tontai dfd7cNgày 17/5/2013, đại siêu thị Co.opXtra plus Thủ Đức đã chính thức được khai trương tại TP.HCM. Như vậy, chuỗi kinh doanh bán lẻ đa dạng của Saigon Co.op đã khép kín.

Bí quyết thành công của Saigon Co.op chính là việc tạo ra một mô hình kinh doanh siêu thị bán lẻ 100% thuần Việt với các đặc tính như phát triển từ nhỏ lên, linh hoạt, tiến dần từ "chiến tranh du kích" lên "chính quy hiện đại" để tiết kiệm chi phí và tạo ra lợi nhuận tối ưu.

Khi người mua tình nguyện... trả tiền

7 h30 sáng, đúng giờ mở cửa, bà Nguyễn Thị Ngoan đã có mặt tại Co.opmart Đinh Tiên Hoàng, Bình Thạnh, TP.HCM. Với số tiền khoảng 1,3 triệu đồng, bà có thể mua thức ăn ba bữa cho cả gia đình 4 người trong vòng 1 tuần vì giá thực phẩm ở đây khá rẻ. Chi phí này cũng khá lý tưởng cho một hộ dân trung lưu tại thành phố phát triển nhất nước này.

Sau khi chọn mua hàng, bà Ngoan chỉ việc trả tiền và đi tay không về nhà. Toàn bộ số hàng sẽ được chuyển miễn phí đến tận nhà bà sau 1 đến 2 giờ, đảm bảo tươi ngon và không mất mát. Tiền gửi xe máy của bà Ngoan ở đây chỉ vỏn vẹn có 1.000 đồng - không thay đổi qua nhiều năm nay. Bà Ngoan cho biết, đó là lý do bà trung thành với siêu thị này, mặc dù nó nằm ngay cạnh chợ Bà Chiểu - một trong các khu chợ lớn nhất ở TP.HCM. Chỉ cần nhìn vào cách móc hầu bao những bà nội trợ điển hình như bà Ngoan, các nhà kinh doanh bán lẻ có thể thấy, việc cạnh tranh với Saigon Co.op, đặc biệt là tại khu vực TP.HCM là không hề dễ dàng. Thương hiệu này hiện đang nắm khoảng 50% thị phần trên thị trường bán lẻ Việt Nam - một thị trường có mức độ cạnh tranh gay gắt với khoảng 900 siêu thị lớn nhỏ các loại, 1.000 cửa hàng tiện lợi thuộc về 30 thương hiệu bán lẻ khác nhau.

Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng

Nhìn vào hình thức, nếu đi vào bất cứ siêu thị Co.opmart nào đều thấy gần với vẻ "quê kiểng" và tạo cảm giác "đi chợ" có máy lạnh hơn là cảm giác lạc vào một nơi nào đó sang trọng và xa lạ với người Việt Nam. Tại mỗi siêu thị thường có hệ thống nhà ăn để cung cấp các món ăn đã làm sẵn hay qua chế biến khá đa dạng để các bà nội trợ và gia đình có thể dừng chân ăn uống và mua đem về. Các dịch vụ cộng thêm như chuyển hàng về nhà miễn phí, gửi xe với giá rẻ "giật mình" và thẻ thành viên được thưởng tiền hàng năm là ưu thế và sự khác biệt mà hệ thống này tạo ra so với các siêu thị khác. Quy mô vừa và nhỏ, lối đi không lớn, quầy kệ đầy ắp hàng tiêu dùng nhanh... khiến cho các siêu thị của Co.opmart tiết kiệm được khá nhiều chi phí, đồng thời có thể liên tục thay đổi hàng hóa, tạo cảm giác tươi mới đối với người mua. Đồng thời bằng cách này, Saigon Co.op có thể tận dụng các mặt bằng nhỏ với vốn đầu tư ban đầu rất tiết kiệm, lại ở ngay trong các khu dân cư trung tâm, có thể đưa vào sử dụng nhanh lại cực kỳ tiện lợi cho việc mua bán của người tiêu dùng.

Về phương diện tiếp thị, Saigon Co.op tạo được thiện cảm với người Việt Nam khi là đơn vị đầu tiên gắn chặt tên tuổi của các thương hiệu bán lẻ với chương trình vận động "Người Việt dùng hàng Việt", biểu dương cho hàng Việt Nam chất lượng cao, tham gia vào các chương trình bán hàng bình ổn giá. Đồng thời, đây cũng là nơi luôn bênh vực quyền lợi của người tiêu dùng Việt.

