác trong ngành không nghĩ đến?
Như tôi đã nói, tình hình kinh tế có xấu nhất thì cùng lắm là năm rưỡi nữa sẽ qua, trong khi lúc này, đa phần mọi người đều dừng lại thì mình quyết định đầu tư và chiếm lĩnh được thị phần. Khi kinh tế tốt lên thì mình sẽ thu được thành quả.
Còn chờ dấu hiệu kinh tế tốt lên rõ nét mới nghĩ chuyện đầu tư thì nhiều khi lại là muộn.
"Cuộc đua mạo hiểm" của Trần Anh sẽ tới đâu? 1Chúng tôi xác định, nếu có xấu thì vẫn có thể chịu đựng được hai, ba năm, vì thế chúng tôi tự tin bỏ vốn ra đầu tư.Ông Trần Xuân Kiên
Đó là nhận định của chúng tôi và chúng tôi quyết định mở rộng. Kế hoạch này đã được đặt ra từ cuối năm 2012. Số lượng mở bao nhiêu, ở khu vực nào, thời điểm nào và năm 2013 chúng tôi đã đi tìm kiếm mặt bằng và mở theo đúng kế hoạch.
Còn ở góc độ đối với các doanh nghiệp khác, tôi nghĩ, nhìn nhận thời điểm đáy thị trường của mỗi người là khác nhau. Có thể có doanh nghiệp cho rằng thị trường còn khó khăn 3 - 4 năm nữa thì chưa vội đầu tư.
Yếu tố thứ hai, khi quyết định đầu tư vào thời điểm này có nghĩa sẽ có rất nhiều rủi ro. Mỗi một doanh nghiệp đều đã chuẩn bị cho việc đón nhận rủi ro đến đâu và việc chuẩn bị đấy cơ bản liên quan đến nguồn tài chính.
Nếu trong trường hợp thị trường không tốt, kết quả kinh doanh không có lãi hoặc hòa vốn hoặc lỗ. Hay nền kinh tế xấu không chỉ một năm, hai năm mà ba năm chẳng hạn, thì nguồn tài chính hiện tại của mình có vượt qua được giai đoạn đó không. Đó cũng là lý do dẫn đến quyết định doanh nghiệp có đầu tư hay không.
Nhưng thời điểm kinh tế khó khăn và sức tiêu thụ giảm sút như hiện nay, dồn dập mở nhiều như thế liệu có mạo hiểm không ông?
Thực ra các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ điện máy thì mới thấy con số đó là nhiều, nhưng còn ở lĩnh vực khác thì đâu có nhiều. Như cùng là bán lẻ, trong phân khúc hẹp hơn là bán về đồ thiết bị di động và thiết bị số thì riêng Viettel trong tháng 6 đã khai trương một lúc khoảng 30 siêu thị, hoặc năm trước có doanh nghiệp còn mở cả trăm siêu thị, tất nhiên qui mô ngành hàng di động nhỏ hơn điện máy...
Đối với điện máy, trước đây chỉ mở một cái một nên khi thấy mở 4-5 trung tâm đã coi là nhiều.
Tôi vẫn nghĩ, thời điểm này là rất tốt để doanh nghiệp có tiềm lực vươn lên chiếm lĩnh thị trường.
Khi được đối tác tập đoàn bán lẻ Nojima của Nhật Bản rót 64 tỷ đồng để sở hữu 10% cổ phần mới đây, Trần Anh cho rằng, hợp tác này để giúp công ty thực hiện chiếm lĩnh thị phần điện máy. Đó là thị phần ở Hà Nội hay cả nước, theo ông?
Chiến lược của chúng tôi là chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nói chung và phải ở trong top đầu, với một tỷ lệ thị phần tương ứng. Điều đó có nghĩa, ngoài thị trường Hà Nội, Trần Anh sẽ mở rộng ra các thị trường ở thành phố khác và ở Tp.HCM.
Có con số tỷ lệ chiếm lĩnh cụ thể không, thưa ông?
Về mục tiêu dài hạn thì chúng tôi có nhưng tôi không muốn công bố, vì nói ra mà chưa chắc đã làm được hoặc đang phấn đấu thì không hay.
Nhu cầu còn quá lớn
Theo ông, nhu cầu thị trường và mật độ dân số sử dụng sản phẩm điện tử, điện máy và công nghệ tại Việt Nam hiện như thế nào?
Về mật độ dân số sử dụng thì Việt Nam còn rất tiềm năng. Số lượng sử dụng đang là quá ít, chưa đáng kể gì. Ví dụ, một năm máy tính cá nhân tiêu thụ khoảng 1 triệu, con số đó đâu có nhiều. Ở các nước khác người ta tính chỉ số máy tính trên đầu người, hay số người sử dụng điều hòa, số người sử dụng tủ lạnh... Tại thị trường Việt Nam, tỷ lệ đó đang là quá thấp và còn rất nhiều cơ hội.
Chỉ có điều, bây giờ, do kinh tế đang khó khăn nên người tiêu dùng giảm mức độ mua sắm. Ngược lại, khi kinh tế tương đối tốt thì một trong những lĩnh vực người tiêu dùng Việt Nam ưa thích - tức sẵn sàng bỏ tiền ra mua sắm, đó là sản phẩm công nghệ.
