Các chuỗi thức ăn nhanh đang gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn cạnh tranh khốc liệt khi người khổng lồ McDonald's tiến vào thị trường Việt Nam.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam kết thúc ngày cuối cùng của năm 2012 bằng việc đồng loạt khai trương bốn cửa hàng thức ăn nhanh Burger King, thương hiệu công ty mua nhượng quyền. Sự kiện trên diễn ra chỉ hai tháng sau khi công ty thuộc tập đoàn Liên Thái Bình Dương này công bố kế hoạch mở rộng.
Với tốc độ mở từ 3-4 cửa hàng mỗi tháng, hiện nay, chuỗi Burger King có được 18 cửa hàng. "Tốc độ như vậy vẫn còn hơi chậm vì chưa tìm được mặt bằng như mong muốn", ông Nguyễn Hải, giám đốc điều hành (CEO) công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải Khát Việt Nam nói. Cũng trong ngày cuối năm 2012, công ty này khai trương bốn cửa hàng trong chuỗi Domino's Pizza, theo hình thức hợp đồng mua nhượng quyền.
Các thương hiệu thức ăn nhanh có mặt tại Việt Nam được cho là đang chạy nước rút để chuẩn bị cho cuộc chiến lớn dự kiến bùng nổ vào đầu năm 2014 khi chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh loại lớn nhất thế giới McDonald's vào cuộc. Ít nhất, Burger King đang tỏ ra mình ở thế thượng phong. Ông Nguyễn Hải nói: "Burger King đi trước (McDonald's). Chúng tôi phải chuẩn bị tổng lực để đến năm 2014 đẩy hết sức ra mở đầu cho giai đoạn cạnh tranh khốc liệt 2014-2017." Trên thế giới, Burger King có gần 13 ngàn cửa hàng trong khi McDonald's sở hữu trên 34 ngàn cửa hàng.
Đứng sau chiến dịch mở rộng đầy tham vọng này là một trong những nhóm công ty tên tuổi nhất trong lĩnh vực bán lẻ hiện nay, do gia đình doanh nhân Philippines gốc Việt, ông Jonathan Hạnh Nguyễn điều hành, cùng với vợ là Lê Hồng Thủy Tiên, cựu ngôi sao điện ảnh và em trai Nguyễn Hải sở hữu và điều hành. Ở cương vị tổng giám đốc tập đoàn Liên Thái Bình Dương, bà Thủy Tiên nói với báo giới rằng vốn dự kiến đầu tư phát triển hệ thống của Burger King tại Việt Nam là 40 triệu đô la Mỹ, xấp xỉ mức doanh thu cả năm 2011 của toàn thị trường thức ăn nhanh ở Việt Nam.
Trung bình, theo ông Hải, chi phí đầu tư mỗi cửa hàng Burger King tại Việt Nam khoảng 6-9 tỉ đồng. Ngoài thương hiệu Burger King, thông qua các công ty con, tập đoàn Liên Thái Bình Dương đang phát triển đang phát triển các cửa hàng nhượng quyền của Dunkin' Donuts (thuộc sở hữu của công ty Dunkin' Brands Group) và Domino's Pizza nhằm phủ rộng tất cả các phân khúc thức ăn nhanh tại Việt Nam càng sớm càng tốt.
Chưa rõ các nhà đầu tư có khiến khách hàng Viêt Nam mở hầu bao ra sao, song trước mắt, họ phải chi nhiều để để giành quyền thuê mặt bằng. Burger King sẵn sàng chi tiền giá cao hơn để thuê lại mặt bằng của đối thủ nhằm đẩy nhanh tiến độ mở rộng. Điển hình là mặt bằng của KFC tại ngã tư Nguyễn Hữu Cảnh – Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP.Hồ Chí Minh) gần đây được Burger King thuê lại với giá 10 ngàn đô la Mỹ mỗi tháng, cao hơn 21% so với mức KFC đã từng trả. Đây là khu vực "nóng" của các thương hiệu nhượng quyền khác như Texas Chicken, Carl's Jr và Wrap & Roll vốn chỉ cách đó vài bước chân. Với chiến thuật "bạo vì tiền" này, Burger King hiện là thương hiệu thức ăn nhanh có tốc độ phủ nhanh nhất Việt Nam, bất chấp việc "mức giá bất động sản Việt Nam tại các vị trí ngã ba và ngã tư vẫn đang tăng đều đặn 10 – 20% trong sáu tháng hoặc một năm," theo lời ông Nguyễn Thanh Tâm, giám đốc kinh doanh Lotteria Việt Nam. Burger King hiện là chuỗi duy nhất có mặt tại các sân bay trong nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc ... dù mức thuê mặt bằng tại các sân bay này thuộc loại hàng khá cao, khoảng 80-90 đô la Mỹ/m2.
