17270 Tran-Ba-Duong-22 b217dLà Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh nhưng vẫn nắm ghế Chủ tịch Ôtô Trường Hải. Cân đối vốn đầu tư sao cho vẹn cả đôi đàng là bài toán khó mà ông Trần Bá Dương đang cần phải giải.

Tuần qua, gần như cùng lúc xảy ra 2 sự kiện. Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) được lệnh rút khỏi dự án liên doanh với Đại Quang Minh tại Khu Đô thị Thủ Thiêm có vốn đầu tư lên tới 10.000 tỉ đồng. Trước đó, Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Nam và Bộ Tài chính xin giãn đóng hơn 1.200 tỉ đồng thuế nhập khẩu để tiếp tục đầu tư vào ngành ôtô. Thử thách lớn đang chờ ông Dương khi vừa muốn tiếp tục đổ tiền vào Chu Lai, đồng thời thọc sâu vào ngành bất động sản.

Giãn thuế vì ôtô

"Nếu Thaco được phép giãn nộp số thuế lớn như vậy thì các doanh nghiệp ôtô khác sẽ chạnh lòng", đại diện một đơn vị lắp ráp ôtô trong nước (không tiện nêu tên) nói.

Năm qua, thị trường ôtô trong nước sụt giảm hơn 30%. Trong đó, Thaco - doanh nghiệp từng dẫn đầu thị trường về sản lượng trong năm 2011 - cũng bị ảnh hưởng lớn. Tổng sản lượng, doanh thu và lợi nhuận Thaco đều lần lượt giảm 24%, 16% và 64%. Quý I/2013, tình hình kinh doanh của Thaco bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc với lợi nhuận sau thuế tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2012. Nhưng do đang vướng lượng hàng tồn và khoản nợ các tổ chức tín dụng lên tới gần 9.000 tỉ đồng nên Thaco đã đề xuất xin giãn thuế nhập khẩu trong vòng 1 năm (từ 1.7.2013 - 30.6.2014) với số tiền khoảng 1.214 tỉ đồng.

Công bằng mà nói, Thaco đã và đang có nhiều đóng góp lớn cho ngành công nghiệp ôtô trong nước với tổng vốn đầu tư đến nay lên tới 8.380 tỉ đồng chỉ riêng cho cứ điểm Chu Lai tại Quảng Nam. Trong 2 năm 2011-2012, chỉ riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp này đã đóng góp hơn 2.000 tỉ đồng cho ngân sách. Vì vậy, đề xuất giãn thuế này đã nhận được sự đồng thuận từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam và Bộ Tài chính.

Tháng 7.2012, Thaco từng ký hợp đồng vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để xây dựng nhà máy sản xuất động cơ ôtô tải, xe buýt với tổng vốn 2.600 tỉ đồng. Tuy nhiên theo quy định, BIDV chỉ cho vay không quá 1.400 tỉ đồng và Thaco bị hụt khoảng 1.200 tỉ đồng. Theo Hải quan, với mức thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất xe con từ 10-12%, xe thương mại 15-17%, dự kiến Thaco phải nộp khoảng 1.200 tỉ đồng. "Bây giờ Thaco xin giãn thuế. Khi thị trường tốt lên, chúng tôi tính toán tổng các loại thuế mà Thaco sẽ nộp cho tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới sẽ lên tới 4.200 tỉ đồng", ông Dương cho biết.

Rõ ràng, Thaco đang dồn mọi nỗ lực vượt khó để thực thi kế hoạch kinh doanh trong năm nay với tổng doanh thu dự kiến sẽ tăng khoảng 35% so với năm 2012.

Tay trái có đập tay phải?

Nhưng trong khi đang xin giãn thuế như vậy, người ta lại thấy ông Dương xuất hiện tại lễ khởi công dự án khu dân cư thấp tầng (vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính của Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, vốn 10.000 tỉ đồng. Ông xuất hiện trong vai trò Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, một trong những chủ đầu tư chính của dự án. Trước đó, Hội đồng Quản trị Thaco đã phê chuẩn cho ông Dương thôi giữ chức Tổng Giám đốc, nhưng vẫn giữ vai trò Chủ tịch.

Đáng chú ý, năm qua, trong lúc tình hình kinh doanh ôtô bị sụt giảm, Thaco lại rót vốn đáng kể vào bất động sản. Đến nay, doanh nghiệp này đã chi tới gần 1.050 tỉ đồng để nắm 30% cổ phần của Đại Quang Minh. Chưa hết, Thaco còn ứng 1.102 tỉ đồng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh (chủ đầu tư dự án Golden Palace ở Hà Nội) để sở hữu cổ phần của một đơn vị kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, Thaco cũng đã chi hơn 270 tỉ đồng cho giao dịch đất đai với một số cá nhân và doanh nghiệp tại TP.HCM và Hà Nội. Tổng cộng, trong năm qua, Thaco đã rót hơn 2.636 tỉ đồng tiền mặt vào bất động sản, tương đương 2/3 tổng mức đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất động cơ ôtô Chu Lai - Trường Hải.

Như vậy, xem ra Thaco đang muốn bắt đáy bất động sản. Nếu đã đổ hàng ngàn tỉ đồng vào bất động sản, vì sao Thaco vẫn xin giãn hơn 1.200 tỉ đồng thuế nhập khẩu? Câu trả lời khả dĩ nhất có thể tìm thấy là giải pháp cân đối dòng tiền.

Phân tích báo cáo tài chính năm 2012 và quý I/2013 của Thaco cho thấy, số tiền mặt hơn 2.600 tỉ đồng chảy vào bất động sản đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể, hiện số dư nợ ngắn hạn của Thaco đang ở mức 5.684 tỉ đồng. Do vay ngắn hạn, nên áp lực trả nợ rất lớn. Chỉ trong quý IV/2012 và quý I/2013, Thaco đã phải trả lãi vay cho các ngân hàng gần 1.000 tỉ đồng. Chưa kể số hàng tồn kho trị giá 3.385 tỉ đồng hiện đã chiếm gần 25% tổng tài sản của Công ty.

Ông Dương lý giải: "Để phát triển bền vững, chúng tôi phải tập trung vào 3 mũi nhọn chính là đầu tư sản xuất, củng cố hệ thống phân phối và tìm ngành nghề đầu tư mới để tiếp tục nâng tầm quy mô lên cao hơn".

Tuy nhiên, thông tin về việc đối tác chiến lược của Đại Quang Minh là VIDIFI vừa phải rút lui khỏi dự án đầu tư 4 tuyến đường chính của Khu Đô thị mới Thủ Thiêm sẽ gây khó khăn lớn cho ông Dương trong vai trò Tổng Giám đốc Đại Quang Minh. Vừa phải đảm bảo tiến độ để Dự án có thể hoàn thành vào năm 2016, đồng thời triển khai một dự án có nguồn vốn đầu tư lớn khác là khu dân cư thấp tầng cũng tại đây cùng dự án nhà máy chế tạo động cơ Huyndai ở Chu Lai, quả là bài toán nan giải. Liệu ông Dương có thể giải được bài toán tài chính cho cả Thaco lẫn Đại Quang Minh?

Theo Nhịp cầu đầu tư.

Peter Drucker

"Doanh nghiệp có hai chức năng, và chỉ có hai mà thôi: marketing và sáng tạo. Marketing và sáng tạo làm ra kết quả. Những thứ khác chỉ là chi phí."

User Menu