Tính theo từng nhóm ngành hàng về điện tử điện máy, công nghệ, trừ mặt hàng điện thoại di động, thì chưa có nhóm ngành hàng nào đạt được một nửa của ngưỡng bão hòa.
Cũng như tiêu chuẩn chung về mật độ siêu thị nói chung trên số dân thì các nước trên thế giới trung bình là 100 nghìn dân/siêu thị.
Rất nhiều tiêu chí cho thấy thị trường Việt Nam, hình thức bán lẻ hiện đại và bán lẻ nói chung còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Đấy cũng là lý do các hãng đặt nhiều nhà máy và đầu tư nhiều ở Việt Nam.
Theo tôi, với các sản phẩm điện tử tiêu dùng ở Việt Nam chắc phải khoảng 10 năm nữa mới bão hòa.
Cơ hội lớn như vậy, vậy sang năm các ông có"dồn dập" mở tiếp như năm nay không?
Chúng tôi đã có kế hoạch năm sau rồi.
Riêng năm nay chúng tôi sẽ mở 10 siêu thị, tối đa là 12. Mục tiêu cố gắng trong năm nay sẽ mở xong tại Hà Nội (phủ kín thị trường) vì chúng tôi xác định cần 11 - 12 siêu thị là đủ. Thời gian ngắn tới có thêm hai siêu thị nữa được mở. Hiện ngày giờ khai trương, hợp đồng thuê mặt bằng đã chốt rồi.
Năm sau chúng tôi có kế hoạch mở tại các địa bàn ngoài Hà Nội. Hiện có hai lựa chọn. Thứ nhất sẽ mở thêm 7 - 8 siêu thị nữa ở miền Bắc, thứ hai là mở 3 siêu thị tại Tp.HCM. Cuối quí 3, hội đồng quản trị sẽ họp và lựa chọn phương án.
Ngoài ra, chúng tôi cũng còn phương án là làm song song, tuy nhiên phụ thuộc vào đối tác Nhật Bản (Tập đoàn bán lẻ Nojima) đóng góp cử người sang như thế nào, vì cùng một lúc mình có kinh nghiệm mở nhiều siêu thị trong địa bàn, nhưng các địa bàn khác nhau thì chưa chắc đã có kinh nghiệm nhiều.
Khi có sự bổ trợ của đối tác đã từng mở hàng trăm siêu thị trên toàn quốc, thì kinh nghiệm của họ sẽ giúp mình thêm tự tin.
"Tôi không quan tâm đến giá cổ phiếu"
Thương hiệu và tiềm năng doanh nghiệp sẽ phản ánh vào giá cổ phiếu nhưng sao giá cổ phiếu của Trần Anh lâu nay cứ "ì ạch đứng yên" hoặc là giảm thế?
Thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khi giá cổ phiếu và tình hình của doanh nghiệp không có sự tương đồng với nhau. Có khi doanh nghiệp lỗ cổ phiếu vẫn lên, doanh nghiệp lãi cổ phiếu lại xuống. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Có cổ phiếu người mua thấy có cơ hội kiếm được tiền thì lao vào và làm thanh khoản tăng lên.
"Cuộc đua mạo hiểm" của Trần Anh sẽ tới đâu? 3Năm ngoái giá cổ phiếu chả biến động gì nhưng chúng tôi cũng không quan tâm.Ông Trần Xuân Kiên
Thứ nữa là cổ phiếu trôi nổi bên Trần Anh quá ít, không đủ để cho họ "chơi". Họ muốn mua nhiều chẳng hạn, mua một vài nghìn cổ phiếu thì không bõ, trong khi chúng tôi không có kế hoạch pha loãng cổ phiếu. Tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi còn cỡ 5%, không đủ hấp dẫn để người ta mua vào. Khi không có mua bán thì giá niêm yết cũng chẳng ảnh hưởng gì!
Nhưng như thế, rõ ràng, kỳ vọng sinh lời của nhà đầu tư mua cổ phiếu Trần Anh là không có?
Cổ phiếu Trần Anh, với những người xác định để mua bán hàng ngày kiếm tiền thì không phù hợp. Còn những cổ đông mới thay thế không quan tâm giá cổ phiếu trên thị trường hôm nay tăng giảm thế nào thì họ vẫn đầu tư. Quỹ đầu tư Aureos Capital mua hơn 3 năm nay nhưng họ vẫn nắm giữ, có bán ra đâu, hay nhà đầu tư Nojima cũng xác định sẽ nắm giữ.
Tại thời điểm chúng tôi đàm phán với Nijoma giá cổ phiếu trên sàn chỉ 20 nghìn đồng, nhưng họ vẫn sẵn sàng giá 50 nghìn đồng, họ chẳng quan tâm đến câu chuyện giá cổ phiếu. Lúc đó, chúng tôi hoặc là phát hành thêm hoặc là bán ra, nhưng cách tốt nhất là chúng tôi đã gom lại và giá lên dần. Giá lên dần 50 nghìn đồng/cổ phiếu.
Năm ngoái giá cổ phiếu chả biến động gì nhưng chúng tôi cũng không quan tâm. Bản thân nhà đầu tư người ta sẽ hiểu giá nào là hợp lý.
Theo VnEconomy.