Cách mở rộng địa bàn của Burger King được các công ty kinh doanh cùng ngành tiếp nhận với sự hoài nghi. Ông Tâm, đại diện Lotteria, cho rằng: "Cách mở rộng hàng loạt cửa hàng Burger King không thực sự hiệu quả về mặt chi phí." Ông Chu Hiếu Liêm (chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Blue Star Food, doanh nghiệp mang Baskin Robin vào Việt Nam) nhận xét: "Trong kinh doanh tôi không ủng hộ cách lấy mặt bằng như vậy. Vì nó sẽ đẩy giá mặt bằng lên. Chiến tranh về giá sẽ đi đến ngõ cụt."
Trước các lời nhận xét kể trên, ông Hải cho biết Burger King đang thực hiện chiến lược lâu dài chứ không nhìn về yếu tố lợi nhuận trước mắt. Ông nói: "Cuộc chiến kinh doanh thức ăn nhanh lúc này là cuộc chạy đua đường trường về vốn và kinh nghiệm chứ không phải là cuộc chạy điền kinh.
Bảng thống kê thị trường Fast Food tại TP.HCM
Theo khảo sát của Vinaresearch, với dân số trên 90 triệu người, trong đó khoảng trên 65% dưới 35 tuổi, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các cửa hàng thức ăn nhanh phát triển. Tốc độ tăng trưởng doanh thu ba chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất hiện nay là KFC, Lotteria và Jollibee trong hai năm qua luôn ở mức trên 30%, theo bộ Công Thương Việt Nam. Công ty Đo lường Kinh doanh Quốc tế BMI đánh giá Việt Nam vào hạng tám trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về môi trường kinh doanh thực phẩm và nước giải khát.
Gã khổng lồ McDonald's cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Cách đây 10 năm, nhiều công ty tìm cách đưa McDonald's vào Việt Nam nhưng thất bạo. Cuối năm 2012, sau khi Burger King và Subway tuyên bố kế hoạch bành trướng, lần đầu tiên McDonald's chủ động công bố với báo giới về ý định thâm nhập thị trường Việt Nam theo hình thức nhượng quyền. Hai cửa hàng đầu tiên của McDonald's dự định sẽ xuất hiện ở hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là TP.HCM và Hà Nội vào năm 2014 theo hình thức nhượng quyền khu vực.
Song song với việc đàm phán với đối tác Mỹ, các bên muốn nhận nhượng quyền cũng trong giai đoạn tìm nhà cung ứng trong nước. Ông Kao Siêu Lực, giám đốc doanh nghiệp tư nhận bánh kẹo Á Châu cho biết, ông đang làm việc với các đối tác nhận nhượng quyền trong nước của McDonald's về việc cung cấp bánh mì cho hãng này tại TP.HCM và Hà Nội. Bánh mì sẽ được chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội."
Ông Chu Hiếu Liêm, người từng thất bại trong việc đưa McDonald's vào Việt Nam 10 năm trước, cho rằng McDonald's có thể tạo nên một hiện tượng như Starbucks. "MsDonald's vào chắc chắn các chuỗi kia sẽ mệt hết." Theo khảo sát mà công ty ông Liêm thực hiện, khách hàng của McDonald's tại Việt Nam trong giai đoạn đầu là người nước ngoài, Việt kiều, du học sinh, những người từng làm việc ở Mỹ và những người chịu ảnh hưởng của văn hóa Mỹ. Ông Lý Quý Trung, chủ cũ Phở 24, cũng đồng quan điểm rằng McDonald's có thể đem lại hiệu ứng tiêu dùng mạnh như Starbucks. Sau hai tháng khai trương cửa hàng đầu tiên tại trung tâm quận 1, khách hàng của Starbucks vẫn thường xuyên phải xếp hàng.
Ông Nguyễn Hải cho rằng, cuộc chiến thực sự sẽ diễn ra trong vòng ba năm tới và "không loại trừ có thương hiệu mà cụ thể là những nhà nhận quyền tại Việt Nam không đủ tiềm lực sẽ phải từ giã cuộc chơi."
Trong lúc hàng loạt các chuỗi thức ăn nhanh đổ về Việt Nam, ông Lý Quí Trung chia sẻ một góc nhìn khác. Sự có mặt của các chuỗi này sẽ tác động tiêu cực đến văn hóa ẩm thực thức ăn nhanh của Việt Nam, khi mà thế giới đang dần chuyển từ thức ăn nhanh, đông lạnh sang các thực phẩm có lợi cho sức khỏe thì Việt Nam lại đang tiếp nhận khá nhiều chuỗi thức ăn nhanh. Ông Trung nói: "Chỉ cần hơn chục năm nữa, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều người Việt Nam bị béo phì do thức ăn nhanh."
Nguồn: Hoàng Oanh (Theo Forbes Việt Nam)
www.nhuongquyenvietnam.com.