30May13-102814-AM 62b48Thị trường bia Việt hiện nay đã khá ổn định ở thế chân vạc với 3 đấu thủ chính là Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội và VBL (với các thương hiệu Heineken, Tiger, Larue...)

Phần lớn thị phần nằm trong tay họ. Nếu như quy mô thị trường bia Việt Nam vào cuối năm 2012 vào khoảng gần 3 tỷ lít/năm thì Sabeco đã đóng góp 1,26 tỷ lít, tức khoảng 42% thị phần còn Habeco chiếm 457 triệu lít, tức khoảng 15%.

Các đối thủ khác vẫn có đất sống nhưng quy mô nhỏ như Việt Hà, Carlsberg hoặc mang tính địa phương như Huda, Bến Thành, Dung Quất...

Gần đây, hãng bia lớn nhất thế giới là AB-Inbev đã đánh tiếng về việc thâm nhập thị trường Việt. Một số ý kiến lo ngại về việc ông lớn này sẽ bành trướng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, dù tiếng là lớn nhất thế giới nhưng chưa chắc đường vào thị trường Việt của AB-Inbev đã bằng phẳng.

Trong số các tên tuổi bia ngoại đã vào Việt Nam, chỉ có Heineken là thành công (thị phần đứng thứ hai sau Sabeco), Carlsberg gần đây mới có sự tăng trưởng tốt còn SAB-Miller sau 7 năm vẫn là một câu chuyện buồn

SAB-Miller, hãng bia lớn thứ 2 thế giới, ban đầu liên doanh với Vinamilk để tiến vào Việt Nam với sản phẩm bia Zorok. Tới năm 2008, Vinamilk bỏ cuộc chơi và SABMiller nắm 100% vốn.

Sau 6 năm, sản lượng bia của SABMiller tại Việt Nam chưa chiếm nổi 1% thị phần, và còn đang giảm: sản lượng tiêu thụ năm 2011 là 17 triệu lít và năm 2012 chỉ còn 10 triệu lít.

Beer df6ce

Khó có cửa M&A

Mua lại là động thái thường thấy khi các ông lớn muốn xâm nhập thị trường. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì chuyện AB-Inbev mua lại một trong 3 ông lớn gần như là không thể.

VBL đã thuộc quyền chi phối của Heineken, đối thủ lớn của AB Inbev. Trong khi đó, Sabeco với Habeco là các doanh nghiệp quan trọng mà nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Chậm chân hơn các ông lớn, Carlsberg đã nổ lực củng cố vị thế với nhiều động thái như mua 17% cổ phần của Habeco hay nắm 100% cổ phần của bia Huế (Huda Beer). Hiện tại, Carlsberg đang nắm 60% cổ phần liên doanh Nhà máy bia Đông Nam Á (Halida) cùng một số công ty nhỏ khác.

Nếu muốn M&A thì hiện chỉ có thể tìm đến các doanh nghiệp nhỏ như việc Masan Group đang muốn mua lại bia Phú Yên.

Nhưng khó có chuyện AB-Inbev tiến vào Việt Nam chỉ để chiếm lĩnh một thị trường cấp địa phương của những hãng bia như Phú Yên hay Dung Quât. Không những thương hiệu không có gì nổi trội, mà công nghệ sản xuất có khi còn lạc hậu.

Tóm lại, miếng ngon không tới lượt AB-Inbev, mà miếng dở AB-Inbev không thèm ăn. Tăng trưởng cơ học không đặng, có lẽ chỉ còn nước tăng trưởng nội sinh.

Bia Mỹ uống không dzô

Thâm nhập thị trường bia là cuộc chiến dài hơi, không thể trong một sớm một chiều xây dựng xong hệ thống phân phối hoặc tạo dựng được thương hiệu đi vào lòng người.

Hơn nữa, bia liên quan chặt chẽ đến thói quen của người tiêu dùng. Ví như người Sài Gòn không uống bia Hà Nội, người Hà Nội quả quyết bia Trúc Bạch là nhất còn trong mắt người Huế: bia tức là Huda.

Giờ bảo người Sài Gòn chuyển sang uống bia Hà Nội hay người Hà Nội chuyển sang uống 333, có lẽ không đơn giản.

Vì thế, AB-Inbev lớn tiếng đòi chinh phạt Việt Nam là một chuyện, có làm được hay không lại là chuyện khác.

Nói là vậy chứ các hãng bia Việt cũng phải dè chừng, vì bài học Heineken vẫn còn đó. Không uống bia của nhau, chứ trong các chốn sang trọng, cả dân Hà Nội lẫn dân Sài Gòn vẫn hay tiếp nhau bằng ... Heineken.

Trong mối đe dọa từ AB-Inbev còn chưa rõ ràng thì mối lo lớn nhất với bia Hà Nội hay bia Sài Gòn chính là những đối thủ hiện hữu: VBL (Heineken, Tiger, Larue) và Carlsberg (Carlsberg, Huda, Halida)...

Tốc độ tăng trưởng của VBL và Huda hiện đều đang khiến bia Hà Nội và bia Sài Gòn thèm muốn. Huda Beer, dù chỉ thống trị ở khu vực Huế và bắc Miền Trung nhưng đang có tốc độ tăng trưởng gần 20%/năm và quy mô đã bằng gần nửa so với bia Hà Nội.

KAL

Theo Trí Thức Trẻ

Pin It
Charles C. Noble

"Để khỏi bị nhụt chí bởi những thất bại trước mắt, bạn cần phải có một mục tiêu lâu dài."

User Menu