Những đặc tính kinh doanh này này thực ra không phải tự nhiên xuất hiện mà đã có sẵn trong "máu" của Saigon Co.op, vì tiền thân của hệ thống siêu thị và cửa hàng hiện đại của đơn vị này là hệ thống cửa hàng của các hợp tác xã mua bán tại TP.HCM sau năm 1975.

Chính mô hình này đã giúp Saigon Co.op tiết kiệm được chi phí, thời gian và có thể kiếm tiền ngay. Trong khi đó, các thương hiệu đa quốc gia khác phải vất vả thử nghiệm mô hình bán lẻ du nhập từ tập đoàn mẹ vào Việt Nam - vốn đòi hỏi quy mô lớn, hình thức đồng nhất với hệ thống toàn cầu, hệ thống quản lý cồng kềnh và quan liêu làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Đó là chưa kể đến việc diện tích siêu thị càng lớn thì chỉ có thể ở vùng xa trung tâm đô thị, dẫn đến việc mua bán, đi lại của người dân không thuận tiện.

Gia tăng phủ sóng và nâng tầm kinh doanh

Hiện mạng lưới kinh doanh của đơn vị này gồm: 61 siêu thị Co.opmart, 18 Co.opFood, 38 cửa hàng Co.op , các chuyến xe bán hàng lưu động, một kênh truyền hình cáp HTV Co.op để bán hàng 24/24 giờ. Và mới nhất là thương hiệu Đại siêu thị (Hypermarket) Co.opXtra và Đại siêu thị kết hợp phân phối khối lượng lớn (Hypercash) Co.opXtra plus. Tại TP.HCM, Saigon Co.op có kế hoạch phủ kín mạng lưới ở tất cả các quận huyện, nhất là tại các khu đô thị, khu dân cư mới. Còn ở các tỉnh thành khác, Co.opmart đã hiện diện ở miền Tây, duyên hải miền Trung và Nam Trung bộ, sắp tới sẽ mở rộng mạng lưới từ Bắc Trung bộ ra các tỉnh thành phía Bắc. Rõ ràng là, từ một thương hiệu bán lẻ tại TP.HCM, Saigon Co.op đã lớn mạnh như một nhà bán lẻ quốc gia. Giờ đây, nhà bán lẻ này bắt đầu tính đến việc kinh doanh ở nước ngoài. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Saigon Co.op, đơn vị này đã đặt mục tiêu thâm nhập thị trường Lào và Campuchia trong tương lai gần. Về tổng thể, Saigon Co.op đang nỗ lực phấn đấu để đến 2015 có được 100 siêu thị và 150 cửa hàng Co.opFood.

Vấn đề của Saigon Co.op chính là làm sao để kế hoạch phủ thị trường và nâng tầm kinh doanh này trở nên hữu hiệu. Bản thân đơn vị này cũng nhận thấy, nếu chỉ sử dụng cách làm và thế mạnh của mô hình kinh doanh siêu thị 100% Việt Nam sẽ là không đủ. Nhất là trong bối cảnh các thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới đã và đang tiếp tục đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, có thể nhìn thấy các bước đi mới của Saigon Co.op từ năm 2012 cho đến nay, ban đầu bằng việc thay đổi lại bộ nhận diện thương hiệu cho chuyên nghiệp và đồng nhất hơn, cho đến việc liên doanh làm ăn với một đối tác giàu kinh nghiệm để lấn sâu hơn vào mảng đại siêu thị vốn còn rất mới mẻ ở Việt Nam.

Sự kết hợp giữa NTUC FairPrice và Saigon Co.op được đánh giá là hoàn hảo. Vì NTUC FairPrice là một hợp tác xã hàng đầu tại Singapore, được thành lập bởi ông Lý Quang Diệu, hiện chiếm đến khoảng 60% thị trường bán lẻ tại quốc đảo này. Trong khi đó, Saigon Co.op là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với thị phần gần 50%, dự kiến đến cuối năm nay sẽ có được 70 siêu thị Co.opmart. Trong liên doanh nói trên, Saigon Co.op góp 64% vốn, NTUC FairPrice giữ 36% và vốn đầu tư cho mỗi siêu thị khoảng 6-9 triệu USD. Dự kiến liên doanh Saigon Co.op - NTUC sẽ phát triển thêm 1-2 đại siêu thị mỗi năm để có thể đạt được 20 đại siêu thị trước năm 2020. Và đây sẽ là mảng được kỳ vọng sẽ đem lại doanh số, lợi nhuận cũng như kinh nghiệm phát triển và quản lý hết sức cần thiết cho sự phát triển lâu dài của Saigon Co.op.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp.

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Bạn phải từ bỏ một thứ để có được một thứ khác"

User Menu